Mục từ này cần được bình duyệt
12A và 4H/đang phát triển
12A và 4H
Chu Văn An High School Front Yard 2006.jpg
Bối cảnh sân trường Chu Văn An từng được dùng làm nền cho 12A và 4H.
Đề tàiTâm lí xã hội
Biên kịchNguyễn Mỹ Linh
Nguyễn Thu Dung
Bùi Thạc Chuyên
Nguyễn Đông Thức (tiểu thuyết)
Đạo diễnBùi Thạc Chuyên
Trần Quốc Trọng
Hòa âmĐỗ Hồng Quân
Serafim Tulikov
Nhạc dạoMùa hè đã qua
Nhạc kếtMùa hè đã qua
Quốc giaFlag of Vietnam.svg Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Tiếng Anh
Sản xuất
Trường quayHà Nội
Hòa Bình
Nhiếp ảnhĐỗ Đức Thành
Thời lượng75 phút x 4 tập
Hãng chế tácTrung tâm Nghe nhìn Đài Truyền hình Việt Nam
Hãng phân phốiĐài Truyền hình Việt Nam
Mỹ Vân Films[1]
Phát hành
Kênh chiếuVTV3
Dạng ảnhVHS
Nơi công bốFlag of Vietnam.svg Việt Nam
Flag of the United States.svg
Công bốTháng 10, 1995
Trang ngoài
Trang chủ

12A và 4H là một phim truyền hình thanh thiếu niên do Bùi Thạc ChuyênTrần Quốc Trọng đồng đạo diễn, xuất phẩm tháng 10 năm 1995 trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật[2].

Lịch sử[sửa]

Thập niên 1990 khi truyền hình Việt Nam còn sơ khai, Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu tiếp thu xu hướng "trẻ hóa" nội dung từ điện ảnh để dễ tiếp cận công chúng hơn, đồng thời dàn dựng được những chương trình mô tả đúng thực tế xã hội, thay cho những chương trình nặng tính tuyên giáo lỗi thời. Vì thế, giữa năm 1994, Ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam ủy thác Trung tâm Nghe nhìn (sau này sáp nhập với Hãng phim truyền hình Việt Nam thành Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình) thực hiện một phim truyền hình nhiều tập chủ đề thanh thiếu niên. Sau khi cân nhắc, phía nhà sản xuất quyết định chuyển thể tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè của tác gia Nguyễn Đông Thức, chỉ hai năm trước đó được đạo diễn Lê Hoàng Hoa[3] chuyển thể thành phiên bản điện ảnh gây cháy vé toàn quốc.

Tuy nhiên, vì là bản truyền hình, lại dành cho đối tượng khán giả miền Bắc, nên truyện phim phải được đặt trong bối cảnh miền Bắc với tình tiết dung dị hơn. Vẫn là những sự kiện xoay quanh nhóm 4H với những buồn vui tuổi mới lớn, nhưng nhà biên kịch lược đi chi tiết cái chết của nhân vật Long, để cậu tiếp tục thực hiện ước mơ vào đại học và lập nghiệp. Mà về sau, cách thể hiện mới này được nhà văn Nguyễn Đông Thức tán thành. Ngoài ra, nhà làm phim cũng xây dựng lại hai nhân vật Thiện và Ngôn, vốn rất mờ nhạt trong nguyên tác. Thiện sẽ là con một đại tá công an theo ba ra Bắc học nốt năm cuối, còn Ngôn phải là nhân vật hoàn toàn phản diện, có những hành vi tác động đến diễn biến phim và cả số nhận các nhân vật chính.

Đề án phim truyền hình 12A và 4H cũng góp phần giới thiệu dàn tài tử trẻ và mới vào nghề, mà sau đều trở thành những minh tinh hàng đầu trong giới điện ảnh truyền hình Việt Nam.

Nội dung[sửa]

Theo lời bà hiệu trưởng trường Chu Văn An, lớp 12A có hai nhóm bạn đối lập về tính cách, tuy gia cảnh có khác nhau nhưng chơi với nhau rất thân : Bốn H (Hằng-Hạ-Hoa-Hân) đa tài học giỏi, Bốn Mùa (Ngôn-?-Trinh-Hiển) ham chơi học kém.

  • Tập 1 :

Năm học mới, Hằng tiếp tục được bầu làm lớp trưởng, còn Hạ là bí thư chi đoàn. Trường phân công một giáo viên Văn tập sự tên Minh tạm thời làm chủ nhiệm do cô chủ nhiệm cũ đột ngột nghỉ hưu, thầy Minh đồng thời là thi sĩ tài hoa, đã có chút tiếng tăm trong giới văn nghệ. Lớp lại đón thêm Thiện, con một đại tá công an theo ba ra Hà Nội công tác. Để mừng con chuẩn bị bước vào kì thi đại học quyết định đường đời, ông bà Quang vỗ về Hằng bằng những món quà xa xỉ, nhân đấy giới thiệu chú Đăng là cấp dưới ông Quang. Vì là chỗ thân tình, ông Quang cho chú Đăng ở nhờ tầng thượng cho tiện công việc.

Ngôn (trưởng nhóm Bốn Mùa) rủ Thiện đi chơi thâu đêm suốt sáng, lôi cậu vào những cuộc phá phách bốc giời. Ba Thiện là ông Trung bắt đầu sinh nghi và cấm cản. Trong khi đó, Hằng chia xẻ những rung cảm thi ca với thầy Minh, tỏ ra hâm mộ không chỉ thơ thầy mà cả con người thầy. Bề ngoài tỏ ra đứng đắn đạo mạo, nhưng thực tâm thầy Minh luôn dằn vặt về những tham vọng nghệ thuật cao sang, bất chấp thực tế là gia cảnh rất quẫn bách.

Nhân vì Thiện mạnh dạn tố cáo hành vi xúc phạm thầy Tùng, Ngôn chặn đánh Thiện trước cổng trường, may có Long, Hạ và Hân can thiệp. Ông Trung biết truyện, nhưng chỉ răn đe và cảnh tỉnh Thiện. Hội đồng kỉ luật trường xét trừng trị Ngôn, bố Ngôn cậy công đóng góp tu bổ trường nên tìm cách đấu dịu. Các thầy cô xung đột ý kiến, thầy Tùng quyết định nghỉ dạy vì cho rằng ban giám hiệu coi thường phương pháp sư phạm của mình. Ngôn được trở lại học, nhưng bị cả lớp tẩy chay để cảnh cáo.

  • Tập 2 :

Những buổi tập văn nghệ chuẩn bị hội diễn trường càng khắc sâu tình cảm thầy Minh và Hằng. Cô chủ động mời thầy về nhà chơi, được thầy tặng tập thơ và mời dự lễ trao thưởng thơ tạp chí Tuổi Trẻ. Hằng rủ Hạ cùng đi, tới nơi được thầy Minh giới thiệu với nhà thơ Đoàn Hùng - anh kết nghĩa của Long. Hùng phát hiện tòa soạn đánh máy nhầm tên người trúng giải, coi như thầy Minh bị gạt ra rìa. Thầy Minh cho rằng tư cách nghệ sĩ bị xúc phạm, đường đột bỏ về trước sự chứng kiến của Hằng và Hạ.

Hạ phát hiện Long đạp xích lô kiếm sống, từ cảm phục đến sinh tình cảm. Cả hai hẹn nhau đi chơi, Long kể cho Hạ nghe quãng đời tăm tối vừa qua của cậu. Thầy Minh bị ban giám hiệu cảnh cáo hành vi uống rượu trước giờ lên bục giảng, bèn đệ đơn xin nghỉ.

Những rạn nứt trong mối quan hệ ông bà Quang bắt đầu lộ diện. Rồi Hằng phát hiện mẹ ngoại tình với chú Đăng ngay tại nhà, liền thất vọng đuổi mẹ đi giữa đêm khuya. Cả bầu trời thơ mộng bỗng sụp tan tành trước mắt cô, chỉ còn bóng đêm mịt mù.

  • Tập 3 :

Lớp 12A lại có chủ nhiệm mới, cũng thay thầy Minh dạy môn Văn còn trống. Nhưng lúc này, Hẳng chỉ còn biết bám víu thầy Minh để khỏi ngã lòng. Ngược lại, thầy Minh tìm cách bỏ rơi Hằng vì sợ vợ phát hiện, và vì lâu nay Minh cũng chỉ ăn bám vợ và chút hư danh.

Hằng bỏ nhóm 4H để chạy theo Ngôn. Nhóm Bốn Mùa rủ Hằng đi chơi, mở băng khiêu dâm cho coi, khiến cô giận dỗi bỏ về. Hạ khuyên Hằng không được, đành nhờ Long giúp. Long rủ mấy bạn hẹn thầy Minh ra quán cà phê cảnh cáo.

Mẹ Hạ biết con đang yêu đương, bèn tìm hiểu gia cảnh Long và hẹn Long ra tiệm giải khát yêu cầu cậu tránh xa Hạ. Hàng ngày, bà nhờ Thiện kèm Hạ đi học để Long không tới nữa.

  • Tập 4 :

Thiện tới nhà khuyên Long đừng hiểu lầm mình với Hạ, nhưng cậu chỉ dửng dưng. Hàng ngày, mọi cuộc điện thoại của Hạ đều bị mẹ kiểm soát, bà còn lén đọc nhật kí của con. Long ngày càng tỏ ra thờ ơ với Hạ, Hạ đến nhà tìm Long hỏi cho ra nhẽ nhưng cậu không đáp, Hạ giận dỗi bỏ về.

Ông Quang biết cơ ngơi mình chèo chống bao năm sắp đổ, lâm vào bi phẫn và rượu chè không kiểm soát. Hằng mất hết chỗ dựa tinh thần, nhưng nhờ 3H khuyên nhủ, cô về nhà ngoại hòa giải với mẹ. Dẫu phải tỏ ra lạnh nhạt với Hạ, nhưng Long vẫn âm thầm giúp Hằng. Cậu nhờ anh Hùng đưa Hằng lên mạn ngược, tạm nghỉ học một thời gian cho khỏa. Nhóm 4H từ đây vắng Hằng.

Hôm thi học kì, thầy giám thị phát hiện Ngôn quay cóp, liền bị cậu ném gạch vỡ đầu. Hội đồng kỉ luật trường không dám bao che nữa, phải đưa Ngôn ra công an và đình chỉ học vô thời hạn.

Trong ngày cả lớp chia tay chuẩn bị thi cuối cấp, Thiện kể hết sự tình cho Hạ nghe để Hạ thông cảm với Long. Hạ và Long hòa giải.

Sau kì thi đại học, 3H rủ Long đi chơi phố rồi bất giác thèm về thăm trường cũ. Trong lúc cả bọn ôn lại kỉ niệm một thời bên nhau thì Hằng mở cổng trường bước vào.

Kĩ thuật[sửa]

12A và 4H được thực hiện tại Hà NộiHòa Bình mùa hè năm 1994, bối cảnh chính là trường Trung học Phổ thông Chu Văn An. Đây là xuất phẩm thứ nhì của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau phim video đầu tay Giọt nước mắt[4].

Bản nhạc nền Mùa hè đã qua với giọng ca Minh Nga nên thơ mộc mạc vốn là bản Việt ca khúc Điều chẳng bao giờ lặp lại[5] (Не повторяется такое никогда), lời Mikhayl Plyatskovsky và nhạc Serafim Tulikov, từng thống trị các bảng xếp hạng nhạc nhẹ Liên Xô thập niên 1980 qua phần thể hiện của ban Samotsvety, do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ lại với nội dung trầm buồn hợp những phút chia tay của học trò cuối cấp.

Cũng như phim, cho tới nay ca khúc Mùa hè đã qua vẫn được ưa chuộng như là một trong những hình ảnh đẹp nhất về thầy cô mái trường, về tuổi học trò hồn nhiên với những mối tình đầu đẹp trong sáng[6].

Sản xuất[sửa]

  • Phó đạo diễn : Văn Khoa
  • Bí thư đạo diễn : Mỹ Linh
  • Phó quay phim : Lê Mạnh
  • Đạo cụ và dựng cảnh : Văn Nhật, Xuân Hòa
  • Hóa trang : Phương Tâm
  • Phối sáng : Minh Hoàng, Đức Hòa
  • Kĩ xảo : Xuân Huy
  • Dựng phim : Thanh Bình
  • Tiếng động : Minh Tâm, Minh Thu
  • Họa sĩ : Nguyễn Tuấn Thịnh, Nguyễn Khắc Y

Diễn xuất[sửa]

Hậu trường[sửa]

12A và 4H phản ánh tác động của kinh tế thị trường đối với nếp sống gia đình, xung đột của bậc phụ huynh đối với tâm lí và học lực của con cái. Bộ phim cũng tố cáo theo cách tế nhị vấn nạn hội phụ huynh dùng của cải khống chế ban giám hiệu, khiến con trẻ càng trở nên bất trị, và càng nghiêm trọng tuổi dậy thì. Phim còn đề cập thói chạy đua hư danh trong giới văn nghệ, điều mà các nhà làm phim vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.

Phim được coi là bộ phim truyền hình thành công với giá trị nghệ thuật và sáng tạo cao.[9][10][11] Câu chuyện gần gũi với lứa tuổi mới lớn của phim đã tạo nên một cơn sốt cho giới học sinh trung học và sinh viên ở Hà Nội vào thời điểm phim trình chiếu.[12] Nhiều nhân vật trong phim đã để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả trẻ như vai Ngôn của Anh Tuấn, vai thầy giáo dạy Văn của Quốc Tuấn hay vai Hạ của Huệ Anh,[13][14][15] diễn viên Quốc Tuấn và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng tạo dựng được tên tuổi cho mình sau thành công của bộ phim này. Năm 1995 12A và 4H đã được trao giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim truyện video hay nhất.[16] Cho đến nay bộ phim phát sóng đã được khoảng 20 năm nhưng 12A và 4H vẫn được coi là một trong những bộ phim truyền hình hay của Việt Nam dành cho lứa tuổi mới lớn.[17]

  • Nhan đề 12A và 4H gợi liên tưởng công thức hóa học trong chương trình phổ thông hoặc trò chơi ký hiệu được học sinh rất ưa chuộng mỗi giờ đến lớp. Sau khi phim lên sóng, trong học sinh miền Bắc phát sinh trào lưu đặt tên ký hiệu cho những nhóm bạn thân thiết.
  • Đạo diễn Quốc Trọng xuất hiện với vai thầy giáo Mẫn trong 3 phân cảnh nhưng đều không thoại. Vì thế, đây là vai câm duy nhất trong sự nghiệp điện ảnh của ông.
  • Ở thời điểm phim thực hiện hậu kì, tại Việt Nam chưa áp dụng kĩ thuật thâu tiếng trực tiếp buộc diễn viên phải tự lồng qua bản ráp nối âm thanh. Hầu hết diễn viên 12A và 4H đều tự lồng tiếng cho mình, dù ít người có kinh nghiệm lồng tiếng.

Tham khảo[sửa]

Liên kết[sửa]

  1. Mỹ Vân Films tại WorldCat Indentities
  2. Việt Hoài (ngày 20 tháng 3 năm 2006), Bùi Thạc Chuyên: từ A đến Z, Tienphong.vn
  3. Nguyễn Đông Thức không "vĩnh biệt mùa hè" Người Lao động ngày 20 tháng 7 năm 2013
  4. Bùi Thạc Chuyên - Tú Oanh vươn lên từ niềm đam mê, Vnexpress.net, ngày 27 tháng 9 năm 2005
  5. Не повторяется такое никогда - Điều chẳng bao giờ lặp lại
  6. T.M (ngày 28 tháng 11 năm 2008), Thực đơn âm nhạc : Ca khúc theo chủ đề tháng 11 - Thầy cô và mái trường., Vtv6.com.vn
  7. Gặp lại Hạ trong "12A và 4H" sau 12 năm, Laodong.com.vn, ngày 29 tháng 5 năm 2007
  8. Bắt mạch Xuân Bắc, Vnexpress.net, ngày 14 tháng 3 năm 2005
  9. Tổ ấm tình yêu, Ngoisao.net, ngày 27 tháng 4 năm 2006
  10. Phim hè 2008 cho thiếu nhi : Đạo diễn Việt lại bỏ ngỏ màn ảnh rộng, Saigonnews.vn, ngày 12 tháng 5 năm 2008
  11. Mạnh Thắng (ngày 23 tháng 6 năm 2008), Đạo diễn 7X - Khẳng định phong cách, Baodaidoanket.net
  12. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không muốn bị lẫn vào đám đông, Vnexpress.net, ngày 28 tháng 3 năm 2003
  13. Trần Kim Anh (ngày 5 tháng 9 năm 2007), Tình yêu không nhất thiết phải bằng lời nói, Dantri.com.vn
  14. Quốc Tuấn: Quan tâm đến…thù lao từ ngày lấy vợ, Nld.com.vn, ngày 24 tháng 3 năm 2006
  15. H.Anh – T.Huệ - M.Trinh – T.Thủy (ngày 30 tháng 1 năm 2009), Giải oan cho những gương mặt "đáng ghét", Vtv.vn
  16. Bùi Thạc Chuyên : Tìm đường từ những thất vọng, Thegioidienanh.vn, ngày 22 tháng 10 năm 2008[liên kết không tồn tại]
  17. Phim 'teen' Việt Nam: Đất rộng người thưa!, Vietnamnet.vn, ngày 13 tháng 1 năm 2005