Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ứng phó với sự cố môi trường

Ứng phó với sự cố môi trường là những hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra sự cố môi trường, giải quyết khi sự cố xảy ra và khắc phục hậu quả.

Nguyên nhân[sửa]

Sự cố môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường xảy ra do biến đổi của tự nhiên như thủy triều, sạt lở, động đất,... Sự cố môi trường nhân tạo xảy ra do tác động bởi hoạt động của con người như cháy nổ, hỏng hóc các thiết bị; xả nước thải chưa xử lý hoặc đã xử lý một phần; rò rỉ do ngập lụt dẫn đến các sự cố chảy tràn. Sự cố chất thải là một dạng sự cố môi trường do chất thải gây ra trong quá trình quản lý chất thải gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn.

Các loại tác động môi trường[sửa]

Các sự cố môi trường dựa trên sự phân hạng các tác động môi trường làm cơ sở đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, có thể được phân loại như sau:

  • Tác động nhỏ: không gây ô nhiễm, ảnh hưởng cục bộ
  • Tác động cần hạn chế: không nhiều yếu tố gây ô nhiễm, ảnh hưởng cục bộ trong thời gian ngắn
  • Tác động nghiêm trọng: không nhiều yếu tố gây ô nhiễm nhưng ảnh hưởng lan rộng trong thời gian kéo dài
  • Tác động rất nghiêm trọng: gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng cục bộ trong thời gian kéo dài
  • Thảm họa môi trường: gây ô nhiễm rất nặng, ảnh hưởng trong phạm vi rộng lớn và thời gian tác động kéo dài.

Xếp hạng tác động rất nghiêm trọng hoặc thảm họa đối với môi trường dành cho các sự cố ở mức độ được coi là các trường hợp khẩn cấp lớn thường xảy ra ít có cảnh báo hoặc không có cảnh báo gây ra hoặc đe dọa tạo ra sự chết chóc hoặc thương tích, làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ thiết yếu hoặc thiệt hại đối với tài sản, môi trường.

Ứng phó với sự cố môi trường[sửa]

Ứng phó với sự cố môi trường bao gồm lập kế hoạch ứng phó và xây dựng quy trình ứng phó. Bản kế hoạch ứng phó vạch ra các hành động cần thực hiện để giảm khả năng gây ô nhiễm/ sự cố môi trường. Quy trình ứng phó sự cố môi trường bao gồm:

  • Nguồn lực cần thiết trong và ngoài phục vụ ứng phó như phương tiện, trang thiết bị, nhân lực
  • Các bước xử lý khi có sự cố như báo động
  • Xác định nguồn phát tán, rò rỉ và ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng
  • Xử lý việc phát tán, tràn đổ chất thải
  • Thông báo cho cơ quan có trách nhiệm trong trường hợp khẩn cấp
  • Các hoạt động quản lý, xử lý chất thải thu hồi (nếu có)
  • Các hoạt động khắc phục sau sự cố môi trường như quan trắc, giám sát.

Tại Việt Nam[sửa]

Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2014 đã phân loại 4 cấp độ ứng phó với sự cố môi trường gồm 4 cấp từ cơ sở đến đến cấp quốc gia với 3 giai đoạn ứng phó là chuẩn bị, tổ chức ứng phó và phục hồi môi trường sau sự cô, nội dung của ứng phó với sự cố môi trường và quy định rõ ràng trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường. Nhà nước cũng ban hành qui chế ứng phó với sự cố chất thải đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn áp dụng cho các cơ sở, tổ chức cá nhân có liên quan đến ứng phó sự cố chất thải. Ứng phó sự cố môi trường được nêu ra trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Ngoài ra, Nhà nước cũng ban hành quy chế ứng phó với sự cố chất thải đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn áp dụng cho các cơ sở, tổ chức cá nhân có liên quan đến ứng phó sự cố chất thải.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Endeavour Energy, Australia, Environmental Management Standard - Environmental Incident Response and Management, 2018.
  2. EPA, Ireland. Guidance on the Notification, Management and Communication of Environmental Incidents, 2010.
  3. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
  4. Thủ tướng Chính phủ, Quy chế Ứng phó với sự cố chất thải, Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020.