Mục từ này cần được bình duyệt
Ấu trùng tôm, cá

Ấu trùng tôm, cá là giai đoạn sớm của các loài động vật thủy sinh (tôm, cá, mực, Tu hài, ghẹ v.v...) sau khi nở ra từ trứng có hình dạng khác với cá thể trưởng thành.

Ở giai đoạn ấu trùng này con vật có hình thái và tập tính rất khác với con non và cá thể trưởng thành. Sau một thời gian phát triển nhất định (thời gian dài hoặc ngắn tùy thuộc vào từng loài động vật khác nhau), ấu trùng biến thái thành con non (Juvenile/Fingerling) có hình dạng giống hệt như cá thể trưởng thành (tôm sú, cá song, cua , ghẹ...).

Hình 1: Các giai đoạn phát triển của ấu trùng tôm Sú

(Nguồn: Aquaculture Department. SE Asian Fisheries Development Center. Philippines)

Trứng tôm sú sau khi giao vĩ được thụ tinh và đẻ ra ngoài biển. Trứng nở ra ấu trùng (larvae), ấu trùng nhiều lần lột vỏ và phát triển qua các giai đoạn Nauplius, Zoea, Mysis, Postlarvae rồi biến thái thành con non (Juvenile) và sau đó dần phát triển thành cá thể trưởng thành. Ấu trùng Nauplius gồm 6 giai đoạn phát triển kéo dài khoảng 3 ngày. Các Nauplius bơi từng đoạn ngắn rồi nghỉ, chúng lột vỏ 4 lần, mỗi lần khoảng 7 giờ và tự sống bằng noãn hoàng, không cần cho ăn. Ấu trùng Zoea gồm 3 giai đoạn phát triển kéo dài khoảng 3 - 5 ngày. Các Zoea bơi liên tục gần mặt nước, chúng lột vỏ 2 lần, mỗi lần khoảng 36 giờ. Giai đoạn này Zoea ăn thực vật phiêu sinh. Ấu trùng Mysis gồm 3 giai đoạn phát triển kéo dài khoảng 4 - 5 ngày. Các Mysis không còn bơi gần mặt nước, chúng có xu hướng bơi xuống sâu, đuôi đi trước, đầu đi sau. Postlarvae (PL) là giai đoạn Hậu ấu trùng phát triển kéo dài khoảng 12 - 15 ngày. Trong các trại sản xuất giống PL thường bám vào thành, đáy bể và có khả năng bơi lội chủ động ngược dòng sục khí để bắt mồi. Sau giai đoạn này Postlarvae biến thái thành con non (Juvenile) có hình dạng giống hệt tôm sú trưởng thành.

Hình 2. Phân chia cácgiai đoạn phát triển của phôi cá (T.C Pace)

Nguồn: Viện nghiên cứu thủy sản Hoàng Hải Trung Quốc (1960)

Trứng cá chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn phân cắt trứng (Giai đoạn I): Từ khi trứng được thụ tinh đến khi trên cực động vật của noãn hoàng xuất hiện vòng phôi; Giai đoạn mầm phôi (Giai đoạn II): Vòng phôi bao 1/2 noãn hoàng, đầu phôi xuất hiện đến khi vòng phôi biến mất, trứng đã sang thời kỳ phôi vị.; Giai đoạn hình thành thể phôi (Giai đoạn III): Các cơ quan phôi lần lượt xuất hiện, đã hình thành đuôi phôi, đến khi đuôi phôi tách khỏi noãn hoàng, thân phôi đã bao trên 1/2 đến 3/4 noãn hoàng; Giai đoạn phôi hoàn thành (Giai đoạn IV): Thể phôi đã bao gần hết noãn hoàng, xuất hiện màng vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi, mầm vây ngực. Trứng chuẩn bị nở.

Trải qua một thời gian phát triển nhất định trứng nở thành ấu trùng và ấu trùng tiếp tục phát triển rồi biến thái thành cá con.

Cá con chia làm 3 giai đoạn: 1) Cá bột (Larvae): Từ cá bột mới nở đến khi hình thành xong vây đuôi. 2) Cá hương (Postlarva): Từ lúc hình thành xong vây đuôi đến hết giai đoạn biến thái, có đầy đủ các vây bao gồm các tia và gai, ở nhiều loài đã xuất hiện vẩy. 3) Cá con (Juvenile): Hình dạng cơ thể giống cá trưởng thành, có đủ các vây và tia vây, có vẩy… cho đến khi bắt đầu phát triển tuyến sinh dục lần đầu trong đời sống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • DANIDA - Bộ Thủy Sản, Danh mục các loài nuôi biển và nước lợ ở Việt Nam. Hà Nội, 2003
  • Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome, Hatchery culture of Bivalves - A practical manual, 2004
  • Viện Nghiên cứu thuỷ sản Hoàng Hải Trung Quốc, Quá trình phát triển đới sống của cá – Sự phát triển của phôi, 1960