Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ảo ảnh thị giác
Ảo ảnh Barberpole
Ảo ảnh Barberpole

Ảo ảnh thị giác là sự phản ánh không chính xác về sự vật, hiện tượng của tri giác nhìn. Trong thực tế, con người thường hay gặp các ảo ảnh thị giác về quang học và hình học.

Đây là loại ảo ảnh trực quan, liên quan đến sự đánh lừa thị giác. Do sự sắp xếp của hình ảnh, hiệu ứng của màu sắc, tác động của nguồn sáng hoặc các tác động khác tạo ra một loạt các hiệu ứng hình ảnh, gây nhầm lẫn trong quá trình tri giác. Ảo ảnh thị giác cho con người một hình ảnh giống như thật nhưng lại không có thật hoặc không hoàn toàn như hình ảnh con người có được.

Ảo ảnh xảy ra khi có sự không phù hợp giữa kích thích của sự vật với tri giác nhìn của con người. Ảo ảnh thị giác tạo nên các biến dạng định hướng hoặc kích thước của sự vật mà con người tri giác. Hiện tượng này xảy ra ở tất cả mọi người và là một quy luật của tri giác nhìn. Ảo ảnh do tri giác nhìn của con người tạo ra khác với ảo ảnh trong quang học.

Ảo ảnh thị giác bao gồm nhiều loại, nhưng đều là sự diễn giải sai lệch các thông tin mắt thu được, từ đó có được hình ảnh không chính xác về sự vật ta nhìn thấy. Có thể thấy ảo ảnh thị giác có các loại như sau: Ảo ảnh về kích thước sự vật, về khoảng cách của sự vật với chủ thể, ảo ảnh về màu sắc, ảo ảnh về sự chuyển động của vật thể và ảo ảnh về mối quan hệ giữa các vật thể. Sự bố trí các chi tiết, màu sắc, hướng đổ bóng, chiều chuyển động…, theo những cách thức đặc biệt có thể khiến chúng ta có cảm giác các đoạn thẳng bị cong vẹo hay có sự khác nhau về độ dài, mặc dù thực chất chúng nằm song song hoặc có độ dài bằng nhau. Nhiều ảo ảnh thậm chí có thể còn thay đổi hình dáng, kích thước hay hướng chuyển động của vật thể so với cảm nhận ban đầu.

Một hiện tượng dễ bị nhầm lẫn với ảo ảnh thị giác là hiện tượng ảo giác thị giác (ảo thị). Ảo ảnh thị giác xảy ra khi có một sự vật tác động vào mắt con người, tạo ra một hình ảnh không phù hợp với sự vật. Còn ảo thị xảy ra khi không hề có sự vật nào tác động vào thị giác nhưng con người vẫn cảm nhận rất rõ ràng về hình ảnh của sự vật.

Ảo ảnh thị giác có thể được tạo ra bởi các quy luật vật lý như chiếc sào “bị gãy khúc” khi cắm một phần xuống vùng nước trong; chiếc áo len có các sợi đỏ và sợi xanh xen kẽ nhau sẽ cho ta hình ảnh chiếc áo màu tím. Ảo ảnh thị giác cũng có thể được tạo ra một cách ngẫu nhiên hoặc có chủ định của con người. Ảo ảnh thị giác được hình thành do cơ chế hoạt động của não bộ. Tuy cũng là một quá trình xử lý thông tin giác quan được điều chỉnh bởi cơ chế hoạt động của não bộ nói chung, nhưng ảo ảnh thị giác lại được gây ra bởi nhiều yếu tố phức tạp hơn hẳn độ trễ thông tin và xu hướng “điền vào chỗ trống”. Khi ánh sáng tác động vào võng mạc và truyền thông tin lên não, não cần khoảng 1/10 giây để xử lý thông tin và chuyển đổi các tín hiệu. Mỗi loại thông tin cụ thể như màu sắc, hình dạng, chuyển động, các họa tiết của một hình ảnh thu được trên võng mạc không được xử lý đồng thời; mà lại thuộc trách nhiệm của các tế bào thần kinh riêng biệt. Người ta đã thấy trong lúc nhìn vào ảo ảnh, những neuron thần kinh có sự cạnh tranh lẫn nhau trong việc truyền tải thông tin, từ đó làm ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta và tạo ra những cảm nhận sai lệch về sự vật.

Như vậy, đôi mắt không có lỗi khi để chúng ta bị lừa vì những ảo ảnh. Đơn giản, đó là cách thức mà con mắt và hệ thống xử lý thông tin thị giác phía sau nó hoạt động. Những yếu tố ẩn dưới tầng tiềm thức hay những cơ chế vận hành tự động của não bộ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành ảo ảnh thị giác nhưng con người rất khó nhận biết sự chi phối của chúng trong hoạt động thường ngày.

Ảo ảnh thị giác không có hại gì cho con người. Khác với các ảo ảnh vật lý có thể làm hại con người. Như các tài xế bị đánh lừa khi đi trên đường nhựa, ảo ảnh con đường sũng nước làm cho họ không dám đi vào, những nhà thám hiểm đi trên sa mạc thấy ảo ảnh là một ốc đảo có cây cối xanh tươi làm họ bị lạc đường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành, Tâm lý học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
  2. Nguyễn Văn Lũy - Lê Quang Sơn (đồng chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009.
  3. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
  4. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.