Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ảnh hưởng xã hội

Ảnh hưởng xã hội là ảnh hưởng của người này đến hành vi của người khác. Hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi những người khác ở nhiều cách thức và nhiều cấp độ.

Ảnh hưởng xã hội là hành vi của một người trở thành chỉ dẫn, định hướng cho hành vi của một người khác (G.N. Fischer, 1987). Do đó, ảnh hưởng xã hội bao trùm tất cả những gì tạo ra sự thay đổi về hành vi dựa vào những áp lực chi phối trong một bối cảnh nhất định. Ảnh hưởng xã hội là vấn đề được quan tâm lớn trong tâm lý học xã hội. Khi nghiên cứu về ảnh hưởng xã hội người ta thường phân tích về các quá trình, các hình thức và tác động của ảnh hưởng xã hội.

Khi nói đến quá trình của ảnh hưởng xã hội, trước hết phải nói đến các biểu hiện cơ bản như: bắt chước và lây truyền xã hội; so sánh xã hội và các chuẩn mực xã hội.

Bắt chước là quá trình căn bản của đời sống xã hội. Nó không phải là sự sao chép đơn giản, mà là sự sản xuất độc đáo, bao gồm cả sự sáng tạo. Bắt chước là phát triển các khuôn mẫu ứng xử cho phép chủ thể hành động hiệu quả và hài lòng (Tarde, 1903).

Khái niệm lây truyền xã hội được Le bon đưa ra lần đầu tiên khi ông nghiên cứu về đám đông. Theo Le bon, sự lây truyền xã hội là cơ sở để hình thành đám đông khi mà những cảm xúc và những ý kiến trao đổi với nhau được nhân lên và củng cố. Lây truyền xã hội quy định xu hướng bắt chước một mô hình ứng xử mang tính chi phối được truyền từ người này sang người khác.

Trong cuộc sống có nhiều dẫn chứng về sự ảnh hưởng xã hội qua bắt chước và lây truyền xã hội. Chẳng hạn, một học sinh thay đổi hành vi của mình theo hành vi của các học sinh khác trong lớp. Một cổ động viên của một đội bóng đá tự nguyện mặc quần áo của các cầu thủ đội bóng. Hiện tượng mốt trong ăn mặc, kiểu tóc của thanh niên là một dẫn chứng thuyết phục cho sự bắt chước và ảnh hưởng xã hội… Tại sao con người phải làm theo hoặc cố gắng làm theo những người khác? Tại sao con người phải bắt chước người khác về cách thức suy nghĩ và hành vi ứng xử? Một trong những lý do mà cá nhân tuân thủ, làm theo cách thức ứng xử của các thành viên khác trong nhóm là để được các thành viên trong nhóm chấp nhận. Một học sinh thay đổi hành vi của mình theo hành vi của các học sinh khác trong lớp để được các thành viên trong lớp chấp nhận, để học sinh này không bị lớp cô lập. Một cổ động viên của một đội bóng đá tự nguyện mặc quần áo của các cầu thủ đội bóng để cá nhân này cảm thấy mình là một phần của nhóm cổ động viên và của đội bóng, để được họ chấp nhận. Thanh thiếu niên hiện nay chạy theo mốt về ăn mặc, kiểu tóc của các diễn viên, ca sỹ Hàn Quốc là để họ được cộng đồng thanh thiếu niên thừa nhận, để họ ra ngoài xã hội không bị lạc lõng, bị cô lập và để dễ hòa đồng với bạn và cộng đồng hơn.

Sự bắt chước, a dua để cá nhân tìm được sự đồng nhất với nhóm có thể diễn ra theo một trong hai tình huống sau: Thứ nhất, cá nhân hoàn toàn bị thuyết phục bởi các quan điểm và hành vi của nhóm; Thứ hai, cá nhân có thể có những ý kiến trái ngược với nhóm, không muốn hành động theo nhóm. Song vì sợ mình khác biệt với nhóm, sợ nhóm phản đối hay cô lập nên dù không đồng tình nhưng cá nhân vẫn làm theo nhóm.

Sự phù hợp của nhóm cũng có thể là yếu tố khuyến khích hợp tác trong nhóm khi cố gắng đạt được mục tiêu chung. Khi một cá nhân có thể thể hiện ảnh hưởng của mình với nhiều người trong nhóm, cá nhân này có thể thuyết phục nhóm làm việc tập thể.

So sánh xã hội là một hình thức khác thể hiện sự ảnh hưởng xã hội. Con người ta không phải lúc nào cũng tin tưởng chắc chắn vào những suy nghĩ và hành động của mình. Trong trường hợp này họ có xu hướng tìm hiểu ở người khác xem ý kiến và hành động của mình có đúng không. Nghĩa là xem ý kiến và hành động của mình có được những thành viên khác trong nhóm của mình chấp nhận không. Một sự hoài nghi như vậy thúc đẩy con người hành động theo người khác. Tức là cá nhân đã thực hiện một quá trình so sánh xã hội.

Một yếu tố tác động lớn đến sự ảnh hưởng xã hội là chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực là một quy tắc rõ ràng hay ngấm ngầm áp đặt một phương thức hành vi xã hội một cách có tổ chức (G.N. Fischer, 1987). Chuẩn mực thể hiện như một tập hợp các giá trị chi phối rộng rãi trong một xã hội nhất định và được tuân theo trong xã hội đó. Chuẩn mực chú trọng đến sự tán thành, nhưng cũng bao gồm cả sự trừng phạt khi chuẩn mực không được thực hiện. Hiệu quả của chuẩn mực là tạo ra sự đồng nhất trong xã hội hay trong nhóm, cộng đồng. Nói cách khác, dưới tác động của chuẩn mực, các cá nhân hành động một cách thống nhất. Có thể nói chuẩn mực tạo ra sự ảnh hưởng xã hội lớn với sự đồng nhất về hành vi của các cá nhân. Sự ảnh hưởng của chuẩn mực ở các phạm vi khác nhau. Có những chuẩn mực ảnh hưởng ở phạm vi toàn xã hội. Chẳng hạn, hiến pháp, luật pháp của một quốc gia. Có những chuẩn mực chỉ ảnh hưởng ở phạm vi của một nhóm. Chẳng hạn, luật tục của các dân tộc thiểu số. Nó chỉ ảnh hưởng trong phạm vi cộng đồng buôn làng của dân tộc đó. Luật tục của dân tộc này không ảnh hưởng ở cộng đồng dân tộc khác.

Một yếu tố có liên quan đến chuẩn mực và có ảnh hưởng lớn đến ảnh hưởng xã hội là tính khuôn phép. Tính khuôn phép là sự thay đổi cách ứng xử của cá nhân nhằm đáp ứng với sức ép của nhóm bằng cách đồng ý với chuẩn mực mà nhóm đã đưa ra hay áp đặt (theo Fischer, 1987). Việc thực hiện sức ép của nhóm có thể xuất hiện ba tình huống: (1) xuất hiện sự căng thẳng, mâu thuẫn giữa lập trường trước đó của cá nhân và áp lực của nhóm mà cá nhân chịu sự tác động; (2) cá nhân có thể hoàn toàn tán thành áp lực của nhóm đối với bản thân mình và cá nhân chấp thuận một cách tự nguyện theo chuẩn mực của nhóm; (3) sự thay đổi của cá nhân để chấp thuận chuẩn mực của nhóm như là sự phủ định quan điểm, cách ứng xử trước đây của bản thân và mặt khác, như là sự khẳng định bản thân mình bằng cách ứng xử mới. Thí nghiệm điển hình về tính khuôn phép là thí nghiệm về thị giác của Asch (1951).

Theo quan điểm nhóm, các cá nhân theo tính khuôn phép đã sử dụng cách ứng xử và niềm tin của nhóm để quyết định thái độ của riêng mình. Ngoài ra, nhóm hình thành nên những quyền lực buộc cá nhân phải tuân theo những chuẩn mực của nó. Quyền lực đó chính là sức ép xã hội. Cá nhân phải tuân theo vì sợ nhóm từ bỏ do cách ứng xử hay tư tưởng khác biệt của riêng mình.

Cùng với tính khuôn phép, vâng theo là một hình thức cơ bản của ảnh hưởng xã hội. Vâng theo là sự thay đổi ứng xử mà qua đó cá nhân đáp lại một mệnh lệnh đến từ một quyền uy hợp pháp bằng sự phục tùng. Vâng theo có thể được giải thích bằng các yếu tố: những điều kiện của xã hội hóa và chỗ yếu trong sự kháng cự của con người.

Về những điều kiện của xã hội hóa, Milgram cho rằng mỗi người bước vào đời sống xã hội với việc học, sự vâng theo trong gia đình, ở nhà trường và ở nơi làm việc. Ông đã đưa ra khái niệm “nhập tâm sự phục tùng” và theo ông hai mươi năm đầu của cuộc đời đi qua trong trạng thái của sự phụ thuộc. Trạng thái đó được đánh giá là có đạo đức và tốt. Vì sự vâng theo được coi là đức hạnh. Sự nhập tâm trật tự xã hội là cá nhân tuân theo chuẩn mực, tuân theo những người bề trên. Để cơ chế phục tùng được thực hiện, cá nhân phải nhận thức được rõ ràng vấn đề quyền uy.

Sự hòa nhập vào một hệ thống thứ bậc dẫn tới cá nhân mất đi trạng thái độc lập được Milgram gọi là “trạng thái tay sai”. Điều này có nghĩa là, cá nhân không còn cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm về những hành vi của mình, mà chỉ còn tự coi mình là công cụ của ý chí người khác và vâng theo mệnh lệnh. Như vậy, khi vâng theo, chúng ta tự bỏ mất năng lực đánh giá của cá nhân, chúng ta không cần phán xét hành vi của mình là tốt hay xấu. Khi một mệnh lệnh được đưa ra, chúng ta nghĩ rằng đã có một uy quyền cấp cao phán xét nó, chúng ta chỉ cần làm theo yêu cầu của người khác. Cơ chế “trạng thái tay sai” đã làm thay đổi suy nghĩ về trách nhiệm của cá nhân. Cá nhân tự coi mình thuộc về một quyền uy đã đưa ra mệnh lệnh cho mình và không cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình do uy quyền đòi hỏi.

Về chỗ yếu trong sự chống cự của con người, Milgram cho rằng, đa số người ta tuân theo mệnh lệnh một cách mù quáng. Điều này thể hiện chỗ yếu trong sự chống cự của các cá nhân khi đứng trước một uy quyền, tầm quan trọng của việc từ bỏ trách nhiệm. Cần phải nói rằng, sự vâng theo một cách mù quáng ấy không phải không có vấn đề. Đó là, khi con người trải qua hoàn cảnh vâng lời như vậy thường xuất hiện một bi kịch do sự xung đột nội tâm dữ dội. Hầu như cá nhân đó không bao giờ làm một việc một cách mù quáng. Ngay cả khi có đa số vâng theo thì người ta cũng thấy có một thiểu số không hoàn toàn phục tùng, thậm chí còn có cá nhân chống lại uy quyền của nhóm. Khi vâng theo, người ta cố đem lại cho mình một hình ảnh tốt. Như vậy, đã xảy ra một sự thứ bậc hóa. Đó là sự định lại các giá trị theo sự mong đợi của uy quyền.

Khi nghiên cứu về ảnh hưởng xã hội, các nhà tâm lý học đã phân tích về hiện tượng cá nhân không tuân theo khuôn phép. Tức là họ chống lại sự ảnh hưởng xã hội. Đó là hiện tượng chống cự, dị thường và sai lệch xã hội.

Về sự chống cự của cá nhân đối với ảnh hưởng xã hội, các nhà tâm lý học cho rằng cá nhân chống cự lại khi anh ta cảm thấy tính độc lập của mình bị đe dọa và đi tìm lại sự tự do đã mất. Sự dị thường xã hội là hiện tượng hỗn loạn xã hội xảy ra khi hành vi của các cá nhân không còn được điều tiết bởi các chuẩn mực xã hội. Dị thường xã hội đẻ ra một tình trạng mà sự vi phạm luật lệ trở thành vấn đề bình thường.

Sự sai lệch xã hội là một loại hành vi do xung đột giữa các giá trị và các chuẩn mực gây ra, đặt cá nhân ra ngoài hệ thống chuẩn mực xã hội đã được thiết lập và hành vi của con người dường như không bị tác động của các chuẩn mực đó.

Khi tìm hiểu về ảnh hưởng xã hội người ta thường nói đến ảnh hưởng của đa số đối với thiểu số, mà dường như người ta ít quan tâm đến ảnh hưởng của thiểu số đến đa số. Sự ảnh hưởng của thiểu số đến đa số trong xã hội được thể hiện rõ nhất là các thủ lĩnh, các nhà lãnh đạo chính trị, ngoài ra còn có các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao thể thao, âm nhạc…

Ảnh hưởng xã hội đối với con người là rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Đối với các giai đoạn và lứa tuổi khác nhau, con người chịu sự ảnh hưởng xã hội khác nhau. Con người ở trong các nhóm xã hội khác nhau cũng chịu sự ảnh hưởng xã hội khác nhau. Ảnh hưởng xã hội đối với con người chủ yếu thông qua các chuẩn mực. Hai dạng chuẩn mực tác động rõ nhất đến con người là hệ thống luật pháp của Nhà nước và các chuẩn mực tôn giáo. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ảnh hưởng đến tất cả các thành viên của xã hội. Bên cạnh đó, mỗi tôn giáo khác nhau với những chuẩn mực khác nhau sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc và hành vi con người theo những cách thức khác nhau. Những nền văn hóa khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến con người.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng, Tâm lý học dân tộc, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009.
  2. G.N. Fischer, Les concepts fondamentaux de la psychologie sociale, Bondas Paris, 1987.
  3. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  4. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  5. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  6. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.