Ảnh hưởng từ bạn là sự tác động trực tiếp của những người cùng tuổi/đồng nghiệp đến mọi người nhằm khuyến khích họ thay đổi nhận thức, giá trị, thái độ hoặc hành vi để phù hợp với nhóm hay cá nhân có ảnh hưởng.
Ảnh hưởng từ bạn là sự tác động quan trọng, có ý nghĩa lớn đến sự phát triển nhân cách và hạnh phúc của thanh thiếu niên. Ảnh hưởng của bạn bè là khi cá nhân định làm điều gì đó nhưng cá nhân lại không muốn làm, bởi vì anh ta muốn được bạn bè chấp nhận và đánh giá cao. Sự ảnh hưởng này có thể làm giảm sự tự tin của một người. Ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa là cách tốt hơn để mô tả hành vi của thanh thiếu niên được hình thành như thế nào, khi họ muốn mình thuộc về một nhóm bạn bè hoặc đồng nghiệp như thế nào. Ảnh hưởng của bạn bè có tác động tích cực hoặc tiêu cực hoặc cả hai.
Đối với thanh thiếu niên, quan hệ với bạn cùng lứa tuổi mang tính chất thường xuyên hơn, đa dạng hơn, nhưng cũng dễ xung đột hơn so với các mối quan hệ với người lớn. Ảnh hưởng của bạn bè không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi các bạn cùng lứa tuổi, cả tiêu cực lẫn tích cực, ở mọi lứa tuổi. Đối với thanh thiếu niên, vì trường học và các hoạt động khác đưa họ ra khỏi nhà. Thanh thiếu niên có thể dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn là so với cha mẹ và anh chị em của mình. Khi con người trở nên độc lập hơn, bạn bè/đồng nghiệp đương nhiên đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc sống của chúng ta. Trong tương tác với bạn bè, đứa trẻ học được từ bạn các giá trị, kỹ năng, thái độ và thông tin mà nhiều khi chúng không thể học được từ các quan hệ với người lớn. Với thanh thiếu niên, bạn bè thường khuyến khích nhau học tập, thử sức với các môn thể thao hoặc theo sở thích nghệ thuật mới. Những nỗ lực về thể chất, học tập và sáng tạo của thanh thiếu niên thường được khuyến khích thông qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè. Mối quan hệ tích cực với những người cùng lứa tuổi nhiều khi có tác động trong suốt cuộc đời của một con người. Sở dĩ mối quan hệ cùng trang lứa này có sự ảnh hưởng mạnh mẽ, vì nó được thực hiện trên cơ sở của những người cùng nhóm lứa tuổi có những đặc điểm tâm lý chung, có sự đồng cảm cao với nhau. Nhiều thanh thiếu niên cho rằng bạn thân là những cá nhân có tính tương đồng tâm lý, yêu mến, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là những người mà các em có thể trao đổi những suy nghĩ và tình cảm thân mật. Các em tuổi thiếu niên mong những người bạn bảo vệ mình, trung thành và ủng hộ mình khi cần thiết.
Quan hệ bạn bè và hành vi ủng hộ xã hội, hành vi chống đối xã hội[sửa]
Mọi người thường thay đổi nhận thức, quan điểm và hành vi của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng (chuẩn mực) của nhóm. Liên kết của nhóm bạn (nhóm đồng đẳng) trở nên đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng trong thời kỳ thanh thiếu niên. Mối quan hệ thân thiết là quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên nói riêng và đối với con người nói chung. Vì chúng bền bỉ, có giá trị và giàu cảm xúc. Các cá nhân tương tác thường xuyên hơn và dành nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ thân thiết và thời gian ở bên nhau tạo ra cơ hội cho sự ảnh hưởng.
Các thành viên trong nhóm có xu hướng chia sẻ thái độ và hành vi chung và điều này đặc biệt đúng đối với các nhóm đồng lứa tuổi vị thành niên. Sử dụng chất kích thích là một yếu tố khiến bạn bè và các nhóm thanh thiếu niên có xu hướng đi đến thống nhất, dẫn đến sự đồng nhất trong nhóm (Kandel, 1978), mặc dù có thể có những giai đoạn thanh thiếu niên bị ảnh hưởng của bạn bè đồng lứa là lớn nhất.
Tương tác với những người cùng lứa tuổi tạo ra sự hỗ trợ, cơ hội và mô hình cho hành vi ủng hộ xã hội hoặc chống đối xã hội. Sự tương tác này cung cấp cho con người các chuẩn mực, mô hình, động lực và cả cơ hội để tham gia vào các hoạt động xã hội. Bởi lẽ, khi tương tác với những người cùng lứa tuổi thì một cá nhân có cơ hội để giúp đỡ, an ủi, đồng cảm và tạo điều kiện cho người khác. Không có tương tác ngang hàng này thì nhiều giá trị và sự hợp tác xã hội không thể phát triển. Mặt khác, sự tương tác của những người cùng nhóm tuổi này còn tạo ra sự liên kết về hành vi xã hội. Các nghiên cứu cho thấy, sự từ chối của những người cùng lứa tuổi hay đồng nghiệp có thể thúc đẩy các hành động chống đối xã hội. Chẳng hạn như sự bốc đồng, gây rối và các hành vi tiêu cực khác.
Quan hệ bạn bè và xác định cái tôi[sửa]
Trong suốt thời thơ ấu và thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành, một người trải qua liên tiếp các giai đoạn mà cái tôi không được xác định rõ ràng (danh tính bị trùng lặp). Sự phát triển thể chất, nhận thức, kinh nghiệm và trách nhiệm xã hội đã gây ra những thay đổi trong định nghĩa bản thân của cá nhân. Kết quả cuối cùng là tạo ra một cái tôi tích hợp (danh tính tích hợp). Trong các mối quan hệ với những người cùng lứa tuổi, đứa trẻ cố gắng làm rõ những điểm giống và khác nhau giữa nó với những người khác. Nó thử nghiệm với các vai xã hội khác nhau, tích hợp ý thức về bản thân, thái độ và giá trị vào định nghĩa cái tôi của mình và phát triển một hệ quy chiếu để nhận thức về người bạn cùng nhóm. Một số học sinh tuổi thiếu niên luôn cố gắng để được các bạn yêu mến, muốn mình là trung tâm chú ý của các bạn và coi vị trí đứng đầu nhóm là giá trị cao nhất của mình.
Sự ảnh hưởng của bạn bè được thực hiện qua cơ chế bắt chước. Bắt chước đóng một vai trò lớn trong cuộc sống của trẻ em. Để có được những kỹ năng mà trẻ sử dụng trong cuộc sống của chính mình, trẻ em luôn tìm kiếm những hành vi và thái độ xung quanh mà chúng có thể đồng nhất. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi những người quan trọng trong cuộc sống của chúng như bạn bè, cha mẹ và thậm chí là người dùng YouTube, người nổi tiếng, ca sĩ, vũ công, v.v.
Quan hệ bạn bè và học tập[sửa]
Quan hệ của những người bạn cùng lứa tuổi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng suất làm việc và khát vọng của thanh thiếu niên. Các mối quan hệ này ảnh hưởng đến năng lực và thành tích học tập. Sự từ chối và đánh giá thấp của bạn bè có thể là giảm hứng thú và quyết tâm học tập của thanh thiếu niên. Trái lại, sự cổ vũ và đánh giá càng cao của bạn bè có thể giúp đứa trẻ có khát vọng phấn đấu và đạt được thành tích cao hơn trong học tập và có khả năng tìm kiếm các cơ hội để học lên cao hơn.
Quan hệ bạn bè và sức khỏe tâm lý[sửa]
Khả năng duy trì các mối quan hệ hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau là một biểu hiện chính của sức khỏe tâm lý. Mối quan hệ bạn bè kém ở trường tiểu học dự đoán tâm lý rối loạn và hành vi lệch chuẩn ở trường trung học và các mối quan hệ bạn bè kém ở trường trung học dự đoán bệnh lý xuất hiện ở giai đoạn người lớn. Khi con người thiếu vắng tình bạn trong thời thơ ấu và thiếu niên có xu hướng tăng nguy cơ rối loạn tâm lý. Sự từ chối của bạn bè dự báo cho sự cô đơn và đau khổ về cảm xúc, sự hạn chế trong điều chỉnh tình cảm xã hội của cá nhân. Các mối quan hệ bạn bè tốt sẽ giúp cho trẻ thích ứng tốt hơn với các tình huống của cuộc sống. Đứa trẻ cũng thích ứng xã hội tốt hơn khi có mặt của bạn bè. Quan hệ bạn bè cũng có thể trở thành sự tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ như bất an, ngờ vực, sợ hãi… Chẳng hạn như bạo lực học đường.
Ảnh hưởng của bạn bè có thể tạo ra một loạt các kết quả tiêu cực. Allen và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng tính nhạy cảm với áp lực của bạn bè ở trẻ 13 và 14 tuổi là yếu tố dự báo không chỉ phản ứng trong tương lai đối với áp lực của bạn bè mà còn là một loạt các hoạt động khác. Ví dụ, các triệu chứng trầm cảm, hành vi tình dục và hành vi hướng ngoại. Việc sử dụng chất gây nghiện cũng được dự đoán bằng tính nhạy cảm với áp lực của bạn bè. Do đó, trẻ có khả năng sử dụng rượu và ma túy nhiều hơn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Văn Đồng, Tâm lý học phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Vũ Thị Nho, Tâm lý học phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2008.
- Bandura A., Social foundations of thought and action, Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1996.
- Bauman K.E., Ennett S.E., On the importance of peer influence for adolescent drug use: Commonly neglected considerations, Addiction, 91, 1996.
- Bukowski W., Newcomb A. & Hartup W. (Eds.), The company they keep: Friendship in childhood and adolescence, New York: Cambridge University Press, 1996.
- Andrews J.A., Tildesley E., Hops H., Li F., The influence of peers on young adult substance use, Health Psychology, 21, 2002.
- Arnett J.J., The myth of peer influence in adolescent smoking initiation, Health Education and Behavior, 34, 2007.
- Albert D., O'Brien L., DiSorbo A., Uckert K., Egan D.E., Chein J., Steinberg L., Peer influences on risk taking in young adulthood; Poster session presented at the biennial meeting of the Society for Research in Child Development, Denver, CO, 2009.