Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến Đông Nam Á

Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến Đông Nam Á quá trình tương tác và chuyển giao văn hóa giữa Ấn Độ và các xã hội Đông Nam Á trong thời kỳ cổ trung đại.

Bối cảnh[sửa]

Bối cảnh của quá trình này là sự phát triển của nền văn minh Ấn Độ, đặc biệt là từ vương triều Maurya (322 TCN – 185 TCN). Trên cơ sở đó, hình thành mạng lưới trao đổi kết nối Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trên một hành lang hàng hải được gọi là Con đường Tơ lụa trên biển (hay Con đường Tơ lụa phương Nam).

Ấn Độ và Đông Nam Á nằm trong khu vực địa lý gọi là châu Á gió mùa, trải dài từ nam Nhật Bản, nam Trung Quốc tới Ấn Độ. Gió mùa làm cho các cuộc hành trình giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trở nên dễ dàng, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Đông Nam Á biến vùng đất này trở thành điểm đến hấp dẫn. Nguồn gia vị, hương liệu như trầm hương, hồ tiêu, đậu khấu… là những thương phẩm quan trọng cho giới quý tộc và nghi lễ tôn giáo. Các văn bản cổ Ấn Độ gọi Đông Nam Á là Đất vàng (Suvarnabhumi), Đảo Vàng (Suvarnadvipa).

Vì thế, dù điều kiện hàng hải buổi đầu nhiều khó khăn: đắm tàu, khí hậu khắc nghiệt, bão tố, đói khát, dịch bệnh... thương nhân Ấn Độ vẫn tổ chức các cuộc hành trình tới Đông Nam Á. Cuốn sách Arthaśāstra (Bàn về Trị quốc, thế kỷ IV TCN) coi việc theo đuổi lợi nhuận đứng đầu trong tất cả các mục tiêu sống của con người. Một tài liệu khác thì mô tả: người đi tới Java không bao giờ trở về. Nhưng nếu may mắn quay trở lại, anh ta sẽ mang theo đủ tiền cho gia đình sống trong 7 đời.

Bằng chứng[sửa]

Bằng chứng khảo cổ học đến từ vật phẩm thương mại cho tới công trình kiến trúc tôn giáo cho thấy sự hiện diện của văn hóa Ấn Độ từ thế kỷ III TCN. Ít nhất có ba sứ đoàn Phật giáo được cử tới Suvarnabhumi, trong đó có 2 phái đoàn của hoàng đế Asoka (thế kỷ III TCN). Ban đầu, các tuyến hành trình đi qua bán đảo Malay (dải đất Kra) để sang Thái Bình Dương. Họ qua vịnh Thái Lan vào biển Đông và tới trung Quốc. Các trung tâm ven bờ ở Đông Nam Á không chỉ là điểm dừng chân, cung cấp nước ngọt, lương thực mà còn là thị trường hàng hóa trao đổi sản phẩm địa phương. Từ thế kỷ VI-VII, với kỹ thuật hàng hải và tri thức mới, các con tàu lớn bắt đầu đi qua eo Malacca. Gió mùa cùng môi trường biển là điều kiện thuận lợi giúp thương nhân và tăng lữ Ấn Độ có thể tiếp cận với các nhóm cư dân khu vực cả hải đảo và lục địa, từ các vùng duyên hải, cửa sông miền Trung Việt Nam tới đồng bằng đảo Java, từ cảng Óc Eo tới vùng nội địa như Wat Phou-nơi ra đời vương quốc Chân Lạp. Với tính chất thúc đẩy giao lưu đó, Biển Đông được ví như một Địa Trung Hải thu nhỏ.

Cơ sở tiếp nhận[sửa]

Cơ sở tiếp nhận nền văn hóa Ấn Độ của cư dân Đông Nam Á là sự phát triển kinh tế, xã hội của các nhóm cư dân bản địa. Từ khoảng năm 2500 TCN, nhiều cộng đồng trong khu vực bắt đầu bước vào thời kỳ kim khí và tới nửa sau thiên niên kỷ I TCN là giai đoạn ngưỡng cửa của quá trình hình thành nhà nước. Đó là cơ sở để tư tưởng vương quyền, thiết chế chính trị, hành chính, tôn giáo Ấn Độ tham gia định hình các cấu trúc nhà nước sơ kỳ. Những nhà nước đầu tiên ra đời Phù Nam (thế kỷ I), Lâm Ấp (năm 192), Chân Lạp, Dvaravati... Tấm bia Sanskrit đầu tiên được phát hiện là của Champa (Bia Võ Cạnh) có niên đại khoảng thế kỷ II-IV.

Tầm ảnh hưởng[sửa]

Dựa trên các biên niên sử, bia ký, công trình kiến trúc, điêu khắc, văn học, nghệ thuật và dấu tích khảo cổ, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ được phản ánh đa dạng trên nhiều khía cạnh như tư tưởng tôn giáo: vai trò thống trị của Hindu giáo và Phật giáo, quan niệm về vương quyền, việc dùng tiếng Sanskrit như ngôn ngữ chính thức trong thực hành chính trị và nghi lễ tôn giáo, ảnh hưởng của các truyền thống nghệ thuật, văn chương, triết học, kiến trúc, điêu khắc, sử thi Ấn Độ tới Đông Nam Á…

Nhân tố Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong truyền thuyết lập quốc của nhiều quốc gia như Phù Nam, Chân Lạp nơi mà ‘đạo sĩ’, nhà du hành’ Ấn Độ được mô tả kết duyên cùng với ‘nữ vương’, ‘nàng tiên’ bản địa để lập ra một dòng dõi đế vương mới, và tổ chức nhà nước, cai trị theo mô hình Ấn Độ. Tên hiệu, tên kinh đô, vương quốc hay xác lập dòng dõi, thế thứ của họ cho thấy sự tuân thủ các chuẩn mực và tập quán chính trị được xác lập bởi các triều đại Ấn Độ.

Vai trò thống trị của Hindu giáo và Phật giáo được phản ánh qua nền văn hóa thành văn (written culture), tổ chức nhà nước tập quyền, và việc sử dụng tiếng Sanskrit trong đời sống chính trị và nghi lễ. Các ông vua Hindu giáo được gọi là Raja (vương), Maharaja (đại vương), các vua Phật giáo coi mình là Chakravarti (người cai trị vũ trụ). Tầng lớp tăng lữ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự thống nhất giữa vương quyền và thần quyền. Tại Angkor, họ giúp các vua Khmer xác lập tín ngưỡng: Devaraja (Thần Vua), đồng nhất nhà vua với các vị thần Hindu giáo thông qua biểu tượng linga. Trung tâm của sự tực hành thôn giáo này là các ngôi đền núi, tượng trưng đỉnh núi thiêng Meru, nơi ngự trị của các thần Ấn giáo. Người Chăm đã xây dựng các thánh địa để thờ cúng các vị thần Hindu giáo còn tại Miến Điện, một thánh địa khác với quy mô hành nghìn ngọn tháp Phật giáo cũng được xây dựng ở Bagan trong các thế kỷ X-XIII.

Bên cạnh hệ thống đền miếu và vai trò của tăng lữ trung ương, các xã hội chịu ảnh hưởng của Ấn Độ còn phát triển mạng lưới tôn giáo ở địa phương, tham gia vào quản trị nhà nước và thực hành kinh tế, xã hội, tiêu biểu như ở Java, Angkor, Bagan… Nhiều học giả gọi đó là “nền kinh tế đền miếu”.

Ảnh hưởng luật pháp, tổ chức hành chính, và các truyền thống Hindu giáo sẽ tồn tại rất lâu dài ở Đông Nam Á, kể cả khi cư dân sau đó cải đạo sang Hồi giáo hay Phật giáo Theravada từ Sri Lanka. Cho tới nay, nhà vua Thái Lan vẫn lấy tên hiệu là Rama và các công trình kiến trúc và điêu khắc cổ gắn với các loại hình nghệ thuật Ấn Độ, mang theo những bia ký bằng Sanskrit vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia khu vực.

Về mặt văn tự, chữ Sanskrit đóng vai trò quan trọng trong hệ thống từ vựng, ngôn ngữ và thực hành văn bản của các xã hội Đông Nam Á. Phần lớn các văn bia ở buổi đầu được ghi chép bằng chữ viết Ấn Độ. Trên cơ sở đó, cư dân khu vực đã sáng tạo các hệ thống chữ viết mới như Chăm, Khmer, Thái, Lào… cùng với đó là các truyền thống văn chương, nghệ thuật. Thần thoại trong Puranas, các bộ sử thi Mahabharata và Ramayana, các câu chuyện Jataka… trở thành đề tài quan trọng của văn học và nghệ thuật bản địa. Phần lớn các xã hội chịu ảnh hưởng của Ấn Độ đều có các phiên bản ‘địa phương’ của các tác phẩm đồ sộ từ Ấn Độ. Theo sau đó là nghi lễ, nghệ thuật, lễ hội, các chủ đề và phong cách kiến trúc, điêu khắc…

Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ tới Đông Nam Á để lại nhiều hệ quả rộng lớn, lâu dài về văn hóa, chính trị, tôn giáo và nghệ thuật. Trước hết, nó tạo ra một làn sóng các nhà nước sơ kỳ, phát triển mô hình chính trị, thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, thúc đẩy kinh tế… ở cả vùng hải đảo và lục địa trong vòng hơn một thiên niên kỷ. Trong lịch sử, không có làn sóng văn hóa, văn minh nào có ảnh hưởng lớn và đồng bộ đến thế đối với vùng Đông Nam Á. Thứ hai là trên cơ sở các nhà nước sơ kỳ, từ thế kỷ IX, khu vực bước vào giai đoạn phát triển liên tục hơn năm thế kỷ. Thành tựu đó không chỉ gắn với các đế chế lớn như Srivijaya, Java, Champa, Bagan, Angkor…, thúc đẩy bộ máy chính trị, mà còn mở rộng nền nông nghiệp, thủ công nghiệp, tạo ra một ‘kỷ nguyên thương mại’ và các ‘đế chế thương mại’. Đó cũng là giai đoạn ‘thăng hoa’ sáng tạo nghệ thuật của Đông Nam Á với nhiều di sản không thua kém bất cứ nền văn minh nào đương thời như quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, Bagan, Mỹ Sơn, Borobudur, Prambanan…

Từ cuối thế kỷ XIV, các xã hội chịu ảnh hưởng của Ấn Độ bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này. Các cuộc tấn công của quân Mông Cổ ở thế kỷ XIII được cho là gây xáo trộn cư dân và trật tự địa chính trị khu vực. Sự du nhập của người Thái với phương thức kinh tế, tổ chức chính trị và tôn giáo mới là Phật giáo Theravada (từ Sri Lanka) đã cạnh tranh với các đế chế cũ. Trên vùng hải đảo là sự xâm nhập của Hồi giáo và sau đó là quá trình thực dân hóa của phương Tây.

Có nhiều cách đánh giá khác nhau về ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ tới Đông Nam Á. Các học giả Ấn Độ đầu thế kỷ XX cho rằng đây là hệ quả của quá trình ‘thực dân hóa’ của người Ấn và rằng các xã hội này là ‘thuộc địa của Ấn Độ ở Viễn Đông’. Học giả người Pháp George Coedes (1944) gọi đây là các nhà nước ‘Hindu hóa’. Tuy nhiên điều đó làm mờ đi tinh thần sáng tạo độc đáo của cư dân khu vực. Sự sáng tạo này phản ánh kết hợp tinh thần bản địa với các thiết chế bên ngoài, như tín ngưỡng Thần Vua, chữ viết bản địa, cải biến các kinh điển văn chương Ấn Độ, các sáng tạo về kiến trúc, điêu khắc. Cư dân Đông Nam Á cho thấy sự linh hoạt trong tổ chức cấu trúc chính trị, xã hội. Tại Ấn Độ, Hindu giáo gắn liền với hệ thống đẳng cấp xã hội hà khắc. Điều này là khá mờ nhạt ở Đông Nam Á. Vì thế, trường phái lịch sử tự trị từ những năm 1980 đã nhấn mạnh yếu tố bản địa và bản địa hóa như một đặc trưng của lịch sử vùng Đông Nam Á. Sử gia Oliver W. Wolters cho rằng vùng Đông nam Á có lịch sử, văn hóa riêng với tính chất lỏng lẻo, đa dạng, linh hoạt, ít thiết chế phức tạp.

Dù là ở góc nhìn nào thì Đông Nam Á cho thấy nơi đây không chỉ là ngã tư giao lưu của các thế giới mà bản thân khu vực là một thế giới văn hóa, văn minh. Ở đó, ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ tới Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử vùng: thúc đẩy việc tạo ra một thời đại văn minh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Heine-Geldern, Robert. “Conceptions of State and Kingship in Southeast Asia.” (Các khái niệm về nhà nước và vương quyền ở Đông Nam Á), The Far Eastern Quarterly 2, no. 1 (1942): 15–30.
  2. Coèdes, Georges. The Indianized States of Southeast Asia (Các nhà nước Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á), Trans. Susan Brown Cowing. Honolulu: East-West Center Press, 1968.
  3. Marr, David G, and Anthony Milner, eds. Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries (Đông Nam Á từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV). Singapore: ISEAS, 1986.
  4. Nicholas Tarling (ed.), The Cambridge History of Southeast Asia, Vol. 1., (Lịch sử Đông Nam Á của Cambridge) (Cambridge: Cambridge University Press, 1992):
  5. Wolters, Oliver W. History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives (Lịch sử, văn hóa, và vùng trong khung cảnh Đông Nam Á), Ithaca, NY: Southeast Asia Publications, Cornell University, 1999.
  6. Bellwood, Peter, and Ian Glover, eds. Southeast Asia: From Prehistory to History (Đông Nam Á từ tiền sử tới lịch sử). New York: Routledge Curzon, 2004.
  7. Kulke, Hermann., K. Kesavapany, and Vijay. Sakhuja, eds. Nagapattinam to Suvarnadwipa : Reflections on the Chola Naval Expeditions to Southeast Asia (Từ Nagapattinam đến Suvarnadwipa : Phản ánh về các cuộc viễn chinh hàng hải của Chola tới Đông Nam Á). Singapore: ISEAS, 2009.
  8. Mus, Paul. India Seen from the East (Ấn Độ nhìn từ phía Đông). Caulfield: Monash University Press, 2010.
  9. Hall, Kenneth R. A History of Early Southeast Asia : Maritime Trade and Societal Development, 100-1500 (Lịch sử Đông Nam Á sơ kỳ: thương mại hàng hải và phát triển xã hội, 100-1500). Lanham: Rowman & Littlefield, 2011.
  10. Manguin, Pierre-Yves, ‎A. Mani, and ‎Geoff Wade, eds. Early Interactions Between South and Southeast Asia: Reflections on Cross-Cultural Exchange (Tương tác buổi đầu giữa Nam và Đông Nam Á: phản ánh từ chuyển giao liên văn hóa). Singapore: ISEAS Press, 2011.