Say rượu là một trạng thái sinh lý khi tâm lý và cơ thể con người trở lên suy yếu, do ảnh hưởng của việc dư thừa nồng độ cồn khi uống rượu bia so với nồng độ cồn cho phép trong máu.
Tùy theo lượng sử dụng, Alcohol có thể làm giảm khả năng phán đoán, sự phối hợp và khả năng chú ý. Theo lý thuyết alcohol myopia (AMT) (Steele và Josephs, 1990), cá nhân khi say rượu chỉ có khả năng tập trung vào các sự kiện nổi bật tại một thời điểm nhất định, đồng thời giảm nhận thức đối với các sự kiện ngoại vi. Đây được cho là kết quả từ những tác động sinh lý của trạng thái say rượu. Lý thuyết này còn gây nhiều tranh cãi bởi không xác định được sự kiện hay chi tiết nào là nổi bật hay ngoại vi trong một thời điểm. Do đó, Altman và cộng sự (2019) đã đề xuất bản chỉnh sửa của AMT (Adapted AMT). Theo đó, những người trong trạng thái say rượu có xu hướng tập trung vào các chi tiết nổi bật và phớt lờ các chi tiết ngoại vi, cho nên có rất ít chi tiết sẽ được gợi nhớ lại. Người say rượu có thể ít sử dụng các câu trả lời “không biết” và mắc nhiều lỗi trong các câu hỏi không thể trả lời hoặc mạo hiểm hơn để trả lời dù không biết đáp án, dè dặt trong việc tường thuật các sự kiện (Flowe và cộng sự, 2019).
Nhiều nghiên cứu báo cáo về chứng quên (amnesia) có liên quan đến trạng thái say rượu, tuy nhiên, ít nghiên cứu về tác động của rượu đến trí nhớ của nhân chứng. Sử dụng rượu có ảnh hưởng đáng kể đến việc khả năng nhận dạng của nhân chứng, bao gồm cả độ chính xác khi mô tả thủ phạm và độ chính xác của nhận dạng. Nghiên cứu cho thấy nhân chứng say rượu vừa phải ít có khả năng mô tả chính xác sự kiện và con người hơn so với nhân chứng tỉnh táo. Ngoài ra, các nhân chứng say rượu có thể dễ bị đồng ý với các thủ tục gợi ý hơn là những nhân chứng tỉnh táo. Các nghiên cứu về alcohol và trí nhớ cũng cho rằng những nhân chứng chịu ảnh hưởng của lượng alcohol nhất định sẽ bị suy giảm các quá trình ghi nhớ chi tiết, do đó, ít thông tin về sự kiện hơn. Alcohol được xem như một tác nhân gây gián đoạn trí nhớ. Nó có thể gây trở ngại cho việc lưu trữ những trải nghiệm ban đầu hoặc gây khó khăn quá trình nhớ lại (Yuille và Tollestrup, 1990).
Người say rượu không nhớ chính xác những đặc trưng cụ thể của một người và các sự kiện diễn ra trong thời gian đó, tuy nhiên, họ có thể nhận dạng chính xác khuôn mặt của một người cụ thể. Say rượu không chỉ ảnh hưởng đến độ chính xác của trí nhớ và sự giải thích tình huống mà còn tác động đến cách nhân chứng tích cực suy nghĩ về tội ác mà họ nhớ như thế nào. Trạng thái say rượu được tìm thấy có ảnh hưởng đến độ tin cậy trong các quyết định nhận dạng của khách thể. Trạng thái say rượu tác động đến quá trình mã hóa và gợi nhớ sự liên kết giữa các nội dung hơn là đến từng nội dung.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hagsand, A., Roos-af-Hjelmsäter, E., Anders Granhag, P., Fahlke, C., & Söderpalm-Gordh, A., Do sober eyewitnesses outperform alcohol intoxicated eyewitnesses in a lineup?, The European Journal of Psychology Applied to Legal Context, 5 (1), 2013.
- Harvey, A.J., Kneller, W., & Campbell, A.C., The elusive effects of alcohol intoxication on visual attention and eyewitness memory, Applied Cognitive Psychology, 27 (5), 2013.
- Hildebrand Karlén, M., Roos af Hjelmsäter, E., & Gudjonsson, G. H., The devil is not only in the details: gist and detail elaboration in intoxicated witnesses’ reports of interpersonal violence, Psychology, Crime & Law, 25 (4), 2019.
- Maylor, E.A., Long, H.R., & Newstead, R.A., Differential effects of alcohol on associative versus item memory, Applied Cognitive Psychology, https://doi.org/10.1002/acp.3476, 2019.
- Altman, C.M., McQuiston, D.E., & Schreiber Compo, N., How elevated BAC levels and identification format affect eyewitness memory: A field study, Applied Cognitive Psychology, https://doi.org/10.1002/acp.3535, 2019.
- Dysart, J.E., Lindsay, R.C.L., MacDonald, T.K., & Wicke, C., The intoxicated witness: Effects of alcohol on identification accuracy from showups, Journal of Applied Psychology, 87 (1), 2002.
- Flowe, H.D., Colloff, M.F., Kloft, L., Jores, T., & Stevens, L.M., Impact of alcohol and other drugs on eyewitness memory, Routledge, London, UK, 2020, pp. 149 - 162.