Đua ghe ngo một nghi lễ quan trọng của người Khmer Nam Bộ diễn ra vào dịp Lễ cúng trăng. Lễ cúng trăng (Ok Om Bok) tổ chức vào đêm rằm ngày 15 tháng 10 (âm lịch) hàng năm nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng. Lễ xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng. Vật phẩm dâng cúng quan trọng không thể thiếu vào dịp lễ này là cốm dẹp, nên người ta còn gọi là Lễ đút cốm dẹp. Đây là một dạng lễ hội nông nghiệp thể hiện quan niệm “dĩ nông vi bản”, và chuyển tải ước vọng của người Khmer cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.
Vào ngày thứ hai Lễ cúng trăng, người Khmer tổ chức hội đua ghe ngo (Um tuk). đua ghe ngo có hai loại: đua trên cạn và đua dưới nước. đua ghe ngo trên cạn chủ yếu là sự tái hiện, mô phỏng lại cuộc đua ghe dưới nước. Trong kho tàng truyện dân gian Khmer, có truyện Sự tích đua ghe ngo và Sự tích hội bơi đua nói về nguồn gốc đua ghe ngo. Lễ đua ghe còn gắn với những huyền sử mang màu sắc Phật giáo. Đây là sinh hoạt văn hóa, thể thao thu hút rất nhiều người tham gia, không chỉ có đồng bào Khmer mà còn có cả người Việt, Hoa cùng hưởng ứng.
Ghe dành cho cuộc đua là một loại ghe đặc biệt, tiếng Khmer gọi là Tuk ngo. Ghe có hình dáng dài như con thoi, đầu và đuôi cong vút lên, ghe không có mui, dài từ 25 - 30 mét, có khoảng 20 đến 24 khoang chứa từ 50 đến 60 quân chèo ngồi. Ghe thường được làm bằng thân cây sao nguyên vẹn khoét ruột do cư dân trong vùng và nhà chùa Khmer cùng làm. Sau khi đóng ghe xong, ghe được sơn phết trang trí có tính mỹ thuật. Mũi ghe thường chạm hình đầu xiết (một loại rắn nước), rồng, đầu chim phượng, sư tử, cọp, voi… vừa biểu hiện cho sức mạnh của chiếc ghe đua, vừa thể hiện vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Khmer. Từ be xuống đến mớn nước được trang trí bằng những đường hình học sơn trắng, xanh, đỏ, vàng. Phần lườn ghe thường sơn đen. Do chiều dài ghe rất dài nên để đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng vỡ, gãy ghe người ta đã cố định thêm một cây gỗ chắc chắn làm đà chịu lực dọc theo thân ghe chạy suốt từ mũi đến lái. Vì gần như mỗi chùa đều có một chiếc ghe ngo nên tên chùa cũng được khắc ghi trên ghe. Ghe ngo thường là ghe của nhà chùa, được xem như một vật thiêng và chỉ dùng trong cuộc đua ghe. Ghe được đặt trong một không gian cố định tại chùa, đó là ngôi nhà gọi là Rong tuk, được lợp bằng mái ngói cao ráo, thông thoáng không xây tường bao bọc. Người Khmer tin tưởng rằng ngôi nhà này có một vị thần linh canh giữ nên thường xuyên cúng bái.
Trong lịch sử, lễ đua ghe ngo thường được tổ chức trên sông Nhu Gia (huyện Mỹ Xuyên) tỉnh Hậu Giang, sau chuyển sang địa điểm Sông Trăng, thị xã Sóc Trăng. Vì ở đây, ghe ngo từ vùng Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tập hợp về khá thuận tiện. Trước ngày đua ghe ngo chính thức, lễ hội đua ghe ngo được xem như đã bắt đầu. Tại địa điểm cuộc đua ghe diễn ra, hai bên bờ sông, hàng quán, xe cộ nhộn nhịp. Nhiều gánh hát Dù Kê trình diễn phục vụ đồng bào tham dự lễ hội. Theo phong tục, hội đua ghe ngo diễn ra theo thời gian với ba bước chính:
Trước cuộc đua, người ta tổ chức tập luyện trước từ một tháng đến một hoặc hai tuần. Hằng ngày, các tay đua tập theo giờ rảnh rỗi và theo con nước. Để tham gia cuộc đua, sau khi ban tổ chức thông báo thể lệ, thời gian, địa điểm đến từng phum, sóc, đơn vị nào tham gia thì đăng ký và thành lập ban tổ chức điều hành, lựa chọn các tay đua và bắt đầu công việc tập đua tại địa bàn cư trú. Thường công việc này do những người lớn tuổi phối hợp với các sư trong chùa thực hiện.
Vào buổi sáng sớm trước ngày đua, các ghe đua bắt đầu làm lễ xuất quân. Trước ngày cuộc đua ghe ngo diễn ra, ghe ngo được làm lễ hạ thủy để các quân bơi chèo tập luyện. Thông thường, người ta để ở mũi ghe một bình bông gọi là slatho làm bằng trái dừa trên cắm nhang và nến. Đây được gọi là lễ mặc áo cho ghe ngo. Vị sư cả và làng xã chọn lựa những thanh niên khỏa mạnh, lực lưỡng, có kinh nghiệm làm quân chèo, cử một người đàn ông ngồi ở đầu ghe là người có uy tín, thông thạo đường nước làm chỉ huy. Sau đó, họ dọn cơm cúng, nổi nhạc và định giờ hạ thủy. Khi đến giờ, họ đánh chiêng trống, cùng nhau xúm lại đẩy ghe xuống nước để đưa đến nơi tập dượt.
Đến ngày giờ đua, các đội tập trung tại khán đài để bốc thăm và nhận lịch đua. Việc bốc thăm thường diễn ra trước ngày đua vừa để tiện cho việc sắp xếp, vừa để các đội đua biết thêm thông tin về đội đua.
Khi cuộc đua ghe ngo bắt đầu, mỗi đợt đua là một cặp ghe theo bảng đã được bốc thăm từ trước và cuộc đua diễn ra liên tục từ vòng loại đến chung kết. Về thời gian, cuộc đua ghe chịu sự chi phối của thời gian con nước lên, từ 13 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút ngày 15 tháng 10 âm lịch; buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút.
Cuộc đua ghe ngo diễn ra nghiêm túc và hào hứng, có sức thu hút lớn đối với đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Khi pháo lệnh vang lên, những chiếc ghe dài như những con rắn khổng lồ nổi lên trên mặt nước lao vút đi như tên bắn theo hướng chỉ đường của những cọc tiêu cắm trên sông. Theo nhịp thúc quân bằng tiếng cồng của người đứng ở giữa ghe, cả mấy chục chiếc dầm giơ lên, bổ xuống nước nhịp nhàng như những chiếc tay máy. Tiếng hò reo cỗ vũ náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc vang động cả một vùng. Kết thúc cuộc đua, ghe chiến thắng được trao giải trong tiếng vỗ tay, reo hò của người tham dự.
Với quan niệm, trong nông nghiệp yếu tố tứ thần (Thần Đất, Thần Nước, Thần Gió, Thần Lửa) chi phối rõ nét đến mùa màng, người Khmer Nam Bộ tin rằng tứ thần chịu sự cai quản của Thần mặt trăng. Mặt trăng liên quan mật thiết đến chế độ triều cường, ảnh hưởng đến mùa vụ của người nông dân. Do đó từ xa xưa, trong tâm thức người Khmer, Thần mặt trăng có chức năng điều tiết thời gian, thủy văn, thời tiết và cai quản, bảo hộ mùa màng. Lễ cúng trăng gắn với đua ghe ngo truyền thống phản ánh văn hóa tín ngưỡng với Thần mặt trăng và nước của cư dân Khmer Nam Bộ. Trong một diễn giải khác, đua ghe ngo còn là nghi thức của người Khmer thực hiện để tiễn đưa mẹ nước về với biển cả sau mùa nước nổi giúp con người gieo trồng. Điều này lý giải vì sao trong chu kỳ một năm, người Khmer có nhiều lễ hội nhưng chỉ có Lễ cúng trăng (Ok Om Bok) mới diễn ra đua ghe ngo. Đồng thời, đua ghe ngo là sinh hoạt văn hóa dân gian thể hiện sự gắn kết cộng đồng, sức mạnh tập thể, tinh thần thượng võ của cộng đồng Khmer Nam Bộ. Hiện nay, Lễ hội cúng trăng (Ok Om Bok) của tỉnh Trà Vinh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hội đua ghe ngo của tỉnh Sóc Trăng trở thành lễ hội cấp quốc gia. Đây không chỉ là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng – thể thao truyền thống của người Khmer Nam Bộ, mà còn mang ý nghĩa thắt chặt tình cảm, giao lưu văn hóa của các cộng đồng cư dân vùng đất này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, Người Khơ-me tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa – Thông tin Cửu Long xuất bản, Cửu Long, 1987.
- Nhiều tác giả, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, Hậu Giang, 1988.
- Trường Lưu, Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
- Toan ánh, Hội hè đình đám (quyển thượng), Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2005.
- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp. HCM, 2015.