Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đo liên đội hình chiến đấu

Đo liên đội hình chiến đấu là đo đạc chuẩn bị phần tử bắn ở các đơn vị pháo binh, tên lửa để xác định tọa độ, độ cao trận địa bắn (phóng), đài quan sát bằng khí tài, các trạm trinh sát; góc phương vị hướng chuẩn, giao hội xác định tọa độ các mục tiêu, vật chuẩn.

Đo liên đội hình chiến đấu nhằm bảo đảm nhiệm vụ bắn cho các đơn vị pháo binh, tên lửa; hoạt động của các phương tiện trinh sát, dẫn đường, chỉ thị mục tiêu, tác chiến điện tử. Đo liên đội hình chiến đấu được đo đạc căn cứ vào các mốc khống chế, bản đồ hay ảnh hàng không. Khi Đo liên đội hình chiến đấu căn cứ mốc khống chế các điểm gốc đo đạc là các điểm mốc khống chế nhà nước, khống chế quân dụng, khống chế pháo binh...; độ cao được xác định bằng đo cao lượng giác hoặc định vị vệ tinh; định hướng chuẩn cho pháo, khí tài quan sát căn cứ đường hướng của mạng khống chế, đo thiên văn, bằng la bàn con quay, la bàn (địa bàn) từ có sửa lượng sửa góc phương vị từ (ΔAm). Khi Đo liên đội hình chiến đấu căn cứ bản đồ hoặc ảnh hàng không, điểm gốc đo đạc là các điểm địa hình, địa vật có trên bản đồ (ảnh hàng không) và có trên thực địa; độ cao được xác định dựa vào hệ thống ghi chú độ cao trên bản đồ; định hướng chuẩn cho pháo, khí tài quan sát căn cứ đường hướng trên bản đồ, la bàn từ.

Ở các đơn vị tên lửa, Đo liên đội hình chiến đấu còn gồm việc tính chuyển tọa độ múi chiếu bản đồ khi vị trí bệ phóng và mục tiêu ở hai múi chiếu khác nhau. Phương pháp để tiến hành Đo liên đội hình chiến đấu gồm: lập lưới tam giác, lưới đường chuyền tọa độ (đi dần), giao hội, đo thiên văn, định vị vệ tinh (đo GPS) để xác định tọa độ. Hiện nay các phân đội đo đạc pháo binh, tên lửa đã được trang bị máy toàn đạc điện tử và máy định vị vệ tinh, do vậy Đo liên đội hình chiến đấu thường được sử dụng phương pháp đường chuyền tọa độ (đường chuyền phù hợp, đường chuyền phù hợp quay về) hoặc định vị vệ tinh. Đo liên đội hình chiến đấu thường được tổ chức ở cấp tiểu đoàn pháo binh trở lên, biên chế tổ đo thường có từ 3-5 người (1 tổ trưởng), trang bị: máy đo (phương hướng bàn, kinh vĩ, máy toàn đạc điện tử, máy định vị vệ tinh), thước dây, cọc chuẩn (mia hoặc gương đồng bộ với máy đo), bản đồ khu đo, phương tiện tính toán... Khi tổ chức Đo liên đội hình chiến đấu, phải lập kế hoạch đo đạc cụ thể, tỉ mỉ. Nội dung của kế hoạch đo đạc bao gồm: nhiệm vụ đo, sơ đồ đo, phương pháp đo, sử dụng lực lượng phương tiện, quy định thời gian, tín hiệu, ám hiệu hiệp đồng. Có thể tổ chức đo lần lượt (trận địa bắn, đài quan sát, mục tiêu...) hoặc đo đồng thời các khu vực trên tùy theo điều kiện cụ thể. Trước khi tiến hành đo đạc, tổ trưởng tổ đo phải phổ biến kế hoạch đo đạc cho toàn tổ đo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người, đặc biệt công tác hiệp đồng. Quá trình đo đạc phải thực hiện đúng các yêu cầu: tích cực, chủ động, kịp thời, chính xác, tin cậy, bí mật. Đo đạc xong phải tổ chức tính toán, để tránh sai sót thường chia thành 2 bộ phận tính toán độc lập sau đó so sánh kết quả và đối chiếu ngay trên thực địa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  3. Binh chủng Pháo binh, Quy tắc bắn pháo và chỉ huy bắn Pháo binh mặt đất, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  4. Binh chủng Pháo binh, Từ điển Pháo binh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  5. Bách khoa toàn thư quân sự Nga - tập 8, Nxb Quân sự Maxcơva, Maxcơva, 2001.