Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đo khả năng nói và nghe

Đo khả năng nói và nghe là sự đo lường khả năng nói và nghe của một cá nhân nào đó bằng các công cụ và quy trình chuyên biệt, trong đó các đặc điểm thể hiện khả năng nói và nghe của cá nhân được quy gán bởi các con số và đơn vị đo theo những quy tắc nhất định.

Trong đo lường các đặc điểm tâm lý cá nhân nói chung, đặc điểm khả năng nói và nghe nói riêng đòi hỏi phải có 3 yếu tố: Các đặc điểm cần đo; Ý nghĩa của các con số được quy gán cho các đặc điểm đó và các quy tắc hay quy trình liên kết các ý nghĩa số được quy gán và các đặc điểm được đo. Đo khả năng nói và nghe có thể được thực hiện với mục đích trị liệu, pháp y, nghiên cứu hay các mục đích trong lĩnh vực công nghiệp. Các trắc nghiệm hay quy trình được sử dụng tùy thuộc vào mục đích đo lường. Đơn vị đo khả năng nói - khả năng ngôn ngữ gồm:

- Đo khả năng nói và nghe như một hệ thống giao tiếp bằng lời: Với mục đích sản xuất các thiết bị phục vụ giao tiếp giữa người với người hay giữa người với máy (như điện thoại chất lượng cao…), các kỹ sư và các nhà tâm lý học có thể đo các đặc điểm sóng âm như tần số, biên độ và dạng sóng âm thanh. Năng lượng phát ra từ người nói và sự phân phối năng lượng đó theo thời gian cũng được đo. Với mục đích này, phương pháp đồ họa đã được sử dụng, trong đó các nhà nghiên cứu đã dùng phép phân tích toán học fourier (phân nhỏ thành phần) để phân lời nói thành các tần số tạo nên lời nói. Họ cũng sử dụng các phương pháp họa đồ quang phổ âm thanh nhằm ghi lại những thay đổi mẫu hình cường độ - tần số như chỉ số phản ánh việc thực hiện chức năng thời gian của lời nói. Hiệu quả của giao tiếp bằng lời có thể được đo bằng cách sử dụng các phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm về mức độ đọc, khớp nối các âm, từ một cách rõ ràng. Các mẫu hình cường độ - tần số của lời nói là duy nhất ở mỗi người. Có thể so sánh các từ hay các cụm từ với nhau theo các mẫu họa đồ quang phổ đó. Vì vậy các điều tra viên pháp y, các nhà khoa học hay những người quan tâm có thể sử dụng các mẫu hình này cho những mục đích khác nhau của mình.

- Đánh giá chức năng sinh lý: Khía cạnh sinh lý của lời nói hay giọng nói có thể được nghiên cứu bằng các phương pháp điện sinh lý và đồ họa phim mầu (cinefluorographic). Ở khía cạnh này, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu các luồng khí thở của người nói được phát ra giữa các dải giọng. Với sự phát triển của công nghệ, với sự trợ giúp của các máy chụp cộng hưởng từ (MRI), cộng hưởng từ chức năng (FMRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (quét PET), chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (chụp SPECT), chụp cắt lớp trục (CAT hoặc căng thẳng, quét), các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất lời nói và nghe, quan sát được hoạt động của não trong các nhiệm vụ cụ thể, thay vì chỉ phỏng đoán và suy luận từ các biểu hiện có thể quan sát trực tiếp của hành vi giao tiếp, nhờ đó đánh giá được tình trạng bình thường hay rối loạn của hoạt động nói và nghe. Bằng sự trợ giúp của công nghệ, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu được các khía cạnh như sự liên tục của hoạt động nói, đọc, viết, nghe, hát, việc sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ…

- Đánh giá lâm sàng lời nói - ngôn ngữ: Đánh giá hoạt động nói - sử dụng ngôn ngữ với mục đích lâm sàng/chẩn bệnh gắn với đánh giá một vài khía cạnh của lời nói - ngôn ngữ như cấu âm hay quá trình hình thành âm nói, giọng nói, quá trình tạo ra thông tin nói và hình thành lời nói, bao gồm cả tính trôi chảy của lời nói, việc sử dụng ngữ pháp, cú pháp, khả năng nhớ ngôn ngữ và lời nói, giải trình tự, nhận thức âm thanh và nghĩa của lời nói (cần thiết cho đọc và viết), tính phù hợp của lời nói với bối cảnh tương tác...

- Đo năng lực nghe: Với mục đích thực nghiệm hay mục đích lâm sàng, các nhà nghiên cứu có thể đo khoảng cách tính từ nơi phát ra âm thanh đến điểm mà hệ thính giác trung tâm của người được đo có những phản ứng điện đáp trả. Máy đo thính lực có thể tạo ra các rung động có cường độ (độ to của âm thanh) khác nhau, từ tần số thấp đến tần số cao. Trên cơ sở ghi nhận khả năng nghe của cá nhân với âm nào đó có thể đánh giá ngưỡng thính lực của người đó trong toàn bộ giải tần nghe được. Một thính lực đồ được sử dụng để vẽ đồ thị kết quả đánh giá.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Kent. R. Doo Adams. S. Goo & Turner, G. S., Models of speech production, In N. J. Las (Ed.), Principles of experimental phonetics. St. Louis: Mosby, 1996, pp. 3 - 45.
  2. Alan E. Kazdin (Editor-in-chief), Encyclopedia of psychology, American psychological Association, Oxford university press, New York, Vol. 7, 2000, pp. 428 - 433.
  3. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 934 - 935.
  4. Р. Корсини и А. Ау Эрбаха (под редакцией), Психологическая энциклопедия, 2-e издание, Питер, 2006, cтp. 430 - 432; 676 - 677; 1.377 - 1.379.