Đoàn Khuê (1923-1999), là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1991-1997).
Đoàn Khuê bí danh Võ Tiến Trình, sinh ngày 29.10.1923, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân, phủ Triệu Phong (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1939, Đoàn Khuê gia nhập Hội Thanh niên Phản đế; tháng 8.1940 được phân công làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc phủ Triệu Phong. Tháng 10.1940 bị thực dân Pháp bắt vì tổ chức rải truyền đơn, bị kết án, giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó đưa đi giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, Đoàn Khuê luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng, được cử vào “Ủy ban Vận động cách mạng”. Tháng 5.1945 ra tù, Đoàn Khuê về gây cơ sở cách mạng ở Quảng Bình. Tháng 6.1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Bình.
Tháng 8.1945, Đoàn Khuê nhập ngũ, được cử làm Ủy viên Quân sự tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Quân sự Ủy ban Quân chính Khu C (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam); Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Hồ Hích, Quảng Ngãi (1946-1947). Từ năm 1947 đến 1957, giữ các chức vụ: Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các trung đoàn 69, 73, 78, 126, 84 Liên khu 5; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk (1947-1953); Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn chủ lực 108; Phó Chính ủy Sư đoàn 305 (sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ, 1947-1954). Từ tháng 11.1954 đến 1962, làm Phó Chính ủy Sư đoàn Pháo binh 675; Chính ủy, Bí thư đảng ủy Sư đoàn Pháo binh 351 (1954-1957); Chính ủy Lữ đoàn 270 khu vực giới tuyến quân sự (3.1958-1960); Phó Chính ủy Quân khu 4 (1960-1962).
Đầu năm 1963, Đoàn Khuê được cử vào Nam đảm nhiệm chức vụ Phó chính ủy Quân khu 5. Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam, Đoàn Khuê cùng Quân khu ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng ý chí quyết tâm “dám đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chiến đấu kiên cường, với những trận Núi Thành (6.1965), Vạn Tường (8.1965), Plây Me (9.1965), Xuân Sơn (1966)…, đưa Quân khu 5 trở thành nơi “đi đầu diệt Mỹ”. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đoàn Khuê cùng Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo tập trung lực lượng thực hiện tiến công và nổi dậy đồng loạt, tiêu diệt lớn lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch. Từ ngày 9.4 đến ngày 3.5.1972, mở chiến dịch Bắc Bình Định phối hợp với các chiến trường đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm của địch. Sau Hiệp định Pari về chấp dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973), Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo các đơn vị chống ảo tưởng, mất cảnh giác, kiên quyết tiến công địch, giữ vững vùng giải phóng, đồng thời xây dựng lực lượng tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi trong các chiến dịch năm 1974 và Xuân 1975.
Tháng 12.1976, được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương chuyển “truy quét FULRO” thành “giải quyết vấn đề FULRO”, thực hiện nghiêm chính sách dân tộc, tôn giáo, tù hàng binh…; góp phần củng cố tình hình an ninh chính trị địa bàn. Mùa khô năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary huy động 10/19 sư đoàn tiến công vào lãnh thổ Việt Nam, chấp hành mệnh lệnh của trên, Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo lực lượng vũ trang phản công đẩy địch ra khỏi biên giới, đồng thời phối hợp với các đơn vị bạn tiến công giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia, góp phần cùng Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Từ năm 1983 đến 1986, Đoàn Khuê giữ các chức vụ: Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719; Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban lãnh đạo Đoàn Chuyên gia tại Campuchia, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719. Từ tháng 2.1987 đến 1991 giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 8.1991 đến năm 1997, được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đoàn Khuê đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thành công kế hoạch điều chỉnh chiến lược, bảo đảm khả năng phòng thủ trên từng địa bàn và trong phạm vi cả nước; tinh giản lực lượng vũ trang để nâng cao chất lượng; mở rộng hợp tác quốc phòng, tạo môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tháng 2.1998, Đoàn Khuê được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ và Trưởng ban Chỉ đạo Công tác tổng kết “Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng”. Đoàn Khuê được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV-VIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VI-VIII; Đại biểu Quốc hội khóa VII-X; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1984), Đại tướng (1990). Đoàn Khuê từ trần ngày 16.1.1999 tại Hà Nội.
Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Đoàn Khuê có nhiều đóng góp trong chỉ đạo các công trình: “Tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học”; “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học”; “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học” (được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007). Nhiều bài viết và tác phẩm về chiến tranh nhân dân, về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam… góp phần phát triển lý luận quân sự và làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu: “Về chiến tranh nhân dân địa phương và công tác quân sự địa phương” (1989); “Quan điểm cơ bản về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (1994); “Xây dựng quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (1997)…
Là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và Quân đội, Đoàn Khuê đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng (2007); được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên Đoàn Khuê đã được đặt cho đường phố ở nhiều địa phương của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 225.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 365.
- Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
- 12 vị Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Đồng Nai, 2011, tr. 461-468.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 225.
- Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lãnh đạo chỉ huy quân khu 4 (1945-2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 81, 82.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 8, Nxb quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 253-323.