Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Điện quang can thiệp

Điện quang can thiệp bao gồm các kỹ thuật can thiệp để điều trị có sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch số hóa xóa nền giúp định vị chính xác. Các kỹ thuật can thiệp sử dụng theo đường mạch máu (nút mạch, nong mạch, tái thông mạch…) hoặc ngoài mạch máu (chọc trực tiếp vào tổn thương).

Mục đích[sửa]

Những ưu điểm được công nhận rõ ràng của điện quang can thiệp bao gồm xâm lấn tối thiểu đến cơ thể người bệnh làm giảm rủi ro, giảm biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, người bệnh nhanh chóng phục hồi và sinh hoạt bình thường sau can thiệp. Hiệu quả điều trị thường tốt hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống khác.

Kỹ thuật điện quang can thiệp được áp dụng đối với nhiều bệnh lý khác nhau, có thể nói một số bệnh lý phổ biến như sau:

- Can thiệp mạch não: lấy huyết khối động mạch não điều trị đột quỵ não cấp tính, nút túi phình động mạch não, nút dị dạng động mạch não, nút mạch màng não cầm máu trước mổ …

- Can thiệp mạch tạng: nút mạch điều trị ung thư gan, truyền hóa chất 1 thì kết hợp nút mạch điều trị ung thư gan, nút mạch điều trị u máu gan.

- Nút mạch cầm máu các tạng do chấn thương, do bệnh lý (vỡ khối u, vỡ dị dạng mạch)

- Nút mạch điều trị u xơ tử cung, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt.

- Nút mạch điều trị cầm máu do vỡ giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày do xơ gan

- Can thiệp tạo shunt cửa – chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh (TIPS) điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch dạ dày do xơ gan

- Nút mạch cầm máu do ho ra máu.

- Dẫn lưu, đặt stent đường mật điều trị tắc mật.

- Dẫn lưu các ổ áp xe tạng (gan, thận, tụy) và các ổ áp xe trong ổ bụng, sau phúc mạc, trong lồng ngực và một số vị trí khác dưới hướng dẫn siêu âm, cắt lớp vi tính và số hóa xóa nền.

- Can thiệp tiêm thấm điều trị giảm đau cột sống, khớp dưới hướng dẫn của máy số hóa xóa nền, cắt lớp vi tính và siêu âm.

Mô tả[sửa]

- Điện quang can thiệp dưới hướng dẫn siêu âm

Thường chỉ định trong các trường hợp chọc sinh thiết u, hạch, các tạng trong như gan, lách, thận, tuyến giáp, phần mềm. Chọc hút dịch ổ bụng, ổ khớp, các nang, tiêm xơ điều trị dị dạng mạch máu.

- Điện quang can thiệp dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính

Chỉ định trong các trường hợp sinh thiết phổi, màng phổi, trung thất, các tạng trong ổ bụng.

- Điện quang can thiệp dưới hướng dẫn cộng hưởng từ

Chỉ định trong sinh thiết gan, vú, tuyến tiền liệt, điều trị u xơ tử cung bằng sóng âm, điều trị giảm đau cột sống bằng tiêm rễ thần kinh.

- Điện quang can thiệp dưới hướng dẫn siêu âm

Chỉ định trong các trường hợp chụp và can thiệp động mạch, tĩnh mạch. Điều trị hẹp tắc thực quản, dạ dày, đại tràng. Điều trị tiêm giảm đau cột sống, khớp.

- Điện quang can thiệp dưới hướng dẫn của chụp mạch số hoá xoá nền

Chụp số hoá xoá nền các động mạch não, chi, tạng, hệ thống tĩnh mạch và can thiệp mạch.

Nguy cơ[sửa]

Một số tai biến có thể xảy ra trong và sau khi thực hiện kỹ thuật can thiệp

- Dị ứng thuốc gây tê: người bệnh có biểu hiện dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, tim đập nhanh: xử trí các thuốc chống dị ứng, nếu trụy tim mạch dùng Adrenalin và chuyển sang cấp cứu điều trị tích cực.

- Chảy máu: Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng và vị trí chảy máu mà lựa chọn phương pháp cầm máu.

- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng dưới da vùng chọc kim: vệ sinh, sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Trường hợp nhiễm trùng huyết cần lấy bệnh phẩm nuôi cấy, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nâng đỡ thể trạng.

- Tổn thương các cơ quan khác: Nhiều cơ quan có khả năng chịu đựng được những tổn thương do kim chọc vào. Nếu nghi ngờ tổn thương vào ống tiêu hoá cần phải theo dõi viêm phúc mạc và nên sử dụng kháng sinh. Tổn thương màng phổi, lồng ngực có thể gây tràn máu, tràn khí khoang màng phổi. Chụp X-quang phổi nếu có nghi ngờ. Nếu tổn thương tạng đặc có thể gây chảy máu trong, cần theo dõi tình trạng mất máu trên lâm sàng và nên có chỉ định chụp cắt lớp vi tính

Chuẩn bị[sửa]

Trong một số trường hợp, bác sĩ điện quang can thiệp tiêm một chất hóa học vào bên trong cơ thể bệnh nhân để tăng độ tương phản cho hình ảnh. Nếu bệnh nhân cảm thấy lo lắng, hay sợ phải nằm yên trong thời gian dài, bệnh nhân có thể được dùng thuốc để thư giãn.

Cần chuẩn bị các loại thuốc vô cảm, gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, dụng cụ can thiệp. Người bệnh cần được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ trong quá trình thực hiện.

Chăm sóc sau thực hiện kỹ thuật[sửa]

Tuỳ từng phương pháp can thiệp và tình trạng người bệnh, cần làm thêm các xét nghiệm khác và/hoặc cần sự điều trị, bác sĩ cần đưa ra những thông tin và tư vấn phù hợp.

Kết quả[sửa]

Đối với can thiệp chọc lấy bệnh phẩm: Kim chọc vào đúng vị trí cần lấy bệnh phẩm, lấy được mảnh bệnh phẩm theo mong muốn.

Chọc dẫn lưu: Ống thông cố định chắc chắn, đầu xa ống thông nằm trong ổ dịch cần dẫn lưu. Đánh giá vị trí chọc, dịch dẫn lưu qua ống thông.

Chụp mạch máu: Hình ảnh hiển thị rõ các cấu trúc giải phẫu của động mạch, tĩnh mạch cần khảo sát. Phát hiện được tổn thương nếu có.

Đối với các can thiệp điều trị đánh giá kết quả tuỳ thuộc vào tình trạng lâm sang và cận lâm sàng của bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Marco Armbruster, Stefan Wirth,Max Seidensticker (2020), "Interventionelle Radiologie als Notfalltherapie", Der Radiologe, 60(3), tr. 258-268.
  2. Hervé Rousseau, Helene Vernhet-Kovacsik, Paul Revel Mouroz, et al. (2019), "Future of interventional radiology", Presse medicale (Paris, France: 1983), 48(6), tr. 648-654.
  3. Kumble Seetharama Madhusudhan, Deep Narayan Srivastava, Sanjiv Sharma, et al. (2018), "Interventional radiology in India", American Journal of Roentgenology, 211(4), tr. 730-735.
  4. Nguyễn Duy Huề, Chẩn đoán hình ảnh, Nhà xuất bản giáo dục, 2010.