Điện não đồ là kỹ thuật thăm khám, đo lường các hoạt động điện và các sóng trong não bộ thông qua sự ghi chép và khuếch đại các biến đổi của thế năng điện đo được trên bề mặt da đầu.
Phương pháp này có thể giúp phát hiện những sóng điện não bất thường trong một số bệnh lý thần kinh. Đây là kỹ thuật tầm soát sớm các bệnh não một cách hiệu quả.
Nguồn gốc[sửa]
Năm 1924, H. Berger đã thành công trong việc ghi chép lại hoạt động điện trên não bộ con người. Kỹ thuật được sử dụng dựa vào việc sử dụng đĩa nhỏ kim loại với dây mỏng áp lên da đầu một số điện cực (thường là khoảng 21 điện cực) ở những vị trí cụ thể, cân xứng ở hai bên đầu và cách đều nhau. Các điện cực này được giữ bởi một chiếc mũ, nhằm giúp ghi chép tín hiệu trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc bằng keo đặc thù dùng cho việc ghi chép ở ban đêm. Các điện cực được nối với nhau bằng một bộ khuếch tán, thông qua những bộ ghi lệch dòng lên giấy chạy với tốc độ không đổi, cho phép hiển thị những thay đổi thế năng giữa hai điện cực. Điện não đồ là một bài kiểm tra dùng để phát hiện các bất thường liên quan đến hoạt động điện của não bộ, giúp theo dõi, ghi chép và khuếch đại các mẫu sóng não. Hoạt động điện bình thường trong não có thể được nhận biết thông qua các mô hình cụ thể.
Điện não đồ trong những năm cuối thế kỷ XX đã có những bước tiến lớn trong việc thiết lập các công cụ phân tích các hoạt động điện não (phân tích phổ, họa đồ định lượng EGG…). Cách dùng của ĐNĐ đồng thời cho biết sự vận hành chức năng bình thường của tập hợp các nơ-ron thần kinh ở các trạng thái thức tỉnh khác nhau và sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương bởi những tổn thương, thương tích, các khối u… Đây chính là phương thức thăm khám tham chiếu để giúp đưa ra chẩn đoán về động kinh, kiểm tra các biểu hiện BT dẫn đến tình trạng co giật, các mức độ của rối loạn giấc ngủ và nó cần thiết cho chẩn đoán hiện tượng chết não hoặc các bệnh não do chuyển hóa hoặc tổn thương cấu trúc não.
Ứng dụng[sửa]
Điện não đồ được sử dụng rộng rãi trong xét nghiệm X quang liên tiếp để phát hiện ra các loại rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý có liên quan.
Trong quá trình đo điện não, không có bất kỳ dòng điện nào được truyền vào cơ thể người bệnh, do bản chất của phương pháp này là chỉ giúp ghi chép lại các hoạt động điện của vỏ não người bệnh.
Điện não đồ của người lớn bình thường khi thức, nhắm mắt, yên tĩnh có sóng alpha từ 8 - 12 hz, biên độ 50-μV hình sin ở khu vực thùy chẩm và thùy đỉnh. Sóng beta > 12-Hz, biên độ 10 đến 20-μ ở khu vực thùy trán xuất hiện khi mở mắt, não tiếp nhận một số kích thích và nhịp độ tăng lên. Xen kẽ là các sóng theta từ 4 đến 7Hz, biên độ 20 đến 100 μV, xuất hiện khi ngủ, nhịp chậm. Đo điện não đánh giá sự mất cân xứng giữa 2 bán cầu (gợi ý một rối loạn về cấu trúc), đối với sóng chậm (sóng delta 1-4 Hz, 50- đến 350-μV, xảy ra khi có rối loạn ý thức, bệnh não và sa sút trí tuệ) và các kiểu sóng bất thường khác. Các kiểu sóng bất thường có thể không đặc hiệu (ví dụ kịch phát động kinh dạng nhọn - sóng) hoặc có tính đặc trưng giúp cho chẩn đoán (ví dụ, các phóng lực 3-Hz đối với động kinh cơn vắng và các hoạt động chu kỳ nhọn - sóng 1-Hz đối với bệnh Creutzfeldt-Jakob - bệnh bò điên).
Điện não đồ đặc biệt hữu ích cho việc đánh giá tình trạng thay đổi ý thức theo từng giai đoạn không rõ nguyên nhân. Điện não đồ được dùng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh động kinh và một số bệnh lý như: hội chứng ngừng thở khi ngủ, bệnh ủ rũ, các rối loạn trong giấc ngủ: miêu hành, hoảng sợ ban đêm, nói mơ, nghiến răng khi ngủ…
Các chỉ định của phương pháp đo điện não đồ[sửa]
Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả, giúp phát hiện các rối loạn chức năng của não bộ trong các bệnh lý thần kinh, tầm soát sớm bệnh ở não. Ngoài ra, đo điện não đồ còn có thể theo dõi chức năng não trong các bệnh lý khác như: u não, chấn thương đầu, rối loạn chức năng não, viêm não, đột quỵ, rối loạn giấc ngủ, sa sút trí tuệ.
Quy trình đo điện não đồ[sửa]
Quy trình đo điện não thường quy: Quy trình này kéo dài khoảng 20 phút. Trước hết, người được thăm khám sẽ nhắm mắt và nằm thư giãn trong khoảng thời gian 3 đến 4 phút; sau đó thực hiện nghiệm pháp nhắm mở mắt (tức là mở mắt trong vòng 10 giây, sau đó nhắm mắt lại). Nghỉ 5 phút sau nghiệm pháp trên rồi thực hiện nghiệm pháp hít thở sâu (tăng thông khí) trong 3 phút.
Sau đó làm nghiệm pháp kích thích ánh sáng. Kết thúc quá trình ghi điện não đồ bằng việc cho bệnh nhân thực hiện thao tác nhắm/mở mắt thêm 1 lần cuối cùng. Tác dụng của nghiệm pháp nhắm mở mắt (Berger) giúp xác định tình trạng ức chế nhịp alpha khi bệnh nhân mở mắt và tình trạng thức tỉnh của người bệnh.
Các nghiệm pháp hoạt hóa: Sử dụng các nghiệm pháp hoạt hóa thường quy để gợi ra các hoạt động dạng động kinh ở những người bệnh có nghi ngờ bị động kinh. Tăng thông khí (Hyperventilation): thao tác này được thực hiện trong 3 phút, không thực hiện nghiệm pháp này cho người đang có những bệnh lý như: người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch nặng, bệnh lý mạch máu não nặng.
Kích thích ánh sáng (Photic stimulation): ban đầu cho tần số kích thích 3 chu kỳ/giây, sau đó tăng dần đến 30 chu kỳ/giây. Thời gian thích hợp để kích thích ở một tần số là 10 giây và thời gian nghỉ giữa hai lần tần số kích thích cũng là 10 giây. Nghiệm pháp này phải dừng ngay khi bệnh nhân có những đáp ứng co giật do ánh sáng (photo convulsive response).
Gây mất ngủ (sleep deprivation): Đây là nghiệm pháp giúp làm tăng khả năng phát hiện hoạt động động kinh, giúp ghi điện não đồ của giấc ngủ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bloch, H., Chemama, R., Gallo, A., Laconte, P., Le-Ny, J.-F., Postel, J., Moscovici, S., Reuchlin, M. & Vurpillot, E., Grand Dictionnaire de la Psychologie, Paris: Larousse, France, 1991, pp. 578 - 579.
- Gary Groth-Marnat, Handbook of Psychological Assessment, 5th edition, New Jersey: Hoboken, John Wiley & Sons, Inc, 2009.
- Michael C. Levin, Điện não đồ (EGG), MSD và cẩm nang MSD (Kiến thức Y khoa toàn cầu) - Phiên bản dành cho chuyên gia, 2016.