(典故)
thuật ngữ văn học chỉ những hiện tượng từ ngữ có nguồn gốc lai lịch và câu chuyện thời xưa được dẫn dụng trong thơ văn.
Thuật ngữ điển cố xuất hiện trong Hậu Hán thư (sách do Phạm Diệp biên soạn vào thế kỷ thứ 5) gắn với việc hành lễ của Hán Chương Đế (58 – 88). Theo Hậu Hán thư - Đông Bình Hiến Vương Thương truyện: “Thân khuất chí tôn, hàng lễ hạ thần, mỗi tứ yến kiến, triếp hưng tịch cải dung, trung cung thân bái, sự quá điển cố” (Nhà vua đích thân giảm bớt sự tôn nghiêm, hạ mình đón tiếp thần, mỗi khi (thần) được ban yến tiệc cho yết kiến, (nhà vua) đều đứng dậy chỉnh đốn nghi dung, cho phép thần được bái kiến ngay tại trong cung, việc này thực vượt quá điển chế vốn có). Như vậy, lúc đầu thuật ngữ điển cố mang ý nghĩa là điển chế và lệ cũ của tiền nhân. Tuy nhiên, chính việc làm của Hán Chương Đế lại trở thành điển cố (hình mẫu) để người đời sau noi theo.
Một điển cố thường gồm sự điển và ngữ điển. Sự điển là câu chuyện - nguồn gốc của điển cố, làm nên nội dung và ý nghĩa điển cố. Ngữ điển là tên gọi của điển cố. Ví dụ điển cố Tái ông thất mã có sự điển là câu chuyện chép trong sách Hoài Nam tử: Ông già cửa ải giáp biên giới nước Hồ mất con ngựa, mọi người có ý tiếc cho ông. Ông nói “Biết đâu đó lại là điều may mắn”. Vài tháng sau, con ngựa ấy quay về, mang theo một con ngựa tốt của nước Hồ. Mọi người đến mừng cho ông. Ông nói: “Biết đâu đó lại chẳng là cái họa”. Con trai ông già rất thích cưỡi ngựa, do con ngựa tốt phi nhanh, chẳng may anh ta bị ngã què chân. Mọi người đến hỏi thăm, an ủi ông già. Ông nói: “Biết đâu đó lại là phúc lớn”. Một năm sau quân Hồ tràn sang. Trai tráng bị bắt đi lýnh, nhiều người tử trận. Riêng con trai ông già vì bị què chân nên miễn đi lýnh, được sống yên bình cùng gia đình. Ngữ điển của điển cố này là Tái ông thất mã. Nội dung, ý nghĩa của điển cố Tái ông thất mã là họa phúc đều mang ý nghĩa tương đối, con người cần có cái nhìn an nhiên trước những may rủi của cuộc đời.
Như vậy, đối với điển cố thì sự điển rất quan trọng. Nếu chỉ có ngữ điển mà không có sự điển (không bắt nguồn từ câu chuyện, hoặc không gắn với sự việc, con người) thì không nên xem đó là điển cố đích thực mà nên coi đó là những thành ngữ, những thi liệu, văn liệu, từ ngữ cổ được sử dụng trong văn chương.
Giữa sự điển và ngữ điển có mối quan hệ mật thiết với nhau dựa trên nội dung, ý nghĩa của điển cố.
Trường hợp thứ nhất, chiếm đại đa số là sự điển và ngữ điển đồng nghĩa với nhau. Ví dụ điển cố Nếm mật nằm gai (ngọa tân thường đảm), sự điển là câu chuyện phục thù của Việt vương Câu Tiễn (496 – 465 TCN), có chi tiết nếm mật, nằm gai. Thời Xuân Thu (722 – 479 TCN), Nước Việt của Câu Tiễn bị nước Ngô của Phù Sai diệt. Câu Tiễn quyết chí phục thù, lấy củi gai lót nằm, bỏ nơi êm ấm, thường nếm mật đắng, xa miếng ăn ngon, chịu đựng gian khổ, quyết tâm rửa nhục. Sau hai mươi năm tích cực chuẩn bị lực lượng, hưng thịnh đất nước, Câu Tiễn xuất binh đánh bại quân Ngô. Ngô vương Phù Sai phải tự vẫn. Việt Vương Câu Tiễn báo được thù, thôn tính cả nước Ngô. Vì vậy điển này được khái quát bằng ngữ điển Nếm mật nằm gai. Nội dung, ý nghĩa của điển Nếm mật nằm gai là chỉ sự chịu đựng gian khổ, mưu đồ việc lớn.
Trường hợp thứ hai, là sự điển và ngữ điển có sự chuyển nghĩa theo biện pháp ẩn dụ. Ví như trường hợp điển cố Đào lý (cây đào, cây mận), sự điển là câu chuyện về Địch Nhân Kiệt (630 – 700), được phong chức Bình chương sự (tương đương Tể tướng) đời Đường. Ông từng tiến cử cho vua Đường một lúc mấy chục người tài giỏi. Người đương thời khen Địch Nhân Kiệt: “Thiên hạ đào lý, tận tại công môn” (Cây đào cây mận trong thiên hạ đều ở cửa nhà ông mà ra). Ngữ điển của điển cố này là Đào lý với biện pháp ẩn dụ, dùng hình tượng cây đào, cây mận để chỉ những người tài giỏi. Địch Nhân Kiệt là vị quan đức độ, tài năng, liêm chính nên được các vị hoàng đế nhà Đường đương thời, đặc biệt là Võ Tắc Thiên rất trọng vọng. Vì vậy, các ngữ điển Sân đào lý, Cửa mận tường đào, Ngõ mận còn dùng để chỉ nơi quyền quý.
Trường hợp thứ ba, không nhiều, là sự điển và ngữ điển trái nghĩa nhau, giữa nghĩa gốc của điển cố và từ ngữ điển cố có sự trái ngược nghĩa. Ví dụ điển cố Tinh Vệ lấp biển (hoặc Tinh Vệ hàm thạch - Tinh vệ ngậm đá), sự điển là câu chuyện về con gái vua Viêm Đế, họ Thần Nông. Theo thần thoại Trung Quốc, Tinh Vệ là một mỹ nữ tuyệt sắc, con gái vua Viêm Đế. Một lần nàng ra biển Đông chơi, chẳng may thuyền bị sóng đánh chìm nên chết đuối. Linh hồn nàng oán hận biển cả hóa thành một con chim, ngày ngày bay đến núi Tây ngậm đá mang thả xuống biển hòng lấp biển để báo thù. Từ đó, dân gian gọi loài chim này là chim Tinh Vệ. Nghĩa gốc của điển cố Tinh Vệ lấp biển là để chỉ oán thù sâu xa. Thế nhưng theo ngữ điển của điển cố này thì nhiều khi mang nghĩa ngược lại: nói về sự kiên định, hùng tâm tráng chí của con người.
Trong mối quan hệ giữa sự điển và ngữ điển, có khi một sự điển có nhiều ngữ điển. Những tên gọi khác nhau này đều mang nội dung, ý nghĩa chính của điển cố. Chẳng hạn, trường hợp sự điển với câu chuyện về Lão Lai Tử: người nước Sở, thời Xuân Thu, đã 70 tuổi, cha mẹ đang đại thượng thọ, Lão Lai Tử không muốn cha mẹ thấy con già nua mà buồn, ông muốn cha mẹ vui nên thường mặc áo sặc sỡ, ra giữa sân múa hát như đứa trẻ. Có khi mang nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trượt ngã rồi ngồi khóc oa oa giống trẻ con. Cha mẹ vui cười trước sự ngộ nghĩnh của con mình. Sự điển về Lão Lai Tử có nhân vật, có tình tiết dẫn đến các ngữ điển Lão Lai, Lão Lai Tử (căn cứ vào nhân vật), Sân Lai (căn cứ vào tình tiết) nhưng đều có chung nội dung, ý nghĩa là nói về lòng hiếu thảo của con cái.
Nghĩa của điển cố thường có hai cấp độ: cụ thể và biểu trưng. Nghĩa cụ thể gắn với sự điển còn nghĩa biểu trưng là nghĩa khái quát toát lên từ sự điển. Từ sự điển đến khái quát thành ngữ điển thì tên gọi của điển cố đã mang ý nghĩa biểu trưng. Ngữ điển Lam Kiều (Cầu Lam) không phải là để chỉ một chiếc cầu thuộc huyện Lam Điền ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc mà là để nói về nơi ở của người đẹp, nói về chuyện nhân duyên. Nghĩa biểu trưng này toát lên từ sự điển về câu chuyện Bùi Hàng đời Đường. Bùi Hàng gặp người con gái đẹp là Vân Kiều và được nàng tặng bài thơ: Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh/ Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh/ Lam Kiều tận thị thần tiên quật/ Hà tất kỳ khu thướng ngọc kinh (Chén quỳnh tương vừa uống xong sinh ra trăm mối cảm/ Thuốc huyền sương giã xong thì gặp Vân Anh/ Lam Kiều chính là nơi động tiên đó/ Hà tất phải vất vả đến chốn kinh đô làm gì”. Sau này Bùi Hàng có dịp đến Lam Kiều, khát nước, chàng ghé vào quán bên đường. Bà chủ quán gọi người con gái là Vân Anh đem nước ra mời. Thấy Vân Anh đẹp, Bùi Hàng trọ lại và sau đó ngỏ ý muốn cưới Vân Anh làm vợ. Bà chủ quán bảo: “Trước đây thần tiên cho ta một thìa linh dược, cần có chày cối ngọc để giã. Bao giờ người mang các thứ đó lại đây ta sẽ gả Vân Anh cho”. Bùi Hàng quyết tâm tìm mua chày cối ngọc mang đến Lam Kiều. Chàng lấy được Vân Anh làm vợ. Hôm làm lễ cưới, Bùi Hàng mới biết người tặng mình bài thơ trước đây là Vân Kiều, chị ruột Vân Anh. Từ sự điển này mà ngữ điển Lam Kiều mang ý nghĩa biểu trưng khái quát chỉ nơi người đẹp ở hoặc để nói về chuyện nhân duyên.
Do sử dụng điển cố ở cấp độ nghĩa biểu trưng nên việc dùng điển cố làm tăng tính chất hàm súc, cô đọng và tính chất biểu cảm cho lời văn, lời thơ. Ví như việc dùng điển Vũ Hầu Gia Cát Lượng trong bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão: Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu (Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu). Điển Vũ Hầu Gia Cát Lượng thể hiện cái chí, cái tâm của trang nam nhi, súc tích ba điều: thẹn vì công danh, sự nghiệp, thẹn vì tài năng, mưu lược, thẹn vì tấm lòng tận trung báo quốc chưa được như Vũ Lượng hầu. Qua điển Vũ Hầu Gia Cát Lượng ta không những thấy khát vọng công danh, sự nghiệp mà còn thấy tấm lòng yêu nước sâu sắc, cao cả của Phạm Ngũ Lão. Việc dụng điển mang đặc điểm của văn học trung đại: thiên về gợi, lời ít, ý nhiều. Dụng điển không những làm cho ý tình hàm súc, cô đọng mà còn làm cho lời văn thêm tao nhã, tinh tế.
Sử dụng điển cố trong sáng tác văn chương là đặc điểm chung của văn học trung đại, trước hết là từ Trung Quốc rồi lan tỏa sang các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Hán như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc sử dụng điển là quan điểm thẩm mỹ của thời trung đại: thời hoàng kim thuộc về quá khứ, cái đẹp là khuôn mẫu của tiền nhân. Khi đi tìm cái đẹp, con mắt thời trung đại hướng về quá khứ chứ không nhìn về tương lai, hướng về những mẫu hình lý tưởng đã được tạo lập bởi người xưa chứ không tìm trong những sáng tạo phá cách của cá nhân. Xã hội lý tưởng thì Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ… văn chương rạng rỡ, mẫu mực thì Hán phú, Đường thi, Tống từ… Việc sử dụng điển cố bắt nguồn và nằm trong bối cảnh noi theo cổ nhân, “thuật nhi bất tác” của thời trung đại.
Trong văn học hiện đại, khi quan niệm thẩm mỹ đã thay đổi, đề cao cái đẹp là sáng tạo cá nhân, đề cao tác quyền tác giả thì việc sử dụng điển cố trong sáng tác văn chương không còn nữa.
Nội hàm thuật ngữ điển cố, cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng, điển cố còn là những câu thơ, câu văn đời trước được dẫn lại. Vì vậy điển cố được phân thành hai loại: Sự điển là điển cố bắt nguồn từ câu chuyện có nguồn gốc từ thời cổ đại, Ngữ điển là điển cố được rút ra từ câu thơ, câu văn đời trước. Khi nói về dụng điển, Từ điển tri thức văn hóa cổ đại (Cổ đại văn hóa tri thức từ điển, Thương vụ ấn thư quán, Trung Quốc), 2005) đã căn cứ vào nội dung của dẫn dụng, có thể chia thành 4 loại: dẫn kinh (kinh sách), kê cổ (sự tích của người xưa, câu chuyện lịch sử), xuất tân (dùng việc dẫn lời văn để làm rõ việc mới), phản dụng (đổi thành ý nghĩa trái ngược). Dụng điển là một phương thức tu từ để thể hiện quan điểm của bản thân thông qua viện dẫn sự tích hoặc từ ngữ trong các sách vở cổ của tiền nhân (trang 493). Tuy nhiên giới định về điển cố như Từ Hải vẫn được nhiều người thừa nhận: Điển cố ① Điển chế và lệ cũ. ② Từ ngữ có nguồn gốc lai lịch và câu chuyện thời xưa được dẫn dụng trong thơ văn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Gia Khánh chủ biên, Điển cố văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
2. Nguyễn Ngọc San chủ biên, Từ điển điển cố văn học dùng trong nhà trường. Nxb. Giáo dục, 1998.
3. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đồng chủ biên, Từ điển văn học, Bộ mới, Nxb. Thế giới, 2004.
4.吴真雄: 界定典故多歧义《辞海》定义应遵循, 第34卷第3期
2003年5月,南昌大学学报(人社版) J o u r n a l o f N a n c h a n g U n iv e r s it y.
5. 辞海(第六版彩图本), 上海辞书出版社, 2009 年, 453页.