Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Điểm tựa

Điểm tựa là trận địa phòng ngự của trung đội, đại đội bộ binh (bộ binh cơ giới) có hệ thống công sự vững chắc hoặc tương đối vững chắc.

Điểm tựa có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phát triển của chiến đấu phòng ngự. Trên thế giới, khi hỏa khí xuất hiện (thế kỷ X), các trận chiến đấu phòng ngự đã chú trọng xây dựng hệ thống công sự vững chắc kết hợp với tổ chức vật cản để các lực lượng chiến đấu dựa vào đó ngăn chặn và sát thương đối phương tiến công, giữ vững trận địa phòng ngự. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, các điểm tựa phòng ngự đã được tổ chức chuẩn bị hoàn thiện hơn để bám trụ chiến đấu dài ngày đẩy lùi các đợt tiến công của bộ binh, xe tăng địch được hỏa lực không quân và pháo binh chi viện. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, điểm tựa phòng ngự đã được Quân đội Liên Xô nghiên cứu, tổ chức tương đối hoàn thiện góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi các trận chiến đấu, chiến dịch phòng ngự ở những quy mô khác nhau. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, cùng với sự phát triển nghệ thuật tác chiến phòng ngự, Điểm tựa tiếp tục được quân đội nhiều nước quan tâm nghiên cứu phát triển cả về cấu trúc, tổ chức bố trí lực lượng, hỏa lực và hệ thống vật cản để đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng ngự trong chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, cách gọi của quân đội mỗi nước có khác nhau, Quân đội Mĩ, Pháp gọi hệ thống trận địa phòng ngự cấp phân đội (trung đội, đại đội bộ binh, bộ binh cơ giới) là “cứ điểm”, Quân đội Liên Xô gọi là “điểm tựa”.

Ở Việt Nam, trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ, Điểm tựa được tổ chức nghiên cứu phát triển và ngày càng hoàn thiện, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh. Sau kháng chiến chống Mỹ (1975), ta đã tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức Điểm tựa trong tác chiến phòng ngự của quân đội các nước (đặc biệt là Liên Xô) để phát triển lí luận và thực tiễn tổ chức Điểm tựa, cụm Điểm tựa trong phòng ngự, phòng thủ.

Theo nhiệm vụ phòng ngự có thể xây dựng Điểm tựa phòng ngự độclập; hoặc Điểm tựa trung đội, đại đội nằm trong hệ thống cụm điểm tựa của cấp trên. Theo vị trí của đơn vị phòng ngự, có Điểm tựa: phòng ngự phía trước ở khu vực chiến đấu vòng ngoài, phòng ngự tiền duyên, phòng ngự ở trận địa tuyến giữa và trận địa phòng ngự phía sau.

Yêu cầu xây dựng Điểm tựa phòng ngự: triệt để tận dụng thế có lợi của địa hình, địa vật; xây dựng vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu; sử dụng lực lượng hợp lí, tập trung trên hướng chủ yếu; kết hợp chặt chẽ các yếu tố công sự, vật cản, hỏa lực và cơ động để tạo nên sức mạnh chiến đấu trong phòng ngự. Điểm tựa thường được cấu trúc theo hình vòng để có thể đánh địch tiến công từ nhiều hướng.

Hệ thống công sự trận địa trong Điểm tựa gồm: công sự chiến đấu, công sự các loại hỏa khí, hầm nghỉ ngơi, hầm cất giấu vũ khí, trang bị dự trữ và vật chất hậu cần, kĩ thuật… Các công sự chiến đấu, hầm các loại được liên kết với nhau bằng hệ thống chiến hào, giao thông hào để cơ động trong quá trình chiến đấu. Công sự trận địa sau khi làm xong phải được ngụy trang kín đáo, không để địch trên mặt đất và trên không phát hiện. Ngoài công sự chính, các công sự trận địa dự bị cần được chuẩn bị theo các phương án đánh địch để sẵn sàng xử trí các tình huống trong chiến đấu.

Các phương tiện hỏa lực gồm: vũ khí bộ binh, vũ khí chống tăng (B40, B41), cối 60 mm, 82 mm…, bố trí phân tán hợp lí trong Điểm tựa theo các phương án đánh địch, hình thành hệ thống hỏa lực nhiều tầm, nhiều hướng hỗ trợ cho nhau sát thương địch từ xa vào gần. Khi phòng ngự trong đội hình của cấp trên, hệ thống hỏa lực trong điểm tựa cần tổ chức theo kế hoạch hỏa lực của cấp trên, tập trung hỏa lực cho các hướng phòng ngự chủ yếu. Ngoài hỏa lực đánh địch mặt đất còn có hỏa lực đánh địch trên không (máy bay thấp và tên lửa hành trình). Các phương tiện hỏa lực chi viện chung trong Điểm tựa, như: cối, ĐKZ, SPG-9, súng máy phòng không thường bố trí ở khu vực trung tâm gần người chỉ huy để tiện chi viện cho các hướng. Có kế hoạch hỏa lực cụ thể và hiệp đồng chặt chẽ theo từng phương án đánh địch.

Hệ thống vật cản bao gồm: vật cản nổ (mìn chống tăng, mìn chống bộ binh), vật cản không nổ (dây thép gai, chông…) kết hợp với vật cản tự nhiên bố trí trước tiền duyên Điểm tựa trên các hướng (mũi) tiến công của địch. Tổ chức hệ thống vật cản vững chắc hình thành nhiều lớp từ ngoài vào trong. Bãi vật cản thường được bố trí cách tiền duyên một khoảng thích hợp, kết hợp vật cản với hệ thống hỏa lực, có sơ đồ hệ thống vật cản để tiện tháo gỡ, điều chỉnh. Các Điểm tựa phía sau có thể lắp đặt bổ sung hệ thống vật cản trong quá trình tác chiến.

Tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng trong Điểm tựa căn cứ vào ý định tác chiến và khả năng lực lượng. Lực lượng của Điểm tựa thường tổ chức thành các bộ phận: bộ phận phòng ngự trên hướng chủ yếu; bộ phận phòng ngự trên hướng thứ yếu. Bộ phận hỏa lực bố trí ở khu vực trung tâm. Bộ phận cơ động kiêm dự bị bố trí trong trung tâm hoặc bên sườn, phía sau để sẵn sàng sử dụng vào thay thế, xử trí các tình huống. Bộ phận chiến đấu vòng ngoài, bố trí ở phía trước để cảnh giới phát hiện địch tiến công từ xa và bám trụ đánh nhỏ lẻ vào bên sườn, phía sau đội hình tiến công để phá thế tiến công của địch. Khi phòng ngự trong đội hình cấp trên, trong điểm tựa có thể còn có một số bộ phận chiến đấu của cấp trên (bố trí trong hoặc bên sườn phía sau điểm tựa) để tăng cường khả năng chiến đấu.

Để đánh địch tiến công vào Điểm tựa phòng ngự, tùy điều kiện cụ thể, các lực lượng phòng ngự trong điểm tựa có thể chiếm lĩnh chuẩn bị chiến đấu trước khi địch tiến công hoặc chiếm lĩnh chuẩn bị chiến đấu trong điều kiện trực tiếp tiếp xúc với địch. Hoạt động chiến đấu của các lực lượng trong điểm tựa thường gồm: phòng tránh đánh địch tiến công hỏa lực, đánh địch cơ động triển khai tiến công, đánh địch thực hành tiến công vào trận địa phòng ngự (có thể gồm đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, vu hồi, đột nhập). (1.200 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Học Viện Quốc phòng, Giáo trình sư đoàn bộ binh phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  4. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
  5. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  6. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  7. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.