Điểm bưu điện - văn hoá xã (tiếng Anh Commune Culture-Post Office) là mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông (bưu chính viễn thông) cơ bản, phổ biến thông tin và phục vụ hoạt động đọc sách báo miễn phí của ngành Bưu điện Việt Nam cho người dân vùng nông thôn, giúp họ có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Lợi ích[sửa]
Mô hình điểm bưu điện - văn hoá xã được Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam) triển khai xây dựng trên phạm vi toàn quốc từ năm 1998 và được công nhận là thành phần của mạng bưu chính công cộng theo quyết định số 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/05/2008. Khi chưa có điểm bưu điện - văn hoá xã người dân nói chung và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi, dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông, họ phải đi rất xa mới có thể gửi được một bức thư hay gọi được một cuộc điện thoại. Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống điểm bưu điện - văn hoá xã góp phần phát triển mạng điểm phục vụ bưu chính viễn thông của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam rộng khắp toàn quốc, làm cải thiện rõ rệt kết quả của tiêu chí số dân phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tại Việt Nam. Trước năm 1998, cả nước chỉ có 3.000 bưu cục tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, số dân phục vụ bình quân là 25.500 người/bưu cục. Đến hết năm 2019, cả nước có 7.659 bưu cục, 8.190 điểm bưu điện - văn hoá xã (và 2.946 điểm phục vụ thuộc loại hình khác), tương đương với số dân phục vụ bình quân là 5.119 người/bưu cục.
Hoạt động chính[sửa]
Hoạt động của điểm bưu điện - văn hoá xã được quy định cụ thể tại Thông tư số 11/2019/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thôngngày 22/10/2019 với một số nội dung chính như sau: Các điểm bưu điện - văn hoá xã cung ứng các dịch vụ bưu chính, bao gồm: Dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg và dịch vụ phát hành báo chí công ích theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ bưu chính khác theo yêu cầu của nhà nước.
Việc cung ứng các dịch vụ bưu chính phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với mỗi loại dịch vụ và các quy định khác có liên quan. Việc luân chuyển sách giữa điểm bưu điện - văn hoá xã với các bên liên quan được thực hiện tối thiểu 06 tháng một lần.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống điểm bưu điện - văn hoá xã; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, duy trì và phát triển hệ thống điểm bưu điện - văn hoá xã trên phạm vi toàn quốc; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp viễn thông trong việc lựa chọn điểm bưu điện - văn hoá xã làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng thuộc Chương trình viễn thông công ích; Việc quy hoạch hệ thống điểm bưu điện - văn hoá xã do Bộ Thông tin và Truyền thôngquyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
- Năm 1998, Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam) đề xuất phương án xây dựng bưu điện - văn hoá xã nhằm tạo điều kiện cho người dân nông thôn được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
- Ngày 26/6/1998, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành văn bản liên tịch về việc ủng hộ chủ trương xây dựng mô hình bưu điện kết hợp với văn hoá ở nông thôn.
- Ngày 9/7/1998, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ra thông báo số 2327/VHTT-TB thống nhất ngành Bưu điện là chủ thể, là cơ quan chủ quản, Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ về văn hóa, cùng với ngành Bưu điện khai thác hiệu quả mô hình bưu điện - văn hoá xã.
- Ngày 31/5/2001, trên sơ sở các đề xuất, tham mưu của Bộ Tài chính về cơ chế hỗ trợ, của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) về áp dụng hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng bưu điện - văn hoá xã và tờ trình của Tổng cục Bưu điện, Chính phủ ban hành Công văn số 478/CP-NN chỉ đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc cấp, giao đất không thu tiền sử dụng đất, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng bưu điện - văn hoá xã.
- Năm 2008, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) được thành lập và chính thức tiếp nhận hệ thống bưu điện - văn hoá xã từ Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam. Cũng từ đây, hệ thống bưu điện - văn hoá xã chính thức được công nhận là thành phần của mạng bưu chính công cộng.
- Từ khi thành lập đến nay, hệ thống bưu điện - văn hoá xã thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông và tổ chức phục vụ hoạt động đọc sách báo miễn phí.
Đề án “Phát triển bưu điện - văn hoá xã gắn kết với hoạt động phục vụ cộng đồng” do Bộ Thông tin và Truyền thôngđã phê duyệt ngày 18/8/2020 đã xác định hướng phát triển của bưu điện - văn hoá xã trong tương lại. Ngoài chức năng cung cấp các dịch vụ bưu chính như một đại lý của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, bưu điện - văn hoá xã sẽ trở thành cơ quan đại diện của doanh nghiệp này tại cấp xã, hệ thống công nghẹ thông tin sẽ được đồng bộ hóa, kết nối liên thông với cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT Quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 2013;
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư số 11/2019/TT-BTTTT ngày 22/10/2019 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT ngày 02/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hoạt động của điểm Bưu điện - Văn hóa xã
- Nguyễn Xuân Thu, “Điểm Bưu điện - Văn hóa xã”, Nxb. Thông tin và Truyền thông, 2014;