Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Điều trị lưu trú

Điều trị lưu trú là hình thức điều trị tại bệnh viện, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Có nhiều hình thức khác nhau để người bệnh/người thân của họ có thể lựa chọn: điều trị ngoại trú; điều trị ban ngày; điều trị lưu trú. Ngoài ra cũng còn có một hình thức chăm sóc/điều trị khác, đó là phục hồi tâm thần. Một số tác giả xếp điều trị lưu trú vào phục hồi tâm thần. Tuy nhiên các trung tâm phục hồi tâm thần chủ yếu dành cho người lớn, những người bệnh nặng, mạn tính. So với các hình thức điều trị khác, điều trị lưu trú chủ yếu dành cho trẻ em và thanh thiếu niên có những vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc, hành vi và nghiện/lạm dụng ma túy.

Chương trình điều trị lưu trú[sửa]

Những mục tiêu của các chương trình điều trị lưu trú thường bao gồm:

  1. Đánh giá toàn diện những nhu cầu về tình cảm, hành vi, y tế, giáo dục và xã hội và hỗ trợ đáp ứng những nhu cầu này một cách an toàn.
  2. Lập kế hoạch điều trị đối với từng cá nhân, tổ chức can thiệp nhằm giúp trẻ thỏa mãn các nhu cầu.
  3. Tổ chức liệu pháp cá nhân và nhóm.
  4. Có bác sĩ tâm thần nhi hoặc bác sĩ tâm thần được phép kê đơn chăm sóc về tâm thần.
  5. Có sự tham gia của gia đình hoặc hệ thống hỗ trợ. Chương trình điều trị lưu trú khuyến khích và tạo cơ hội thực hiện liệu pháp gia đình và những kết nối trực tiếp, gọi điện thoại hoặc các dạng kết nối khác.
  6. Những cách thức giúp trẻ giải quyết các vấn đề về cảm xúc và hành vi phải được kiểm soát, không gây rối. Không sử dụng hình phạt về thể chất, đe dọa, quát mắng trẻ.

Trung tâm điều trị lưu trú[sửa]

Các trung tâm điều trị lưu trú không được xây dựng theo kiểu bệnh viện, ngược lại, nó được xây dựng giống với một nơi ở hơn. Những trung tâm này rất đa dạng. Nó có thể xây theo kiểu tòa nhà chung cư, trong đó có các căn hộ khép kín với những diện tích khác nhau. Đó cũng có thể là những căn biệt thự với môi trường cảnh quan rộng đẹp hoặc có dạng như là một khu điều dưỡng. Tạo môi trường ở đó người bệnh có thể sống và điều trị. Thậm chí trong các trung tâm điều trị lưu trú còn có thể có cả trường học để cho trẻ vừa điều trị vừa không bị gián đoạn học. Những trường học như vậy không chỉ dành riêng cho trẻ trong trung tâm mà cả cho trẻ sống trong cộng đồng lân cận.

Cơ sở lý thuyết của điều trị lưu trú[sửa]

Cơ sở lý thuyết ban đầu của điều trị lưu trú chính là Phân tâm học, khi mà Anna Freud thành lập “Trại trẻ Hampstead”. Mô hình lý thuyết này nhấn mạnh rằng, những vấn đề tâm lý của trẻ là do môi trường “bệnh lý” của gia đình. Trong một môi trường như vậy, trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, chúng dần tự mình, tự cách ly bản thân. Do vậy điều trị lưu trú sử dụng chủ yếu là các kỹ thuật phân tâm, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các điều dưỡng/người chăm sóc. Sang đến những năm 1960, khi Tâm lý học Hành vi được ứng dụng nhiều hơn vào lĩnh vực lâm sàng, cơ sở lý luận của điều trị lưu trú cũng chuyển dần sang định hướng Hành vi. Vấn đề không chỉ là một sự chuyển đổi đơn thuần. Một số người nghi ngờ hiệu quả của các kỹ thuật phân tâm và cùng với đó, nó không được kiểm chứng, đánh giá một cách khách quan.

Trên cơ sở lý thuyết mới, các kỹ thuật hành vi ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là tại các trung tâm điều trị lưu trú ở Hoa Kỳ. Những nguyên lý như: tạo môi trường phù hợp để trẻ có những hành vi phù hợp, củng cố tích cực, được vận dụng không chỉ trong các kỹ thuật mà cả trong xây dựng, tổ chức trung tâm.

Hiệu quả của điều trị lưu trú[sửa]

Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của điều trị lưu trú còn được kéo dài sau khi trẻ ra khỏi các trung tâm và trở về gia đình. Đặc biệt điều trị lưu trú có hiệu quả tốt đối với các cá nhân có những vấn đề về hành vi, có tiền sử nghiện kéo dài hoặc hành vi phạm tội nhiều lần. Nhiều chương trình có cấu trúc được thiết kế để giải quyết nhu cầu cụ thể của trẻ em và vị thành niên. Mặc dù vậy cũng có những nhà nghiên cứu lưu ý rằng tình trạng vấn đề của trẻ trước khi vào trung tâm cũng có ảnh hưởng đến sự thành công của chương trình.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  2. Pratt C.W., Gill K.J., Barrett N.M., Roberts M.M., Psychiatric Rehabilitation, 2nd Ed., Elsevier, 2007, pp. 304 - 318.
  3. Kahn A.D., Fawcett J., The Encyclopedia of Mental Health, 3rd Ed., Fact On File, Inc., 2008, pp. 115 - 117.
  4. Bhatia M.S., Dictionary of Psychology and Allied Sciences, New Age International Publisher, 2009, pp. 354.
  5. Lloyd-Evans B., et al., Residental Alternatives to Acute Psychiatric Hospital Admission: Systematic Review, The British Journal of Psychiatry, 195, 2009, pp. 109 - 117.
  6. VandenBos G.R., (Editor in chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 26.