Điều kiện hoá tạo tác là điều kiện hoá thể hiện cơ thể phải thao tác (Operates) với môi trường để có được hiệu quả cụ thể (Specific Effect).
Lần đầu tiên điều kiện hóa thao tác hay còn được gọi là điều kiện hóa công cụ (instrumentalconditioning) được nhà tâm lý học người Mỹ B.F. Skinner mô tả. Theo Skinner (1953), có 2 dạng điều kiện hóa: điều kiện hóa đáp ứng (Respondent Conditioning) hay còn gọi là điều kiện hóa cổ điển theo Pavlov và điều kiện hóa thao tác. Trong điều kiện hóa đáp ứng/cổ điển, đáp ứng được cơ thể đưa ra nhằm đáp lại một kích thích xác định/chuyên biệt.
Mặc dù có nhiều hành vi của động vật cũng như của con người được hình thành trong điều kiện hóa đáp ứng, song theo Skinner, chủ yếu các hành vi được hình thành trong điều kiện hóa thao tác. Điều cơ bản trong điều kiện hóa thao tác là củng cố đến ngay sau đáp ứng. Cơ thể lúc đầu là phải làm một cái gì đó, sau rồi nó mới được củng cố từ phía môi trường. Đến lượt mình, củng cố làm tăng khả năng tái xuất hiện của hành vi. Điều kiện hóa thao tác làm thay đổi tần số hoặc khả năng xuất hiện của hành vi. Củng cố không phải là nguyên nhân của hành vi.
Trong điều kiện hóa thao tác có 3 yếu tố:
- A (Antecedents): môi trường hoặc hoàn cảnh trong đó hành vi diễn ra. Như ở ví dụ trên, A có thể là ở nhà, trường, sân chơi hoặc bất kỳ nơi nào diễn ra việc đó.
- B (Behavior): hành vi. Trong trường hợp này, hành vi là cười.
- C (Consequence): Hậu quả. Ở đây hậu quả là con gái cười nhiều hơn.
Củng cố: củng cố là cái ở trong môi trường. Củng cố có 2 hiệu ứng: tăng cường sức mạnh cho hành vi và là phần thưởng cho cá nhân. Củng cố và phần thưởng là hai cái khác nhau. Không phải mọi hành vi được củng cố đều đem lại cho cá nhân sự dễ chịu hoặc là phần thưởng. Ví dụ, lao động/làm việc được củng cố nhưng với nhiều người, làm việc không phải là dễ chịu, vui vẻ. Củng cố là cái ở trong môi trường, không phải là cái cá nhân cảm nhận.
Củng cố dương tính: bất kỳ một kích thích nào khi xuất hiện trong tình huống làm tăng thêm khả năng xuất hiện của hành vi đã định được gọi là tác nhân củng cố dương tính. Thức ăn, nước uống, tình dục, tiền bạc, khen ngợi của xã hội… là những tác nhân củng cố dương tính.
Củng cố âm tính: sự loại bỏ một kích thích khó chịu nào khỏi hoàn cảnh cũng làm tăng thêm khả năng xuất hiện hành vi đó. Làm giảm hoặc né tránh tiếng ồn, làm dịu hoặc xóa được cơn đói hành hạ thì những hành vi đó được củng cố. Nếu củng cố dương tính đòi hỏi sự xuất hiện kích thích thì ngược lại, củng cố âm tính nhằm loại bỏ những kích thích khó chịu.
Trừng phạt: không nên nhầm lẫn trừng phạt với củng cố âm tính. Củng cố âm tính nhằm loại bỏ hoặc giảm bớt hay né tránh kích thích khó chịu còn trừng phạt là sự hiện diện của kích thích khó chịu, dạng như điện giật; hoặc loại bỏ kích thích dương tính, ví dụ, cắt điện thoại khi con đang nói chuyện với bạn. Củng cố âm tính làm tăng cường hành vi còn trừng phạt thì không. Trừng phạt cũng không làm suy yếu hành vi. Cũng như Thorndike, Skinner cho rằng hậu quả của trừng phạt khó dự đoán hơn nhiều so với phần thưởng.
Hiệu quả của trừng phạt: kiểm soát con người cũng như động vật, bằng củng cố dương tính hoặc âm tính tốt hơn nhiều so với trừng phạt. Hiệu quả của trừng phạt không đối lập với củng cố. Khi (phức hợp) các củng cố được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ thay đổi được hành vi và sự thay đối này có thể dự đoán được. Còn đối với trừng phạt, không thể dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Trừng phạt được đưa ra nhằm ngăn cản con người làm một việc gì đó, theo một cách nào đó.
Một hiệu quả khác của trừng phạt, đó là điều kiện hóa cảm giác/cảm nhận tiêu cực (âm tính) bằng liên tưởng giữa kích thích khó chịu với hành vi bị trừng phạt. Hiệu quả thứ 3 của trừng phạt, đó là sự lan truyền. Bất kỳ một kích thích nào liên quan đến sự trừng phạt cũng đều có thể bị ức chế hoặc né tránh. Trong ví dụ của chúng ta, đó là em gái, là cha mẹ, là nơi cậu bé bị đánh v.v. Cậu bé có thể phủ nhận cảm giác thù địch đối với cha mẹ hoặc có thể né tránh sự tiếp xúc với cô em gái. Trong cả hai trường hợp đó, những hành vi của cậu bé là kém thích ứng. Hành vi không phù hợp chính là nhằm né tránh hình phạt.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hergenhahn B.R. (Người dịch: Lưu Văn Hy), Nhập môn lịch sử tâm lý học, Nxb. Thống kê, 2003, tr. 502 - 510.
- Miler P.H., Các thuyết về Tâm lý học phát triển (Lược dịch: Vũ Thị Chín), Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2003, tr. 186 - 187.
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- Ewen R.B., An Introduction to Theories of Personality 7th Edition, Taylor and Francis Group, LLC, 2010, pp. 289 - 300.
- Frances K. McSweeney F.K., Eric S. Murphy E.S., The Wiley Blackwell Handbook of Operant and Classical Conditioning, John Wiley & Sons, Ltd, 2014.
- VandenBos G.R., (Editor in chief), APA Dictionary of Psychology, American Psychological Association, 2nd Ed., Washington DC, 2015, pp. 735.