Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đau dây thần kinh toạ

Đau dây thần kinh toạ thuật ngữ y khoa mô tả tình trạng đau hoặc khó chịu liên quan với dây thần kinh tọa. Dây thần kinh này được tạo thành từ các rễ thần kinh thắt lưng cùng chạy xuống dưới, ra sau mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Đau dây thần kinh tọa có đặc điểm: cơn đau buốt hoặc bỏng rát vùng thắt lưng hông, đau lan theo đường đi của dây thần kinh xuống mông, mặt sau đùi và cẳng chấn đến bàn chân.

Mô tả[sửa]

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất và dài nhất trong cơ thể (kéo dài từ lưng dưới đến bàn chân). Dây thần kinh bắt nguồn từ các rễ tủy thắt lưng, khi tách ra khỏi tủy sống, dây thần kinh tọa đi qua giữa các đốt sống xương sống và chạy qua xương chậu, ra sau khớp háng và tiếp tục xuống mặt sau đùi, cẳng chân đến bàn chân.

Đau dây thần kinh tọa có một số nguyên nhân và cách điều trị có thể dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Trong số các nguyên nhân có thể xác định được của đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm là hay gặp nhất. Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt xương cột sống, khi đĩa đệm bị thoái hóa hoặc thoát vị do chấn thương, một phần của đĩa đệm dịch chuyển gây chèn ép các rễ thần kinh. Sự chèn ép rễ thần kinh này gây đau. Mặc dù tổn thương khu trú ở rễ thần kinh nhưng đau có thể ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi dây thần kinh tọa.

Dây thần kinh tọa cũng có thể bị chèn ép do những nguyên nhân khác. Căng cơ lưng có thể gây co thắt cơ ở phần dưới lưng, gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Các trường hợp ít gặp hơn như: nhiễm trùng, ung thư, viêm xương hoặc khác các bệnh có thể gây ra chèn ép dây thần kinh tọa. Một hội chứng hiếm gặp khác là hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp (piriformis syndrome) do cơ hình lê chèn ép thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa đi theo bờ dưới của cơ hình lê, nếu cơ này bị thương hoặc bị co thắt sẽ gây chèn ép lên dây thần kinh.

Trong nhiều trường hợp đau thần kinh tọa, không xác định được nguyên nhân cụ thể. Khoảng một nửa trong số đó có thể hồi phục trong vòng một tháng, một số trường hợp cần điều trị tích cực và thời gian hồi phục lâu hơn. Một số khác tiến triển thành đau dây thần kinh tọa mạn tính.

Nguyên nhân[sửa]

Người bệnh có thường có triệu chứng đau vùng thắt lưng, cơn đau lan xuống mông, đùi và chân theo đường đi của dây thần kinh. Nguyên nhân được xác định rõ nhất của cơn đau là do chèn ép dây thần kinh tọa. Nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép rễ thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa CSTL, hẹp ống sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân thoái hóa này có thể kết hợp với nhau. Các nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm viêm nhiễm tại vùng CSTL, tổn thương lao, chấn thương cột sống, u, viêm dây thần kinh đơn thuần do virus…

Đau dây thần kinh tọa mạn tính không chỉ do chèn ép các rễ, dây thần kinh

Một số quan điểm cho rằng tổn thương dây thần kinh dẫn đến việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và các chất trung gian hóa học làm cơn đau kéo. Ngay cả sau khi giải quyết được nguyên nhân chèn ép dây thần kinh, cơn đau vẫn có thể tiếp diễn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Triệu chứng[sửa]

Khởi phát cơn đau thần kinh tọa có thể đột ngột hoặc từ từ. Cơn đau có thể liên tục hoặc không liên tục, các hoạt động như ho, hắt hơi, hoặc ngồi, có thể gây đau tăng lên.

Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sang khác nhau: nếu tổn thương rễ L5, thường đau lan xuống mông, về phía sau ngoài đùi, phần trước ngoài cẳng chân, vượt qua trước mắt cá ngoài rồi tới mu chân, tận hết ở ngón chân cái. Trường hợp tổn thương rễ S1, đau lan xuống mặt sau của đùi, mặt sau cẳng chân, lan về phía gân Achille, tới mắt cá ngoài, tận hết ở gan chân hoặc bờ ngoài gan chân, phía các ngón chân út. Ðau thường liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi đi lại nhiều. Mức độ của cơn đau cũng khác nhau; nó có thể được mô tả như ngứa ran, bỏng rát, kim châm, đau nhức, hoặc như dao đâm. Trong trường hợp do nguyên nhân chèn ép, đau tăng lên khi ho, hắt hơi thậm chí khi rặn đại tiểu tiện.

Chẩn đoán[sửa]

Bệnh nhân được yêu cầu kể lại vị trí và tính chất của cơn đau, tiền sử tai nạn hay chấn thương vùng lưng. Để xác định đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, hội chứng cơ hình lê, căng cơ lưng hay do các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư, nhiễm trùng hoặc các trường hợp gây hẹp ống sống thắt lưng khác. Khi khám bệnh, bệnh nhân nằm ngửa tư thế duỗi chân, bác sĩ sẽ nâng dần chân của bệnh nhân lên các độ cao mục đích làm căng cơ chân để xác định vị trí và tính chất của cơn đau. Ngoài ra, cần yêu cầu bệnh nhân thực hiện các động tác xoay khớp hông, đánh giá trương lực các cơ vùng hông. Nếu cơn đau xuất hiện do những động tác này, có thể nghĩ đến hội chứng cơ hình lê. Ngoài ra cần khám để phát hiện hệ thống điểm Valleix ấn đau; dấu hiệu bấm cạnh cột sống: ấn các điểm đau cạnh sống giữa L4 - L5 – S1 bệnh nhân thấy đau lan theo rễ thần kinh dọc xuống chân; các nghiệm pháp làm căng rễ: Dấu hiệu Lasègue (+), Dấu Bonnet (+), Dấu Chavany (+), Dấu hiệu Neri (+).

Một số xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện để có chẩn đoán chính xác hơn. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (chụp CT). Các xét nghiệm điện cơ kiểm tra hoạt động điện được tạo ra khi cơ co lại, vận tốc dẫn truyền thần kinh. Trong đó, Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng có giá trị nhất trong chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, dạng tổn thương, vị trí kích thước khối thoát vị… đặc biệt phát hiện các nguyên nhân hiếm gặp khác như u, viêm nhiễm…

Điều trị[sửa]

Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị[sửa]

- Quan trọng nhất là chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây đau thần kinh tọa.

- Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

- Kết hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng trong Giảm đau và phục hồi chức năng vận động.

- Phòng ngừa các thương tật thứ phát và các biến chứng.

- Các can thiệp phẫu thuật: chỉ đặt ra khi thực sự cần thiết và phương pháp bảo tồn không có hiệu quả.

Những đợt đau dây thần kinh tọa cấp tính, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động và sử dụng thuốc giảm đau. Các thuốc giảm đau bao gồm acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như như aspirin, kết hợp với thuốc giãn cơ. Nếu cơn đau không thuyên giảm, opioid có thể được kê đơn để sử dụng ngắn hạn hoặc thuốc gây tê cục bộ sẽ được tiêm trực tiếp vào vùng thắt lưng.

Nếu cơn đau dai dẳng, các loại thuốc giảm đau khác nhau được sử dụng để tránh dùng thuốc lâu dài bao gồm NSAID, thuốc giãn cơ và opioid. Thuốc chống trầm cảm, đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị cơn đau, có thể được kê đơn cùng với thời gian ngắn hạn sử dụng thuốc giãn cơ hoặc NSAID. Tiêm thuốc tê hoặc steroid ngoài màng cứng được sử dụng trong một số trường hợp.

Sau những đợt đau cấp, vật lý trị liệu được áp dụng để điều trị lâu dài. Bao gồm các bài tập kéo giãn cột sống vùng thắt lưng. Sử dụng đai hỗ trợ cột sống có thể ngăn ngừa các đợt đau cấp liên quan đến vận động cột sống.

Nếu điều trị bảo tồn thời gian dài không hiệu quả có thể xem xét chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật thuật làm tiêu hoặc cắt bỏ một phần đĩa đệm cột sống để giải phóng chèn ép rễ thần kinh.

Biện pháp thay thế[sửa]

Xoa bóp là một hình thức trị liệu được khuyến khích, đặc biệt nếu cơn đau thần kinh tọa xuất phát do co thắt cơ. Các triệu chứng cũng có thể thuyên giảm bằng cách chườm lạnh chỗ đau ngay khi cơn đau xuất hiện. Chườm lạnh trên khu vực này trong 15–20 phút vài lần một ngày. Sau 2–3 ngày, chuyển thành chườm nóng có tác dụng giãn cơ và giảm đau. Sử dụng châm cứu và điện châm có tác dụng giảm đau, phục hồi dẫn truyền thần kinh. Các phương pháp điện trị liệu có thể đạt hiệu quả nhất định bao gồm điện xung, điện phân , dòng TENS, dòng giao thoa có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa. Phương pháp nhiệt trị liệu cũng có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ giãn mạch tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như : Hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm.

Tiên lượng[sửa]

Nhiều trường hợp đau thần kinh tọa có thể điều trị khỏi nhờ dùng thuốc và vật lý trị liệu. Sau 4-6 tuần điều trị, bệnh nhân sẽ có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, đau thần kinh tọa có thể trở thành mạn tính, cần có kế hoạch theo dõi và tái khám định kỳ hàng tháng hoặc 3 tháng để kịp thời phát hiện các biến dạng hoặc các triệu chứng bệnh nặng thêm cũng như thay đổi phương pháp điều trị thích hợp.

Phòng ngừa[sửa]

Một số nguyên nhân gây đau thần kinh tọa không thể ngăn ngừa được, chẳng hạn như thoái hóa đĩa đệm, căng cơ vùng thắt lưng do mang thai. Một số nguyên nhân khác có thể phòng tránh như bưng bê vật nặng sai tư thế, vận động quá mạnh, thừa cân, béo phì. Các thói quen hang ngày có thể gây đau dây thần kinh tọa như nằm ngủ trên nền cứng, ngồi vắt chéo chân. Ngồi nhiều cũng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh tọa, vì vậy nên nghỉ ngắn và di chuyển giữa giờ làm việc hoặc trong các chuyến đi dài. Nếu bắt buộc phải nâng vật nặng, cần đưa vật nặng đó vào sát trục dọc của cơ thể, giữ lưng thẳng và đứng trụ vững hai chân. Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là bơi lội và đi bộ, có thể tăng cường khối cơ lưng và duy trì cân nặng hợp lý.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Roth, Patrick A. The End of Back Pain. New York: HarperOne, 2014.
  2. Mayo Clinic. ‘‘Sciatica.’’ http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sciatica/basics/definition/ con-20026478 (accessed October 4, 2014).
  3. Spine-health. ‘‘What You Need to Know About Sciatica.’’ http://www.spine-health.com/conditions/sciatica/ what-you-need-know-about-sciatica (accessed October 4, 2014).
  4. WebMD. ‘‘Pain Management and Sciatica.’’ http://www. webmd.com/back-pain/guide/sciatica-symptoms (accessed October 4, 2014).
  5. Bộ Y tế, “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành phục hồi chức năng”, Hà Nội, 2014.
  6. Nguyễn Văn Chương, “Thực hành lâm sàng thần kinh học”, Nhà xuất bản Y học, 2012.
  7. Lê Quang Cường, “Triệu chức học thần kinh”, Nhà xuất bản Y học, 2010.