Mục từ này cần được bình duyệt
Đa nguyên tôn giáo

(religious pluralism)

Xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XX cùng với xu thế toàn cầu hóa của thế giới, là một lý thuyết cơ bản bàn về các mối quan hệ hài hòa giữa các tôn giáo khác nhau. Đa nguyên tôn giáo là một vấn đề quan trọng trong đời sống tôn giáo đương đại ở ba cấp độ: Cấp độ tôn giáo, cấp độ xã hội và cấp độ thể chế.

Ở cấp độ tôn giáo, các tôn giáo phải chấp nhận sự tồn tại cùng lúc nhiều hình thức tôn giáo và hướng đến sự hài hòa giữa các tôn giáo. Đa nguyên tôn giáo đề cao đối thoại để đạt tới sự đồng thuận. Những năm gần đây, đối thoại giữa các tôn giáo (religion interface) đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và đối thoại tôn giáo thực sự mang lại sự hiểu biết, đồng thuận giữa các tôn giáo. Nhiều tổ chức liên tôn được hình thành không chỉ giúp các tôn giáo tăng cường hiểu biết mà còn hướng các tôn giáo vào các hoạt động chung giải quyết các vấn đề xã hội như hòa bình, xung đột và tự do tôn giáo. Trong bản thân mỗi tôn giáo, các tôn giáo phải chấp nhận và đối mặt với sự phân chia thành nhiều nhánh phái khác nhau. Bên cạnh đó, trong xu thế đa nguyên tôn giáo, các hiện tượng tôn giáo mới phát triển mạnh mẽ. Cấu trúc địa tôn giáo thay đổi, bản thân các tôn giáo đứng trước thực tế tái cấu trúc hệ thống tôn giáo của mình.

Ở cấp độ xã hội, đa nguyên tôn giáo đòi hỏi có nhận thức mới về vấn đề tôn giáo và chính trị, tôn giáo và văn hóa. đa nguyên tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đặt ra những thách thức lớn về văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc. Trong xu thế đa nguyên, sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo thế giới có ảnh hưởng đến tín ngưỡng truyền thống, đến bản sắc văn hóa truyền thống như văn hóa cồng chiêng - loại hình văn hóa gắn với tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ở cấp độ thể chế, đa nguyên tôn giáo mà hệ quả của nó là tái cấu hình đời sống tôn giáo, đặt ra nhiều vấn đề mới về quan hệ tôn giáo và Nhà nước. Từ đó, nó đòi hỏi những cải cách về chính sách tôn giáo. Trong xu thế đa nguyên, Nhà nước không thể bỏ qua các tôn giáo nhóm nhỏ. Thực tế cho thấy, thời gian qua, hiện tượng tôn giáo mới phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Thế nào là đa nguyên tôn giáo?

Khái niệm đa nguyên tôn giáo thường đi kèm với khái niệm đa dạng tôn giáo và tính thích nghi của tôn giáo. Theo nghĩa rộng, đa nguyên tôn giáo phản ánh ý tưởng các thành viên với các nền tảng tôn giáo khác nhau có thể thực hành và phát triển niềm tin truyền thống của mình giữa những người chống lại nó trong một môi trường bình thường. Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tồn tại một cái khác. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Lý luận về đa nguyên được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xuất phát từ tôn giáo và gắn với tôn giáo.

Diana L. Eck cho rằng, sự đa dạng văn hóa và tôn giáo là đặc điểm cơ bản của mọi khu vực trên thế giới. đa nguyên tôn giáo không phải mới đây mới có, tuy nhiên chỉ với xã hội hiện đại, vấn đề đa nguyên tôn giáo thực sự được đặt ra. đa nguyên tôn giáo là hiện tượng mang tính phổ quát, là đặc điểm chung của tôn giáo các quốc gia trên thế giới. Vấn đề đa nguyên tôn giáo là một trong những vấn đề quan trọng của tôn giáo toàn cầu trong điều kiện xã hội hiện đại.

Đa nguyên tôn giáo là gì là vấn đề được tranh luận sôi nổi giữa các nhà xã hội học và tôn giáo học từ nhiều năm nay. Có nhiều cách nhìn khác nhau về khái niệm đa nguyên tôn giáo. Một số học giả cho rằng, mỗi cách nhìn về đa nguyên tôn giáo phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của nhóm tôn giáo đó và phụ thuộc vào khái niệm “tôn giáo” của các cá nhân. Như Massanari (1998) cho rằng, nếu khái niệm “tôn giáo” liên quan đến nhóm Kitô giáo thì khái niệm đa nguyên được cho là liên quan đến những nhóm tôn giáo đi theo học thuyết Kitô giáo. Tuy nhiên, nếu “tôn giáo” liên quan đến sự tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của linh hồn thì đa nguyên vượt qua khả năng bất kỳ nhóm tôn giáo cụ thể nào. Và khi đó, khái niệm đa nguyên cần được hiểu theo một nghĩa rộng hơn. Với nỗ lực giải thích các phản ứng khác nhau và đôi khi đấu tranh với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, Massanari (1998) đã phân loại các quan điểm khác nhau thành ba loại: độc quyền, khoan dung và phụ thuộc lẫn nhau.

Quan niệm của John Hick về đa nguyên tôn giáo là các tôn giáo lớn trên thế giới đều đúng sự thật và bình đẳng cứu độ bất chấp sự thật về các xung đột, các hoạt động đa dạng và sự tự nhận biết của họ. Để hỗ trợ quan điểm đa nguyên của mình, John Hick đã phát triển lý thuyết triết học tìm kiếm sự biện minh và giải thích các tôn giáo lớn trên thế giới cho tất cả các câu trả lời đích thực của con người về một thực tại siêu việt vượt ra ngoài tư tưởng con người có bản chất là không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. John Hick gọi điều này là thực tại siêu việt. John Hick cho rằng các khái niệm về Thiên Chúa hay thực tại cuối cùng được mỗi tôn giáo lớn trên thế giới chấp nhận là biểu hiện xác thực của thực tại. Chân lý của các tôn giáo chính là chứng minh tính hợp lý (logic) và có đạo đức, bởi tình yêu và lòng từ bi có trong mọi truyền thống tôn giáo.

Để xem xét vấn đề đa nguyên tôn giáo (religious pluralism), John Hick đưa ra định nghĩa làm việc về tôn giáo, theo đó, tôn giáo là một sự hiểu biết về vũ trụ, cùng với cách thức thích hợp để sống bên trong nó, trong đó bao gồm việc tham khảo bên ngoài thế giới tự nhiên với Thiên Chúa hay các thần linh hay thực tại tối hậu hoặc một quá trình siêu việt. Một định nghĩa như vậy bao gồm các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Kitô giáo, Islam giáo, Đạo Sikh; Ấn Độ giáo hữu thần; tôn giáo bán vô thần của Phật giáo Đại thừa và tín giáo vô thần của Phật giáo nguyên thủy và vô thần Ấn Độ giáo.

John Hick ủng hộ quan điểm cho rằng các tôn giáo lớn trên thế giới đều đúng sự thật và bình đẳng cứu độ bất chấp sự thật về các xung đột, các hoạt động đa nguyên và sự tự nhận biết của họ. Để hỗ trợ quan điểm đa nguyên của mình, John Hick đã phát triển lý thuyết triết học tìm kiếm sự biện minh và giải thích các tôn giáo lớn trên thế giới cho tất cả các câu trả lời đích thực của con người về một thực tại siêu việt vượt ra ngoài tư tưởng con người có bản chất là không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. John Hick gọi điều này là thực tại siêu việt. John Hick cho rằng các khái niệm về Thiên Chúa hay thực tại cuối cùng được mỗi tôn giáo lớn trên thế giới chấp nhận là biểu hiện xác thực của thực tại. Chân lý của các tôn giáo chính là chứng minh tính hợp lý (logic) và có đạo đức, bởi tình yêu và lòng từ bi có trong mọi truyền thống tôn giáo.

Để xem xét vấn đề đa nguyên tôn giáo, John Hick đưa ra định nghĩa làm việc về tôn giáo, theo đó, tôn giáo là một sự hiểu biết về vũ trụ, cùng với cách thức thích hợp để sống bên trong nó, trong đó bao gồm việc tham khảo bên ngoài thế giới tự nhiên với Thiên Chúa hay các thần linh hay thực tại tối hậu hoặc một quá trình siêu việt. Một định nghĩa như vậy bao gồm các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Kitô giáo, Islam giáo, Đạo Sikh; Ấn Độ giáo hữu thần; tôn giáo bán vô thần của Phật giáo Đại thừa và tín giáo vô thần của Phật giáo nguyên thủy và vô thần Ấn Độ giáo (John Hick).

Trong quan điểm về tôn giáo của John Hick, đa nguyên và bản tính tự nhiên của tôn giáo. Tôn giáo ngay từ khi ra đời đã ẩn chứa trong nó những yếu tố của sự đa nguyên. Ông cho rằng thời điểm khởi đầu hình thành tôn giáo thể hiện tính bình đẳng giữa các tôn giáo thông qua sự mặc khải của một đấng tối cao (Thiên Chúa) tại những thời điểm khác nhau, cho những con người cụ thể khác nhau. Do vậy, không thể tồn tại một tôn giáo đứng trên các tôn giáo khác; cũng như không có một tôn giáo được coi là đích thực trong khi các tôn giáo khác thì không. Bởi thế, các tôn giáo là bình đẳng và cần có sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.

Một số đặc điểm của đa nguyên tôn giáo tại Việt Nam hiện nay:

Đa nguyên tôn giáo Việt Nam là một tiến trình phát triển trong sự hình thành, phát triển của quốc gia:

Việt Nam là đất nước đa tộc người và đa tôn giáo. Các yếu tố đa nguyên tôn giáo biểu hiện trong nhiều chiều cạnh khác nhau của các loại hình tôn giáo Việt Nam. Từ xa xưa, đời sống tín ngưỡng người Việt nam đã thể hiện vô cùng phong phú và đa dạng. Tục thờ thần, thờ thánh của người Việt đã thể hiện rõ bản chất tín ngưỡng đa thần bản địa.Phật giáo khi vào Việt Nam hội nhập cùng tín ngưỡng nông nghiệp bản địa hình thành hệ thống tứ pháp Phật. Đây cũng là dấu ấn của sự kết hợp giữa tín ngưỡng truyền thống bản địa với các tín ngưỡng, tôn giáo sau này. Với hệ thống nhân thần, người Việt có tục thờ thành hoàng làng. Đan xen trong tục thờ thành hoàng là những dấu ấn của tín ngưỡng thờ thần tự nhiên hay phồn thực thể hiện rõ nét trong những hoạt động lễ hội như tùng dí, bắt trạch trong chum, ông đùm bà đà hay tục tắt đèn…

Đa nguyên tôn giáo Việt Nam cũng phản ánh sâu sắc tiến trình phát triển dân tộc. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại những dấu ấn tôn giáo đặc trưng. Các tôn giáo phát triển sau này đều có sự tiếp thu, hòa nhập với tôn giáo trước đó. Những biến cố lịch sử lớn của thế giới và Việt Nam đã kéo theo sự gia nhập của nhiều tộc người và tôn giáo vào Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình. Riêng về tôn giáo ngoại nhập, chúng ta thấy: Một nghìn năm Bắc thuộc của người Việt đi liền với sự du nhập của Phật giáo, Đạo giáo, Ấn giáo và Khổng giáo. Cùng thời gian đó, Phật giáo và Ấn giáo du nhập vào người Chăm và Khmer. Đến thế kỷ XIX, Công giáo bắt đầu xuất hiện theo đường giao lưu kinh tế vùng biển và cửa sông. Islam giáo qua người Indonexia và Malaixia vào Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, Tin Lành vào Việt Nam, nhưng không được hoan nghênh và bị chính quyền Pháp ngăn cản. Từ 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước và đổi mới về chính sách tôn giáo, Tin Lành đã phát triển trở lại đặc biệt tại các tộc người miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong quá trình hội nhập kinh tế, một số nhánh phái tôn giáo theo chân các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Tin Lành Hàn Quốc, một số hiện tượng tôn giáo mới.

Đời sống tôn giáo Việt Nam từ xưa đến nay đều rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Hiện nay, với sự đổi mới quan điểm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, kèm theo đó là sự thay đổi đường lối chính sách tôn giáo, tôn giáo Việt Nam ngày càng có điều kiện thuận lợi để phát triển. Hiện đã có 13 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận tư cách pháp nhân. Theo số liệu cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 thì toàn Việt Nam có 14718971 người xác nhận mình theo một tôn giáo nào đó.

Đa nguyên là hiện tượng mang tính phổ quát đối với tôn giáo Việt Nam hiện nay

Đa dạng tôn giáo là một trong những đặc trưng cơ bản, là một hiện tượng mang tính phổ quát của tôn giáo Việt Nam. Nhìn lại lịch sử phát triển của tôn giáo Việt Nam, chúng ta thấy rằng tôn giáo Việt Nam có tính hỗn dung cao. Sự hỗn dung là tiền đề cơ bản để tạo nên tính đa dạng. Hỗn dung tôn giáo hiểu một cách chung nhất là sự pha trộn của hai hay nhiều hệ thống tín ngưỡng với nhau trong cùng một hệ thống tín ngưỡng.

Đây là vấn đề mang tính quy luật khách quan luôn xảy ra khi có nhiều tôn giáo tín ngưỡng cùng tồn tại trong cùng một nền văn hoá. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình về hỗn dung tôn giáo. Những yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hoá, dân tộc đã tạo điều kiện cho nơi đây trở thành một quốc gia đa tôn giáo tín ngưỡng.

Mặt khác, hỗn dung tôn giáo còn được nhìn nhận từ góc độ bản thân một tôn giáo nào khi du nhập vào Việt Nam cũng đều có xu hướng tránh xung đột tín ngưỡng bản địa, kết hợp với tín ngưỡng bản địa một cách có chủ đích để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình. Do đó ở Việt Nam, hỗn dung tôn giáo không chỉ là một hiện tượng xảy ra trong quá trình tiếp biến, giao lưu văn hoá mà còn là giải pháp hữu hiệu cho các tôn giáo hội nhập và phát huy tầm ảnh hưởng của mình.

Khi du nhập vào Việt Nam dù bằng con đường hoà bình hay dưới dạng áp đặt thì tất cả các tôn giáo đều mong muốn loại bỏ tôn giáo bản địa, đặc biệt là những tập quán truyền thống. Tuy nhiên, không một tôn giáo nào có đủ sức mạnh để thực hiện được tham vọng này. Mà ngược lại, các tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam nếu muốn tồn tại và phát triển đều phải tìm cách bản địa hoá để phù hợp với tâm thức tôn giáo đa thần, có tính phiếm thần của cư dân nông nghiệp. Thêm vào đó, tính cách hoà bình, khoan dung của người Việt đối với hệ thống tôn giáo khác nhau đã tạo nên một sự cộng sinh, cùng tồn tại của các tín ngưỡng. Đây chính là cơ sở quan trọng hình thành nên hiện tượng hỗn dung tôn giáo tại Việt Nam.

Hỗn dung tôn giáo không phải là một sự thắng thế của hệ thống tín ngưỡng bản địa hay sự thắng thế của bất kỳ tôn giáo nào cả, hiện tượng này chỉ đơn thuần là một giải pháp hiệu quả để các tôn giáo cùng chung sống hoà bình. Đây cũng chính là một biểu hiện của quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá như một xu hướng chung trong thời đại ngày nay.

Đa nguyên tôn giáo Việt nam mang dấu ấn của các dòng di cư

Tôn giáo Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của quá trình di dân. Di dân không phải là một hiện tượng mới xuất hiện mà di cư là vấn đề mang tính lịch sử. Di cư kéo theo sự biến đổi của cơ cấu tôn giáo. Di cư tạo nên tính đa dạng tôn giáo và tạo nên dấu ấn địa chính trị, địa văn hóa tôn giáo. Lịch sử tôn giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình di cư. Dòng di cư từ phương Bắc vào Việt Nam đem đến Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo cùng với nó là tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Đồng thời, Phật giáo cũng theo chân các thương nhân Ấn Độ vào Việt Nam từ rất sớm để kết hợp với tôn giáo bản địa Việt Nam mà hình thành hệ thống Tứ Pháp.

Di cư trong nước cũng là một trong những yếu tố làm tôn giáo lan tỏa từ vùng này sang vùng khác là là một tác nhân chính tạo nên bản sắc địa văn hóa, địa chính trị cho tôn giáo Việt Nam. Nhiều cuộc di cư tôn giáo gắn với bối cảnh chính trị xã hội như cuộc di cư của Công giáo vào Đồng Nai. Sau này một làn sóng di cư lớn của người Công giáo vào Nam bộ diễn ra vào giai đoạn 1954-1959. Theo kết quả của hiệp định Genever, những người Công giáo miền Bắc di cư vào Nam tái định cư đã hình thành một cộng đồng có bản sắc riêng. Những cộng đồng Công giáo này thường tái tạo các hình mẫu tổ chức vốn đặc trưng cho các cộng đồng làng xã của họ ở miền Bắc. Gia Kiệm, một làng nằm trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt đã được cha Lê Hữu Từ chọn làm nơi tái định cư cho hàng ngàn giáo dân từ Phát Diệm vào. Tên của những xứ đạo được thành lập ở đây gợi nhớ đến nguồn gốc xứ Bắc của họ như Phát Hội, Thanh Sơn, Ninh Phát, Kim Thượng, Thanh Sơn... Những người Công giáo di cư gắn bó với nhau không chỉ vì cùng chung tín ngưỡng mà còn vì gốc gác của mình. Cuộc di cư tôn giáo này hàm chứa những yếu tố chính trị. Việc người Công giáo di cư vào Nam là nằm trong mưu đồ chính trị của Ngô Đình Diệm. Họ di cư vào vùng đất mà người Công giáo là Ngô Đình Diệm đứng đầu. Theo Peter Hansen (2010), "Việc tái định cư của những người di cư này và sự hòa nhập của họ vào xã hội miền Nam trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách mà chính quyền Ngô Đình Diệm phải đương đầu, trong những năm tháng cầm quyền đầu tiên. Cuộc di chuyển ồ ạt của những người miền Bắc được miền Nam biết đến như là Cuộc Di cư Vĩ đại (Great Transmigration), và những người di cư được gọi là Bắc di cư Năm mươi tư (Northern Refugees from Fifty-four) hay là Bắc di cư". Địa vị chính trị và xã hội của những người Bắc di cư này chủ yếu dựa vào quan hệ của họ với chính quyền Ngô Đình Diệm. Việc người Công giáo miền Bắc di cư có mặt quá đông trong trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và bộ máy dân sự chưa kể đến những người thân cận trong nội các Ngô Đình Diệm, hầu như luôn luôn là một chủ đề chính trong mọi cuộc thảo luận về vai trò của người Bắc di cư ở miền Nam sau 1954.

Di cư đặt ra nhiều thách thức cho Giáo hội miền Nam về việc đồng hóa một tập đoàn giáo dân còn lớn hơn bản thân giáo hội miền Nam. Vào thời gian Hiệp định Geneva 1954, có khoảng 1.900.000 tín đồ Công giáo ở Việt Nam, trong đó chỉ có 520.000. chiếm 27,4 % sống trong hai tỉnh của giáo hội miền Nam là Sài Gòn và Huế. Ngược lại, vào thời kỳ cuối của cuộc Bắc di cư, các tỉnh này là nơi sinh sống của gần 1.700.000 dân Công giáo Việt Nam chiếm tới 61,6% (Peter Hanse 2010). Cuộc di cư từ Bắc vào Nam này không chỉ có người Công giáo mà còn có Phật giáo, Tin lành. Cụ thể có 676.348 người Công giáo (76,3% tổng số người di cư), 209.132 Phật giáo (23.5 %), và 1041 Tin Lành (0,2 %). Như vậy, làn sóng di cư này đã tạo nên sự đa nguyên tôn giáo cho vùng đất Nam bộ.

Cuộc di cư của người Hoa vào các vùng miền Việt Nam cũng góp phần hình thành bản sắc đa nguyên cho tôn giáo Việt Nam. Người Hoa đến Việt Nam mang theo tôn giáo của mình. Nhiều yếu tố tôn giáo người Hoa được cộng đồng các dân tộc tiếp nhận trong đó có thờ cúng tổ tiên, thờ thần tài, thờ Táo quân... Tôn giáo truyền thống mang bản sắc người Hoa như thờ Thiên Hậu, thờ Quan Công hiện cũng được nhiều người các cộng đồng dân tộc khác chủ yếu là người Kinh tin theo.

Di cư hiện nay cũng tạo nên sự biến đổi địa tôn giáo. Tiêu biểu nhất là di cư Tây Nguyên. Như phần trên đã trình bày, Tây Nguyên hiện là địa bàn có tỷ lệ người nhập cư cao. Lịch sử di dân đối với Tây Nguyên bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 18, một số người Kinh theo chân nhà Tây Sơn lên vùng An Khê xây dựng “Tây sơn Thượng đại”, dấy binh đánh quân xâm lược nhà Thanh. Vào nửa cuối thế kỷ 19 có một số người Kinh nữa lên vùng Kon Tum sau khi các linh mục Pháp tìm được cơ sở truyền đạo Thiên chúa giáo. Từ đó dần dần người Kinh lên Tây Nguyên sinh sống ngày càng đông. Nhất là sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975), với chủ trương phân phối lao động trong cả nước, người Kinh và một số dân tộc khác trong cả nước lần lượt lên Tây Nguyên với số lượng lớn. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, họ ồ ạt lên lập nghiệp ngày càng đông, làm cho cơ cấu dân cư ở Tây Nguyên ngày càng phức tạp, với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Các dân tộc bản địa từ chỗ là cư dân chính, làm chủ núi rừng, nay chỉ còn là một bộ phận nhỏ trong dân số địa phương và khu vực.

Người nhập cư đến Tây Nguyên mang theo nhiều loại hình tôn giáo và làm biến đổi cơ cấu tôn giáo Tây Nguyên. Tôn giáo Tây Nguyên có sự hiện diện của Công giáo, Tin lành, Phật giáo Cao Đài và một số lượng nhỏ các tôn giáo khác. Hiện nay có khoảng gần 40% dân số Tây Nguyên đang theo các tôn giáo khác nhau, đông nhất là Công giáo, sau đó đến Phật giáo, Tin lành và cuối cùng là Đạo Cao Đài. Đạo Baha’I, Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo thì số lượng tín đồ không đáng kể. Có điểm đáng lưu ý là, số lượng tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên là 410.578, chiếm hơn 40% tín đồ Tin lành của cả nước; trong số này thì có 387.140 tín đồ là người dân tộc thiểu số, chiếm 94%. Trong tổng số 2.764 buôn làng ở Tây Nguyên thì có tới 1.450 buôn làng theo Đạo Tin lành, tức là chiếm khoảng 50%. Toàn vùng Tây Nguyên hiện nay có khoảng 1.851.875 tín đồ các tôn giáo. Vấn đề đặt ra và cũng là thách thức của di cư có yếu tố tôn giáo vào Tây nguyên là tôn giáo truyền vào Tây Nguyên đã phá vỡ kết cấu xã hội truyền thống hình thành các cộng đồng dân tộc-tôn giáo, tộc người - tôn giáo. Hệ thống cộng đồng này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội Tây Nguyên.

Các dòng di cư nông thôn đô thị và sự hình thành hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay cũng là một nhân tố tạo nên đa nguyên tôn giáo. Thực tế cho thấy, người di cư thường mang theo truyền thống tôn giáo của mình tới nơi nhập cư. Tuy nhiên, tác động của dòng di cư nông thôn đô thị tới quá trình ĐNTG không mạnh mẽ.

Ngược lại, sự hình thành hệ thống các khu công nghiệp hiện nay lại là một trong những nhân tố tạo nên đa dạng tôn giáo. Nếu trước đây, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo và Tin lành theo chân các thương nhân nước ngoài để truyền vào Việt Nam thì ngày nay rất nhiều tôn giáo, truyền thống tôn giáo theo chân các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hình thành nhánh phái tôn giáo mới tại các khu công nghiệp nơi họ sinh sống và làm việc. Tin lành Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều của Tin lành Hàn Quốc cũng chính từ yếu tố các nhà đầu tư Hàn Quốc khi vào Việt Nam đã mang theo tôn giáo của mình. Tại Việt Nam họ vẫn lưu giữ nếp sinh hoạt tôn giáo truyền thống. Tại nhiều khu công nghiệp, do ảnh hưởng của người chủ là người nước ngoài theo tôn giáo, nhiều công nhân người Việt dần trở thành tín đồ của tôn giáo đó. Bằng cách như vậy, tôn giáo của các nhà đầu tư dần lan toả trong xã hội Việt Nam. Một số hiện tượng tôn giáo mới cũng bằng cách này mà xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.

Đa nguyên tôn giáo tạo điều kiện thuận lợi cho các hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh và phát triển

Hiện tượng tôn giáo mới (new religion movement) là một hiện tượng chung của tôn giáo thế giới xuất hiện từ những cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sự xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới gắn liền với tiến trình thế tục hoá và ĐNTG. Bách khoa thư về Tôn giáo và xã hội (Encylopedia of religion and society) cho rằng thuật ngữ phong trào tôn giáo mới (new religion movements NRM, đôi khi được gọi phong trào thay thế tôn giáo , phong trào tôn giáo bên lề, hoặc giáo phái ) xác định sự phân ranh giới một cách quan trọng nhưng đầy khó khăn của tôn giáo. Mặc dù một số hiện tượng tôn giáo mới thực sự có nguồn gốc gần đây, nhiều hiện tượng khác lại được cấu thành từ những yếu tố của tôn giáo đương đại hoặc hoà trộn các chủ đề văn hóa của những tôn giáo đã có. Tương tự như vậy , nhiều hiện tượng tôn giáo mới không phải là tôn giáo theo nghĩa truyền thống . Các nhân tố hiện đại như đổi mới công nghệ , điều trị và y học, kinh tế doanh nghiệp và tổ chức toàn cầu đã tạo ra một số hiện tượng tôn giáo mới một cách rõ ràng mang tính bất thường. Trái ngược với phong trào tôn giáo trong thời kỳ trước, hiện tượng tôn giáo mới đương đại có khả năng đưa ra quyết định có ý thức về việc xác định và thể hiện mình như tôn giáo và mong muốn tìm kiếm giải pháp hành chính / pháp lý chính thống như tổ chức tôn giáo . Cuối cùng, một số lượng lớn các hiện tượng tôn giáo mới là sự cấy ghép văn hóa, hầu hết là những hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc châu Á, mới trong ý nghĩa duy nhất chưa từng được biết đến tại phương Tây. Nhóm như vậy biểu hiện đặc điểm phong trào xã hội trong xã hội nó đang tồn tại nhưng có thể chỉ là một hình thức tổ chức trong xã hội nó khởi nguồn (nguồn gốc).

Bối cảnh tôn giáo mới tại Việt Nam hiện nay nằm trong bối cảnh chung của tôn giáo thế giới. Tôn giáo trong quá trình biến chuyển đã xuất hiện những nhóm phái mới mang tính chất tôn giáo, có thể xuất phát từ các tôn giáo chủ lưu đã có, hoặc chống lại các tôn giáo đó, hoặc chỉ đơn thuần theo đuổi một mục đích bên ngoài Đấng Sáng thế. Vào cuối thế kỷ XX, nhất là từ khi nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chuyển từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước đã xuất hiện những “hiện tượng tôn giáo mới”. Những năm gần đây, hiện tượng tôn giáo mới tuy không phải là bùng phát, hay nở rộ nhưng tiếp tục có sự phát triển trên toàn quốc. Sự phát triển của các hiện tượng tôn giáo mới ít nhiều có ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo chung.

Nếu xét tiêu chí hiện tượng tôn giáo mới theo hai đặc điểm: thứ nhất, có nguồn gốc từ một tôn giáo, tín ngưỡng đã tồn tại; và thứ hai là cần phải có sự khác biệt với tôn giáo, tín ngưỡng đã tồn tại đó; thì hiện tượng tôn giáo mới tại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã có sự bùng phát. Có những “tôn giáo mới” sau nhiều năm ngừng hoạt động nay xuất hiện trở lại, một số khác được truyền từ nước ngoài vào Việt Nam. Việc phân loại tôn giáo mới cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, về cơ bản tôn giáo mới được chia thành 5 loại. Thứ nhất, loại từ nước ngoài mới nhập vào Việt Nam. Thứ hai, loại gần với các tôn giáo thế giới như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Thứ ba, loại gần với tín ngưỡng dân gian. Thứ tư, loại cực đoan trong hành vi hành đạo. Thứ năm, loại chưa xác định được.

Tín đồ các hiện tượng tôn giáo mới tự bản thân phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội. Xã hội không chấp nhận nhu cầu tín ngưỡng của họ và nhiều trường hợp gặp phải sự ngăn cản mạnh mẽ từ phía gia đình. Việc các cá nhân chấp nhận trở thành tín đồ của các hiện tượng tôn giáo mới bất chấp những áp lực xã hội cho thấy các hiện tượng tôn giáo mới đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân.

Các nhà nghiên cứu tôn giáo tại Việt Nam đều có nhận định chung rằng tín đồ của các hiện tượng tôn giáo mới chủ yếu thuộc thành phần “dễ bị tổn thương” trong xã hội mà đa phần là phụ nữ có cuộc sống khó khăn trước những biến đổi nhanh chóng và tác động nhiều mặt trong đời sống thực tại. Đó là bộ phận dân nghèo ở nông thôn và thành thị, có một số là cán bộ nghỉ hưu hoặc công chức nhà nước…. Những người này đa số là tín đồ của các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống mong tìm đến với hiện tượng tôn giáo mới nhằm thoả mãn một nhu cầu cá nhân thực tại mà các tôn giáo truyền thống đã không đáp ứng trong một xã hội mà nhu cầu cá nhân được đề cao và xu hướng hưởng thụ đang ngày càng được khẳng định.

Nhìn chung, các hiện tượng tôn giáo mới đều tồn tại dưới dạng các nhóm nhỏ, có khoảng vài chục, vài trăm, nhiều lắm là vài chục nghìn tín đồ. Những người theo hiện tượng tôn giáo mới hy vọng khắc phục được những hẫng hụt trong cuộc sống đời thường và đa số họ cũng thuộc tầng lớp tín đồ của các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Tồn tại dưới hình thức là các nhóm nhỏ nên tổ chức của các hiện tượng tôn giáo mới đơn giản, phương thức hoạt động linh hoạt, các nghi thức hành đạo dễ thực hiện. Điều này là phù hợp với nhóm đối tượng có trình độ dân trí thấp, mức thu nhập không cao.

Một nguyên nhân khác cần tính đến để lý giải cho sự đáp ứng nhu cầu tâm linh cho các đối tượng nêu trên của hiện tượng tôn giáo mới là sự tha hoá của các tôn giáo chính thống. Tôn giáo Việt Nam hồi sinh trở lại trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của kinh tế thị trường với nhiều yếu tố là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo tại Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố tích cực, kinh tế thị trường cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tôn giáo. Sự bùng phát nhu cầu tôn giáo của một bộ phận quần chúng nhân dân sau bao năm chìm lắng thúc đẩy sự phát triển hoạt động tôn giáo trên nhiều lĩnh vực. Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thể phủ nhận rằng trong thời gian qua, một cách tổng quát, các tôn giáo đã đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển lành mạnh của các tôn giáo, một số yếu tố không lành mạnh cũng nảy sinh và khiến một bộ phận tín đồ dần chối bỏ các tôn giáo chính thống. Những yếu tố của kinh tế thị trường được chuyển tải vào tôn giáo và làm sói mòn đạo đức của một bộ phận những người hoạt động tôn giáo. Giá trị chân chính của tôn giáo, giáo lý tôn giáo vẫn được bảo lưu nhưng cách hành xử của một bộ phận những người hoạt động tôn giáo làm biến đổi giá trị đích thực của tôn giáo. Xu thế những người hoạt động tôn giáo chạy theo đồng tiền là có thực. Nhiều hoạt động tôn giáo bị thương mại hoá, đặc biệt là hệ thống dịch vụ nghi lễ dành cho tín đồ (hay dịch vụ nghi lễ theo yêu cầu của tín đồ). Trong bối cảnh yếu tố cá thể được đề cao, việc thương mại hoá dịch vụ nghi lễ một mặt mang lại nguồn lợi lớn cho tổ chức tôn giáo và những người hoạt động tôn giáo nhưng mặt khác làm suy giảm niềm tin tôn giáo. Cho dù bộ phận chức sắc tôn giáo chạy theo đồng tiền không nhiều nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín các tôn giáo. Đây cũng là nguyên nhân để bộ phận người dân có mức thu nhập thấp trong xã hội tự thấy mình không đủ điều kiện tham gia vào dịch vụ tôn giáo của các tôn giáo chính thống. Những người này đi tìm một hình thức tôn giáo mới để thoả mãn nhu cầu tâm linh của mình. Hiện tượng tôn giáo mới với những yếu tố đơn giản về nghi lễ, hình thức thờ cúng đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho hoạt động tôn giáo là sự lựa chọn phù hợp cho nhóm đối tượng này. Sự mất niềm tin vào chức sắc tôn giáo cũng là một nhân tố để tín đồ trước đây của các tôn giáo đó đi tìm một tôn giáo hướng tới cá nhân. Như vậy, trong một phạm vi nhất định, sự ra đời của hiện tượng tôn giáo mới là mang tính tất yếu đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân trong xã hội.

Sự ra đời của hiện tượng tôn giáo mới mang tính tất yếu. Trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo trên bình diện toàn cầu, Việt Nam không thể chối bỏ hiện tượng tôn giáo mới. Hiện tượng tôn giáo mới đem lại nhiều xáo trộn cho đời sống tôn giáo cũng như đời sống xã hội. Sự hình thành và phát triển của các hiện tượng tôn giáo mới làm thay đổi đời sống tôn giáo. Các hiện tượng tôn giáo mới đang góp phần làm phong phú, đa dạng cho bức tranh tôn giáo Việt Nam vốn đã đa dạng và phong phú hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. L. Samian, Pluralism and the study of religion a comparative perspective, Thư viện điện tử global.net.

2. Ban Tôn giáo Chính phủ, Khảo sát thực trạng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay, những giải pháp và kiến nghị, 2008

3. Basil Blackwell; Steve Bruce, 1996, Religion in the Modern World: From Cathedrals to Cults, Nhà Xuất bản Oxford University, Oxford

4. R. Bhandari, Religious pluralism and tolerance: essential and peripheral concepts, Thư viện điện tử global.net.

5. Diana L. Eck, From diversity to pluralism, Reprinted by permission from On Common Ground: World Religions in America, published by Columbia University Press (1-800-944-8648), Revised 2006

6. Đỗ Quang Hưng, (2012), Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý, Nghiên cứu tôn giáo, số 6 - 2012.

7. John Hick, Religious pluralism and Salvation trong The Philosophical challenge of Religious Diversity, Philip L. Quinn và Kevin Meeker biên tập, Nhà Xuất bản Oxford University, 2000.

8. JohnHick, Problems of Religious Pluralism, Nhà Xu of Religious Pluralism biên tập, Nhà Xuất bản Oxford Universit

9. Lưu Tố Dân (2005), Khoan dung: tiền đề của tự do tôn giáo và đối thoại tôn giáo, tạp chí “Động thái Triết học” số tháng 11/2005.