Mục từ này cần được bình duyệt
Đa canh

(multi- cropping)

phương thức trồng trọt nhiều loại cây trồng (ngô, khoai, sắn, lúa,...) trên một diện tích đất đai hay canh tác một loại cây trồng với nhiều loại giống khác nhau (lúa nếp, tẻ, ngắn ngày, dài ngày,...) trong một mùa vụ. Đây là hình thức canh tác phổ biến ở các cư dân làm nương rẫy vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam cũng như ở nhiều tộc người vùng Đông Nam Á cho đến tận ngày nay.

Phương thức canh tác ĐC có lịch sử gắn với sự ra đời và phát triển của nền văn minh trồng trọt của loài người. Sau khi loài người chuyển từ săn bắn hái lượm sang trồng trọt cách đây hàng ngàn năm, để sinh tồn, con người đã bắt chước sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên xung quanh họ; họ đã lựa chọn, lưu giữ các loại giống đặc hữu khác nhau phù hợp với tiểu môi trường tự nhiên đa dạng và phong phú nhưng cũng đầy thách thức xung quanh.

ĐC là một trong những dàn xếp kỹ thuật quan trọng, là một trong những biểu hiện rõ nhất của hệ tri thức bản địa giàu có của các tộc người về đặc điểm tiểu sinh thái đặc trưng mà các tộc người sinh tồn và phát triển cũng như hệ tri thức về các giống cây trồng. ĐC không chỉ đảm bảo an ninh lương thực và đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho cuộc sống tự cấp tự túc, mà còn có vai trò bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường. Thông thường, trên một mảnh nương, ngoài loại cây trồng chính là lúa hay ngô, người dân còn trồng hàng chục loại rau, củ quả như đậu, bí, ớt, khoai môn, đu đủ, các loại cây thuốc nam,... Trên một đám rẫy của một gia đình người Ba Na, huyện Kong Cho Ro, tỉnh Gia Lai, theo điều tra của Bùi Minh Đạo (2000) vào năm 1983, gia chủ trồng tổng cộng 18 loại cây trồng khác nhau, bao gồm: lúa (3 loại), ngô, bo bo, bông, thuốc lá, ớt, bầu, cà đắng, mướp, dưa gang, dưa bở, sắn, khoai lang, cây họ nghệ để làm thuốc, mào gà, dứa, và chuối. Ở người Thái Nghệ An, trên một mảnh rẫy, ngoài các loại cây trồng như chuối, ngô, đậu,...các gia đình thường trồng ít nhất từ 4 đến 5 loại giống lúa nếp trở lên, mỗi loại với những đặc tính riêng về sức chịu hạn, năng suất cao hay thấp, bông dài hay ngắn, dài ngày hay ngắn ngày, phù hợp với đất mùn hay đất cằn,...

Việc trồng nhiều loại cây trồng và nhiều giống cây trồng khác nhau như vậy bảo đảm các gia đình có nhiều sản phẩm đầu ra để đáp ứng nhiều nhu cầu trong nhiều thời kỳ của chu kỳ một năm trên một diện tích canh tác. Người dân luôn có đủ lượng thực ăn quanh năm nhờ vào trồng xen canh: trong suốt mùa mưa có thể thu hoạch rau, tháng 7 thu hoạch ngô sớm, tháng 8 thu hoạch ngô muộn, tiếp đó, tháng 10 thu hoạch lúa sớm, tháng 11, 12 thu hoạch lúa muộn, và rải rác trong nửa sau của mùa canh tác thu hoạch các loại bầu bí, cà ớt. Trồng các loại cây, nhất là các cây trồng chính như ngô, lúa, với nhiều loại giống có đặc điểm sinh học khác nhau cũng giúp tránh được rủi ro, phòng khi mất loại này còn có loại kia bù lại. Đối với khía cạnh về tính hiệu quả của nông học, ĐC và xen canh là kỹ thuật có tác dụng bảo vệ và kích thích lẫn nhau của các loại cây trồng, giúp giảm trừ sâu bệnh và không cần phải sử dụng phân bón. Việc trồng nhiều loại cây trên một diện tích đất canh tác nhất định cũng đảm bảo bề mặt của đất luôn được phủ kín bằng thực bì, giúp giảm xói mòn đất, hạn chế cỏ dại và tăng độ phì nhiêu cho đất.

Do nguyên do khác nhau, đặc biệt là sự phát triển mạnh của nông nghiệp hàng hoá, tập quán ĐC ở các vùng tộc người đang ngày càng bị suy giảm. Hệ quả là nhiều loại giống bản địa bị mất, canh tác nông nghiệp của các tộc người ngày càng phị phụ thuộc vào phân bón hữu cơ, đất canh tác bị xói mòn và đời sống sinh kế của nhiều gia đình chịu nhiều rủi ro. Trong vài năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của ĐC, nhiều tổ chức và cơ quan phát triển của Việt Nam và quốc tế đang tiến hành các dự án triển khai canh tác ĐC ở một số vùng để nhân rộng trở lại hình thức canh tác nông nghiệp hiệu quả này ở các vùng nông thôn miền núi.

Tài liệu tham khảo:

Bùi Minh Đạo, 2000, Trồng trọt truyền thống của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương, Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hoá - sinh kế tộc người, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2012.

Vi Văn An, Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.

Lê Hồng Lý và các cộng sự Văn hoá các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên: Truyền thống, biến đổi và các vấn đề đặt ra, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019.

Yos Santasombat, Flexible Peasants: Reconceptualizing the Third World's Rural Types, Silk Worm Press, Chiang Mai, 1998.