Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
ĐKB

ĐKB là tổ hợp pháo phản lực dễ mang vác, bao gồm ống phóng và đạn cỡ 122 mm.

Những năm 60 của thế kỷ XX, Quân đội Nhân dân Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số dàn pháo phản lực BM-21, BM-13, BM-14, sử dụng hiệu quả trong việc bắn phá các mục tiêu trên diện rộng. Tuy nhiên, các dàn pháo này được đặt trên các xe tải nên cũng không thích hợp cho cách đánh của Việt Nam. Do đó chính phủ Việt Nam đưa ra đề nghị yêu cầu phía Liên Xô chế tạo cho Việt Nam các ống phóng BM-21 đơn lẻ, có thể bắn mà không cần xe phóng nhằm dễ mang vác, vận chuyển. Liên Xô đã ủng hộ yêu cầu của Việt Nam và giao nhiệm vụ cho Viện nghiên cứu NII-147 (nay là NPO Splav) phát triển một phiên bản tổ hợp phản lực hạng nhẹ, trên cơ sở sử dụng ống phóng và đạn của pháo phản lực phóng loạt 9K51 Grad (BM-21). Loại ống phóng này được gọi là 9P132, trên thực tế, đây là ống phóng của pháo phản lực BM-21 được cắt ngắn. Năm 1967, các ống phóng tháo rời 9P132 được gửi đến Việt Nam thử nghiệm và đạt kết quả tốt.

Đạn của ĐKB là 9M-22M, dựa trên cơ sở đạn 9M-22U của tổ hợp BM-21, có chiều dài 2,87 m và khi vận chuyển được tháo rời thành 2 phần; phần chiến đấu sử dụng nguyên của đạn 9M-22U có ký hiệu M-21OF, khoang động cơ được rút ngắn.

Tính năng kỹ chiến thuật[sửa]

Các tính năng chính của tổ hợp ĐKB
Khối lượng tổ hợp trong trạng thái chiến đấu 55 kg
Chiều dài ở trạng thái chiến đấu 2500 mm
Chiều rộng ở vị trí chiến đấu 1500mm
Tốc độ bắn 1 phát/phút
Tổ chiến đấu 5 người
Cỡ đạn 122 mm
Chiều dài đạn kể cả ngòi nổ 1905 mm
Khối lượng đạn đã lắp hoàn chỉnh 46 kg
Khối lượng thuốc phóng 9,52 kg
Khối lượng thuốc nổ 6,4 kg
Khối lượng PCĐ 18,3 kg
Khối lượng phần động cơ phản lực 26,3 kg
Tầm bắn lớn nhất 10,8 km
Vùng sát thương quy đổi do mảnh khi bắn ở tầm lớn nhất 0,16 ha
Vùng phá hoại do tác dụng phá 0,0045 ha

Cấu tạo của tổ hợp gồm: ống phóng và đạn phản lực.[sửa]

Ống phóng (9P132) là ống hình trụ bằng thép có chiều dài 2,5 m. Dọc theo ống có 1 rãnh xoắn hình chữ U để chốt dẫn hướng của đạn trượt lên đó tạo chuyển động quay ban đầu cho đạn. Ống phóng được cố định trên giá đỡ 3 chân, có máy tầm, hướng; 3 chân có thể gập được. Xạ giới tầm của hệ thống từ +10° đến +40°, xạ giới hướng là 14°. Ngoài ra có một lẫy để đảm bảo cho việc chuyển hướng nhanh 360º. Pháo sử dụng kính ngắm RVO-2 có độ phóng đại 4 lần. Việc phát hỏa bằng điện, được thực hiện từ xa bằng bảng điều khiển kết nối với đạn bằng dây điện dài 20 m để đảm bảo an toàn cho pháo thủ.

Đạn phản lực (9M-22U) là loại không điều khiển tác dụng nổ phá - mảnh, ổn định trên đường bay bằng cánh, có tốc độ quay chậm để tăng độ chụm. Đạn phản lực gồm: phần chiến đấu, động cơ phản lực và bộ phận ổn định. Phần chiến đấu (M-21OF) gồm: thân vỏ, thuốc nổ, ống truyền nổ, vòng cản và ngòi nổ. Thân vỏ hình trụ-thon được chế tạo bằng thép. Phần trụ có 3 lớp, lớp ngoài là phần thân chính, lớp trong là 2 ống trụ ghép lồng vào nhau. Hai ống trụ đều được khía mảnh sẵn hình thoi. Phía dưới phần thân có ren lắp với động cơ. Thuốc nổ nhồi trong lòng phần chiến đấu hiện nay thường dùng là TGAF-5 (80% TNT, 15% hec-xô-gen, 5% bột nhôm). Ngoài ra ở giữa miệng khối thuốc người ta còn lắp một ống truyền nổ gồm: thân bằng thép hoặc giấy các-tông và một khối thuốc nổ A-IX-1 (96 g) nén. Để tăng khả năng cơ động về tầm và bắn các mục tiêu ở gần đạn được trang bị thêm vòng cản. Ngòi nổ sử dụng ngòi đầu 9E-231, chạm nổ 3 tác dụng (tức thì, giữ chậm, giữ chậm dài) và có cơ cấu bảo hiểm xa, mở bảo hiểm cách miệng nòng từ 20 m đến 150m.

Khác với động cơ phản lực của đạn 9M-22U (có chiều dài lớn và bên trong có 2 thỏi thuốc phóng), động cơ phản lực của đạn 9M-22M gồm: buồng đốt, thuốc phóng, hệ thống loa phụt, thiết bị châm lửa (mồi) và đế chắn thuốc. Buồng đốt hình trụ bằng thép. Phía ngoài buồng đốt có 2 đai định tâm và 1 chốt dẫn hướng nằm ở phía sau. Phần trên buồng đốt phía trên bên ngoài có ren lắp với phần chiến đấu, còn phần dưới phía dưới có ren lắp với khối loa phụt. Mặt trong buồng đốt phủ sơn cách nhiệt. Thuốc phóng có dạng hình trụ 1 lỗ, làm từ thuốc RSI-12M, bên ngoài ống thuốc phóng có 3 mấu định vị lệch nhau 1200, ở 2 đầu ống thuốc đều được bịt một lớp cách nhiệt để không cho thuốc phóng cháy từ mặt đầu đảm bảo diện tích bề mặt cháy không đổi. Đầu phía trên của thỏi thuốc phóng lắp thiết bị mồi và đặt trong giá chứa, đầu dưới thỏi thuốc được định vị bởi đế chắn thuốc. Hệ thống loa phụt gồm 1 côn trước và 1 côn sau. Đường kính ngoài hệ thống loa phụt nhỏ hơn đường kính buồng đốt (mục đích để lắp bộ phận ổn định bên ngoài). Mặt trong các côn đều được bọc chất dẻo AG-4V nhằm giảm tổn hao năng lượng dòng khí khi chảy qua (do tác dụng cơ và nhiệt) và giảm khối lượng hệ thống loa phụt. Côn sau lắp với khối loa phụt bằng thép. Khối loa phụt gồm 7 loa hình lavan (1 loa phụt nằm giữa và 6 loa nằm xung quanh). Trục các loa phụt đều song song với trục đạn. Thiết bị mồi kiểu VGA-80-EZ được đặt ở đầu khối thuốc. Đây là thiết bị gồm: thuốc cháy, mồi lửa điện MB-24 và được bịt kín bằng vỏ nhôm. Dây dẫn mồi lửa điện lắp thành phích cắm được luồn qua lỗ trong ống thuốc phóng, qua loa phụt giữa ra ngoài. Mặt ngoài khối loa phụt có 1 nắp bịt kín bằng nhựa nhiệt cứng AG-4V có gioăng cao su để đảm bảo bịt kín liều thuốc phóng trong quá trình bảo quản vận chuyển.

Bộ phận ổn định gồm 4 cánh liên kết với nhau bằng 1 vòng nối và các chốt hãm. Lúc thường các cánh được gập lại và được giữ nguyên bởi 1 vòng ôm cánh. Vòng ôm cánh có đường kính lớn hơn đường kính ống phóng, nên khi nạp đạn vòng ôm cánh sẽ tụt về phía sau. Cánh ổn định có dạng lòng máng, liên kết với thân động cơ bằng khớp bản lề và đặt nghiêng với trục đạn một góc 1020' để tạo tốc độ quay chậm, nhằm tăng độ chụm cho đạn. Lắp với mỗi cánh ổn định còn có 1 trục cùng với 1 lò xo luôn có xu hướng đẩy cánh mở ra.

Cách thức hoạt động[sửa]

Trong quá trình bảo quản, vận chuyển và trước khi bắn, phần chiến đấu và động cơ phản lực được bảo quản riêng rẽ. Đáy của phần chiến đấu được lắp một nắp nhựa, miệng được lắp một nút nhựa bịt kín; Đầu của được lắp một nắp nhựa để bảo vệ phần ren, đuôi của động cơ phản lực lắp nắp nhựa bịt kín; vòng cản để riêng.

Khi chuẩn bị chiến đấu phải tháo các nắp, nút nhựa ra lắp thành viên đạn hoàn chỉnh: lắp ngòi nổ, lắp vòng cản, lắp phần chiến đấu với động cơ phản lực. Tháo nắp bịt kín động cơ ra và lắp đạn vào ống phóng.

Hoạt động của tổ hợp như sau: Khi đóng mạch điện, mồi lửa điện hoạt động đốt cháy thuốc mồi làm cháy thuốc phóng. Sau khi áp suất buồng đốt đạt tới giá trị nhất định, đạn vẫn chưa chuyển động được do chốt dẫn hướng chưa được giải phóng. Khi áp suất buồng đốt đạt tới P = (300-400) kG/cm2, thì mấu hãm giải phóng chốt dẫn hướng và đạn bắt đầu chuyển động theo rãnh dẫn hướng. Do rãnh dẫn hướng đặt nghiêng so với trục đạn, nên khi rời khỏi bệ phóng đạn có tốc độ quay ban đầu cần thiết. Đạn chuyển động ra khỏi miệng ống phóng, do lực đẩy của lò xo và liên kết của vòng nối, 4 cánh mở ra đồng thời làm nhiệm vụ ổn định cho đạn trên đường bay. Do các cánh nghiêng với trục đạn, nên vận tốc quay ban đầu của đạn được duy trì và bảo đảm để tăng độ chụm. Cách miệng nòng khoảng 20-150 m ngòi nổ mở bảo hiểm xa và sẵn sàng làm việc. Khi chạm mục tiêu, tuỳ thuộc vào cách điều chỉnh ngòi, mà ngòi nổ giữ chậm một thời gian hoặc làm việc ngay gây nổ ống truyền nổ và kích nổ phần chiến đấu.

ĐKB được sử dụng rất thích hợp và rất hiệu quả đối với Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. ĐKB được trang bị cho một số trung đoàn pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam như trung đoàn 115, trung đoàn 724 nhằm bổ sung cho các đơn vị pháo cối, phản lực.

Một số trận đánh tiêu biểu của ĐKB như năm 1967, Trung đoàn pháo binh 724 đã tập kích bất ngờ vào sân bay Biên Hòa. Tiểu đoàn 174 thuộc trung đoàn đã bắn 202 quả đạn ĐKB vào sân bay, phá hủy 74 máy bay, đốt cháy các kho bom, kho xăng và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các khẩu đội phản lực của Trung đoàn 115 đánh tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất. Tổ hợp 9P132 không những được sử dụng ở Việt Nam mà còn còn được dùng trong quân đội các nước khác như: các chiến binh Palestine, Ai Cập, Iran, Pakistan, Romania, Sudan, Syria, Mali. (1.773 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Nguyễn Văn Thủy, Trần Văn Định, Đạn dược, Học viện Kỹ thuật Quân sự, 2006
  3. Nguyễn Thái Dũng, Trang bị vũ khí phản lực,Học viện Kỹ thuật Quân sự, 2016
  4. Боевые машины БМ-21, Техническое описание, Москва Изд-военное, 1971
  5. https://missilery.info/missile/grad-p Легкая переносная реактивная система "Град-П"