Đời sống dân gian là toàn bộ cách sống, toàn bộ sáng tạo văn hoá riêng biệt của một cộng đồng thể hiện ra bằng những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, nghề thủ công, kiến trúc, đồ vật, ẩm thực, trang phục, truyện kể, vũ điệu, bài hát và những biểu cảm văn hoá khác. đời sống dân gian cũng còn là một bộ môn khoa học hay một hoạt động học thuật quan tâm tới quá trình và hình thức của những sáng tạo văn hoá kể trên.
Nghiên cứu về đời sống dân gian bắt nguồn từ nền học thuật châu Âu đầu thế kỷ XIX trên nền tảng những ghi chép về lịch sử và văn hoá của các khu vực nông thôn ở châu Âu thế kỷ XVI-XVIII. Các học giả Đức, Áo, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ đã tập trung nghiên cứu về các hiện tượng văn hoá truyền khẩu và văn hoá vật chất được xem là truyền thống ở các cộng đồng nông thôn. Trong khi đó, các học giả Anh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nghiên cứu đời sống dân gian chú trọng nhiều đến khía cạnh văn hoá vật chất của các cộng đồng cư dân nông thôn. Với các học giả Mỹ từ đầu thế kỷ XX đến nay, đời sống dân gian được nghiên cứu là truyền thống phong phú của văn hoá vật chất, tín ngưỡng tôn giáo, y học, phong tục, lễ hội, nghệ thuật, kiến trúc, thực phẩm, cách nấu ăn, trang phục,…của các cộng đồng bản địa.
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm đã đặc biệt quan tâm tới việc sưu tầm, nghiên cứu về đời sống dân gian. Các tác giả như Phan Kế Bính, Toán Ánh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên với các công trình như Việt Nam phong tục, Phong tục Việt Nam, Hội hè đình đám, Việt Nam văn hoá sử cương, Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam,…đã đặc biệt chú trọng ghi chép, mô tả và nghiên cứu về đời sống dân gian ở các làng quê cho dù họ không hề dùng đến khái niệm này. Từ cuối thế kỷ XX đến nay khái niệm đời sống dân gian trở nên quen thuộc hơn, được thể hiện trong nhiều nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Văn hoá cả ở góc độ lý luận và thực tiễn, trong đó có cả việc dịch và công bố các công trình của liên quan đến đời sống dân gian của các học giả nước ngoài.
Đời sống dân gian, trong các nghiên cứu thường để chỉ đời sống văn hoá của các cộng đồng địa phương trong những xã hội chưa hiện đại, chưa công nghiệp, văn hoá của tầng lớp bình dân, của đại chúng, của tầng lớp nông dân ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu nhân học, văn hoá học Mỹ đã tiên phong khẳng định rằng: đời sống dân gian là một dòng chảy liên tục, tất cả mọi người và mỗi cộng đồng đều có đời sống dân gian. Theo đó có đời sống dân gian ở đô thị, đời sống dân gian trong các xã hội công nghiệp, hiện đại và khái niệm đời sống dân gian cũng được hiểu một cách rộng mở và linh hoạt hơn. đời sống dân gian có thể là toàn bộ văn hoá truyền thống của các nhóm khác nhau như gia đình, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, khu vực, toàn bộ ý nghĩa văn hóa của các hình thức sáng tạo và biểu tượng như niềm tin, kỹ năng, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, trò chơi, múa, kịch, lễ nghi, thủ công mỹ nghệ,…là toàn bộ sáng tạo văn hoá hàng ngày của các cộng đồng. Theo cách hiểu rộng như vậy, đời sống dân gian có sự giao thoa nhất định với khái niệm văn hoá dân gian, tri thức dân gian, dân tộc học mà gần gũi nhất là văn hoá dân gian. Theo các nhà khoa học Mỹ (như Don Yoder hay Mary Hufford), nếu như văn hoá dân gian chú trọng nghiên cứu các hình thức truyền khẩu thì đời sống dân gian tập trung vào các truyền thống phong phú của văn hóa vật chất, tín ngưỡng tôn giáo, y học, phong tục, lễ hội, thực phẩm, trang phục… và có điểm mạnh là các cuộc trình diễn giới thiệu đời sống văn hoá do chính chủ thể văn hóa đảm nhiệm.
Đời sống dân gian có thể chia thành nhiều thể loại. Trong truyền thống của ngành khoa học này ở châu Âu, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể chia đời sống dân gian thành bốn thể loại chính: Hàng thủ công truyền thống; Trang phục và văn hóa vật chất; Kiến trúc và ngôn ngữ địa phương; Cảnh quan. Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cũng chia đời sống dân gian thành bốn thể loại chính là: Truyền khẩu, Âm nhạc dân gian và múa, Văn hóa vật chất, Các nghi lễ và niềm tin. Bốn thể loại này chứa đựng toàn bộ đời sống văn hoá của một cộng đồng.
Đời sống dân gian trong vai trò là một bộ môn khoa học có một số đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, đời sống dân gian được chia sẻ bởi một nhóm người có những đặc điểm chung, chẳng hạn như dân tộc, tôn giáo, khu vực sinh sống, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính…Thứ hai, đời sống dân gian được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người sau học hỏi các truyền thống dân gian từ cha mẹ hoặc những người lớn tuổi trong cộng đồng của họ. Thứ ba, hình thức truyền tải đời sống dân gian chủ yếu bằng cách quan sát, hướng dẫn bằng lời nói, hoặc bắt chước, thực hành trong môi trường phi chính thức như gia đình, nhóm… Thứ tư, đời sống dân gian luôn vận động và biến đổi không ngừng. Thứ năm, đời sống dân gian thường được sáng tạo bởi cộng đồng, một nhóm người chứ không phải từ một cá nhân, vì vậy, nguồn gốc của đời sống dân gian thường là “vô danh”.
Từ cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XXI đến nay, khái niệm đời sống dân gian được nhìn nhận và nghiên cứu rộng và sâu trên nhiều phương diện.Việt Nam với ưu thế của một nền văn hoá đa dạng với đa dạng tộc người, vùng miền và các biểu đạt văn hoá đã xem đời sống dân gian là tất cả những gì thuộc về văn hoá truyền thống của một cộng đồng, là cách sống và giá trị cộng đồng do người dân tạo nên và vì vậy, đời sống dân gian ở Việt Nam vô cùng đa dạng và được sáng tạo liên tục trong các cộng đồng dân gian đương đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Mary Hufford, Folklore and Folklife, University of Pennsylvania, USA, 2000.
- Marjorie Hunt, The Smithsonian Folklife and Oral History Interviewing Guide, Smithsonian Institution – Center for Folklife and Culture Heritage, 2003.
- Viện Nghiên cứu Văn hóa, Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan chủ biên, Folklore – Một số thuật ngữ đương đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
- Cục Di sản Văn hóa, Tự giới thiệu văn hóa – Kinh nghiệm từ chương trình Mê công: Dòng sông kết nối các nền văn hóa tại lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 do Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản, 2012.
- Hiệp hội nghiên cứu Folklife, Nghiên cứu đời sống dân gian của chúng tôi, Kỷ yếu Hội nghị Đời sống dân gian, Vương quốc Anh, 2013