Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đới khâu Sông Mã

Đới khâu Sông Mã là đới kiến tạo khớp nối giữa địa khối Đông Dương ở phía nam và địa khối khối Hoa Nam ở phía bắc, được hình thành vào khoảng 250-260 triệu năm trước. Đới khâu Sông Mã có phương kéo dài Tây Bắc - Đông Nam, trên phần đất liền nó bắt đầu từ đồng bằng tỉnh Thanh Hóa, qua tỉnh Hòa Bình sang đến phần đông bắc Lào, sau đó tiếp tục chạy dọc theo khu vực Tây Nam tỉnh Sơn La và kết thúc khi gặp đứt gãy Điện Biên - Lai Châu ở khu vực Điện Biên Đông. Phần phía đông, Đới khâu Sông Mã bị chìm dưới trầm tích Kainozoi đồng bằng Thanh Hóa và dưới Biển Đông hiện tại, phần phía tây của ĐKSM bị đứt gãy Điện Biên làm dịch chuyển sang phần tây nam lãnh thổ Trung Quốc dọc theo đới khâu Ailao shan - Jinshajiang.

Nội dung[sửa]

Đới khâu Sông Mã gồm ba tổ hợp thạch kiến tạo chính, hệ tầng Nậm Cô, hệ tầng Sông Mã và ophiolit Sông Mã. Hệ tầng Sông Mã có thành phần chủ yếu là các đá trầm tích lục nguyên hạt mịn bị biến chất xen lẫn các tập đá hoa mỏng phân bố khu vực Sơn La. Hệ tầng Nậm Cô phân bố phần phía đông bắc Đới khâu Sông Mã khu vực Sơn La, Điện Biên Đông gồm đá trầm tích sét kết, cát kết bị biến chất tướng phiến lục đến amphibolit. Trong hệ tầng Nậm Cô ở khu vực Điện Biên Đông đã phát hiện được các đá biến chất tướng áp suất siêu cao (eclogit) có tuổi thành tạo khoảng 240 triệu năm. Cấu thành nên ophiolit Đới khâu Sông Mã gồm tổ hợp các đá siêu mafic, gabbro và basalt, andesito-basalt bị biến chất tướng phiến lục đến amphibolit phân bố khu vực Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La. Trong đó các đá siêu mafic khu vực Núi Nưa (Nông Cống, Thanh Hóa) và một số khối hình dạng ovan phân bố rải rác ở khu vực Hòa Bình, Sơn La là phần di sót của manti nghèo; các đá biến chất gabbro và basalt, andesitic basalt thuộc phần vỏ đại dương thuộc tổ hợp ophiolit. Tuổi thành tạo của các đá gabbro trong tổ hợp ophiolit Đới khâu Sông Mã là từ 387±6 đến 315±4 triệu năm là giai đoạn hình thành vỏ đại dương cổ tồn tại giữa hai khối Hoa Nam và Đông Dương.

Lịch sử[sửa]

Lịch sử phát triển Đới khâu Sông Mã có thể tóm lược gồm hai giai đoạn: giai đoạn hút chìm (đới hút chìm) và va chạm (thành tạo đới khâu). Giai đoạn hút chìm của mảng đại dương cổ xuống dưới khối Đông Dương bắt đầu khoảng hơn 300 triệu năm trước. Giai đoạn hút chìm này được ghi nhận bằng loạt đá magma có thành phần từ trung tính đến axit có tuổi 290-250 triệu năm phát hiện ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh. Giai đoạn va chạm của địa khối Hoa Nam xuống dưới địa khối Đông Dương và tạo nên Đới khâu Sông Mã xảy ra vào 260-250 triệu năm trước được ghi nhận bằng các đá magma sau va chạm tuổi 230-250 triệu năm và các đá biến chất tuổi khoảng 240-230 triệu năm ghi nhận dọc Đới khâu Sông Mã và trên địa khối Đông Dương.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bui V. H, Kim Y., Ngo X. T., Tran T. H., Yi K., Neoproterozoic deposition and Triassic metamorphism of metasedimentary rocks in the Nam Co Complex, Song Ma Suture Zone, NW Vietnam, Geosciences Journal, 22(4): 549-568, 2018.
  2. Nakano N., Osanai Y., Sajeev K., Hayasaka Y., Miyamoto T., Minh N.T., Owada M., Windley B., Triassic eclogite from northern Vietnam: inferences and geological significance, Journal of Metamorphic Geology, 28: 59-76, 2010.
  3. Ngo X.T., Santosh M., Tran T.H., Hieu P.T., Subduction initiation of Indochina and South China blocks: insight from the forearc ophiolitic peridotites of the Song Ma Suture Zone in Vietnam, Geological Journal, 51: 421-442, 2016.
  4. Pham T. H., Li S.Q., Yu Y., Ngo X. T., Le T. D., Vu L. T., Siebel W., Chen F., Stages of late Paleozoic to early Mesozoic magmatism in the Song Ma belt, NW Vietnam: evidence from zircon U-Pb geochronology and Hf isotope composition, International Journal of Earth Sciences, 106: 855-874, 2017.
  5. Trần Văn Trị, Vũ Khúc (chủ biên), Địa chất và Tài nguyên Việt Nam, Nxb. Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, 634 tr., 2009.