Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Động viên Quốc phòng

Động viên Quốc phòng là tổng thể các hoạt động và biện pháp huy động mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ cho quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Từ khi có nhà nước, các triều đại phong kiến biết dùng các hình thức và biện pháp khác nhau để huy động mọi nguồn lực của triều đình hoặc các địa phương phục vụ cho chiến tranh bảo vệ đất nước hoặc xâm lược. Mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn lịch sử, có các hoạt động, biện pháp huy động nguồn lực khác nhau.

Ở Trung Quốc, thời Xuân Thu, nước Sở xây dựng chế độ thu thuế, đăng kí người, vũ khí, ngựa, xe cộ trong dân để trưng dụng trong thời chiến. Thời Chiến Quốc, các nước chư hầu thôn tính nhau, khi xuất quân tới 10.000 người, con trai nước Tần 15 tuổi bị huy động đi đánh trận. Về sau, các triều đại phòng kiến Trung Quốc, xây dựng chế độ đăng kí số đinh trong từng hộ, làm cơ sở bổ sung quân cho triều đình thời bình và thời chiến.

Thuật ngữ động viên xuất hiện cuối thế kỷ 18 ở Pháp. Năm 1789, giai cấp tư sản Pháp tiến hành cách mạng nhằm xóa bỏ chế độ quân chủ phong kiến, dẫn đến sự sợ hãi và phản kháng của thế lực phong kiến trong nước và khu vực. Các quốc gia quân chủ châu Âu thiết lập đồng minh, tiến hành can thiệp vũ trang vào Pháp. Ngày 23 tháng 8 năm 1793, Công hội Quốc dân đã ban bố Pháp lệnh tổng động viên toàn quốc, tuyên bố từ nay cho đến khi quân địch bị đuổi ra khỏi lãnh thổ nước cộng hoà, nhân dân toàn nước Pháp vẫn ở vào trạng thái trưng tập. Sau khi phát lệnh tổng động viên, Pháp tổ chức được đội quân 420.000 người, sản xuất số lượng lớn vũ khí trang bị và trưng tập được nguồn vật chất vô cùng lớn cho chiến tranh. Pháp lệnh Tổng động viên toàn quốc của Pháp thể hiện rõ nội dung Động viên Quốc phòng của một quốc gia trong chiến tranh cận đại.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 -1918), các quốc gia tham chiến tiến hành huy động tiềm lực của quốc gia trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... đưa nền kinh tế quốc dân vào thời chiến, ra sức phát triển sản xuất công nghiệp quân sự phục vụ nhu cầu chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh, các bên tham chiến đã động viên quân số hơn 70.000.000 người, nền công nghiệp sản xuất sản xuất hơn 180.000 chiếc máy bay, 150.000 khẩu pháo, 9.200 chiếc xe tăng...

Đến Chiến tranh thế giới lần thứ Hai (1939-1945), Động viên Quốc phòng của các quốc gia phát triển đến hầu hết các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục, khoa học kĩ thuật, ngoại giao. Đức động viên số quân lên tới 1.700.000 người, công nghiệp sản xuất gần 120.000 máy bay, gần 70.000 xe tăng, 700.000 khẩu pháo cùng với số lượng lớn vũ khí và vật chất bảo đảm khác. Liên Xô động viên 27.000.000 người, chiếm 14,1 % dân số, công nghiệp sản xuất gần 100.000 máy bay, 100.000 xe tăng, 530.000 khẩu pháo, số lượng lớn vũ khí trang bị, vật chất bảo đảm khác. Nước Mỹ động viên số quân 10.400.000 người, sản xuất hơn 270.000 máy bay, 80.000 xe tăng, 120.000 khẩu pháo... Nhật Bản động viên gần 10.000.000 người, chiếm 10% dân số, sản xuất hơn 60.000 máy bay, 3.600 xe tăng, 20.000 khẩu pháo...

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch Động viên Quốc phòng nhằm duy trì khả năng phòng thủ đất nước khi có chiến tranh xảy ra. Việc Động viên Quốc phòng phụ thuộc vào chiến lược an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

Ở VN, các triều đại phong kiến xây dựng lực lượng dự bị động viên chủ yếu bằng đăng kí nhân khẩu, các làng, xã có sổ đinh (Hoàng sách), đăng kí các đinh từ 15 tuổi đến 60 tuổi, tùy theo từng triều đại; nguồn lực vật chất, tài chính từ nguồn thu thuế của dân và các vương hầu. Khi có chiến tranh, triều đình sử dụng các lời hiệu triệu, chiếu dụ, bài hịch để kêu gọi nhân dân mang sức người, sức của tham gia chống giặc ngoại xâm.

Thuật ngữ động viên chính thức được sử dụng ở Việt Nam từ Kháng chiến chống Pháp. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Tổng Động viên, để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Chỉ riêng từ Liên khu IV trở ra đã có trên 500.000 thanh niên ghi tên tòng quân, mấy chục vạn đồng bào đi dân công phục vụ tiền tuyến; nhân dân nhiều địa phương quyên góp tiền, của, thóc gạo cho kháng chiến. Tháng 7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh Động viên cục bộ: động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị nhưng chưa phục vụ tại ngũ, để tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nhằm đánh bại âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mĩ. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam ra Sắc lệnh 29 - LCT tổng động viên trong cả nước, nhằm huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết đảm bảo mọi nhu cầu cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để cụ thể hóa Động viên Quốc phòng, ngày 27.8.1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam ban hành Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, quy định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng lực lượng dự bị động viên. Ngày 08 tháng 6 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam ban hành Luật Quốc phòng, quy định Động viên Quốc phòng là tổng thể các hoạt động và biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương phục vụ cho quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tùy theo tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Nhà nước ban hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ. Nhiệm vụ Động viên Quốc phòng gồm động viên mọi nguồn lực của nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho quốc phòng những năm đầu chiến tranh, xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên, xây dựng và mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, động viên công nghiệp, chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến và các nhiệm vụ bảo đảm khác. Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan phối hợp soạn thảo các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quốc phòng, xây dựng các kế hoạch huy động, tiếp nhận, thông báo quyết định huy động, tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên từ thời bình, có kế hoạch diễn tập, bảo đảm sự sẵn sàng thực hiện kế hoạch khi có chiến tranh xảy ra. Trong QĐ, BQP xây dựng các văn bản pháp luật để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngoài QĐ lập kế hoạch huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên, hướng dẫn tổ chức diễn tập thực hiện kế hoạch này bảo đảm tính khả thi khi có chiến tranh xảy ra; các quân khu, quân đoàn và tương đương phải xây dựng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử, VIỆT NAM những sự kiện 1945-1986, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1990.
  2. Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Hà Nội, 1996.
  3. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
  4. Bách khoa toàn thư quân sự Trung Quốc, năm 1997, quyển 3, học thuật quân sự, tập II, tr.773-775.
  5. Bách khoa toàn thư quân sự, Liên bang Nga, năm 2002, quyển vần M, tr 181.
  6. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  7. Luật Quốc phòng, Luật số: 22/2018/QH14, Quốc hội, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội, 2018.
  8. Thông tư số: 99/2019/TT-BQP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương, địa phương; Hà Nội, 2019.
  9. Thông tư số: 85/2020/TT-BQP Quy định lập kế hoạch huy động, tiếp nhận; thông báo quyết định, lệnh huy động; tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên; Hà Nội, 2020.