Động thổ là hoạt động khởi đầu cho một công việc liên quan đến đất đai. Khi động thổ, người ta sẽ tiến hành một nghi lễ cúng thổ địa tại chỗ để mọi việc được diễn ra trôi chảy, gọi là lễ động thổ.
Dân gian quan niệm, bất kì một sự tác động nào của con người tới đất đai đều có thể gây nên những biến động cả về mặt hiện trạng của đất lẫn sự tác động tới các lực lượng siêu nhiên liên quan. Xem mỗi mảnh đất đều có thần linh cư ngụ và cai quản, người ta cho là trước khi tác động lên đất đai thì cần phải có lời thưa với thần linh, để mong nhận được sự đồng ý, sự bảo trợ và nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xuất hiện. Mong muốn về sự bảo trợ từ thần linh không chỉ diễn ra trong thời điểm ban đầu (thể hiện bằng lễ động thổ) mà ở nhiều nơi còn diễn ra liên tục, trong suốt quá trình con người cư trú hoặc canh tác trên mảnh đất, thể hiện dưới nhiều hình thức cầu cúng khác nhau.
Theo Tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh, nguồn gốc lễ động thổ bắt đầu từ một sự kiện vào năm 113 trước Công nguyên, thời Hán Vũ Đế. Khi đó, chỉ có tục tế trời mà không có tế đất. Nhà vua tự lấy làm lạ, liền triệu tập các quan trong triều bàn bạc và cuối cùng đặt ra lễ tế Hậu Thổ (thần đất). Từ đó, lễ này được tiến hành vào mùng 3 Tết hằng năm. Đây là một thực hành văn hóa gắn với hoạt động nông nghiệp. Việc đầu năm mới cúng thần đất là để chuẩn bị cho những vụ mùa sẽ diễn ra trong năm. Tuy nhiên, động thổ không chỉ đi liền với nông nghiệp. Khi xây dựng một công trình nhà cửa chẳng hạn, người ta phải làm móng và việc làm móng được xem như đã “động chạm” tới thổ địa cai quản khu đất đó nên cũng cần làm lễ động thổ.
Cả với việc động thổ định kỳ trong nông nghiệp và việc động thổ không định kỳ diễn ra khi có một hoạt động liên quan đến đất đai, thời điểm được chọn để động thổ phải là thời điểm tốt. Về ngày, động thổ không được tiến hành vào ngày hắc đạo, sát chủ, thổ cấm, thổ tang, trùng tang, trùng phục… mà phải là ngày hoàng đạo, sinh khí, lộc mã, phúc sinh, giải thần. Về giờ, phải là giờ hoàng đạo. Khi làm lễ động thổ, người ta sẽ đặt mâm lễ ở một vị trí cao giữa khu đất. Các lễ vật cho mâm lễ động thổ thường bao gồm hương, đăng, trầu, quả, tiền vàng, rượu thịt, và xôi nếp. Cụ thể hơn, mâm đồ lễ cúng động thổ điển hình hiện nay bao gồm: Bát gạo, bát nước, bộ quan thần linh, con gà luộc, mâm ngũ quả, bao thuốc, lạng chè, tiền vàng, oản, và trầu cau. Gia chủ trong trang phục trang trọng sẽ thắp hương vái bốn phương tám hướng rồi hướng vào mâm lễ để khấn. Khấn xong, gia chủ hóa vàng rồi đích thân cuốc mấy nhát tượng trưng và công việc đã có thể triển khai được ngay sau đó.
Đối với việc xây nhà, những người không có tuổi đẹp vào một năm nào đó thì không nên động thổ. Ví dụ như, những người có tuổi phạm vào năm Kim Lâu và Hoang Ốc. Nếu cần thiết làm điều đó, họ phải mượn người có tuổi phù hợp. Khi động thổ, người được mượn tuổi thay gia chủ khấn. Người mượn tuổi phải lánh khỏi nơi làm lễ động thổ từ 50 m trở lên và chỉ trở về khi mọi việc đã hoàn tất. Mỗi lần đổ mái, người được mượn tuổi vẫn tiếp tục thực hiện việc dâng hương, khấn lễ và gia chủ vẫn phải lánh mặt. Khi xây nhà xong, người được mượn tuổi sẽ làm mọi thủ tục dâng hương, khấn thành lời bàn giao cho gia chủ. Sau đó, gia chủ có thể khấn cầu theo ý muốn của mình khi vào nhà mới.
Quan niệm về động thổ cũng là nguyên ủy của nhiều thực hành nghi lễ và phương cách ứng xử của con người trong đời sống. Những biến cố liên tục xảy đến trong gia đình được xem là có thể do đất ở bị động (động long mạch) và thường người ta sẽ làm nghi lễ hàn long mạch, trấn trạch, hoặc có thể do đất tại mộ của tổ tiên bị động (động mồ động mả) và người ta cũng phải làm lễ để giải quyết.
Quan niệm về động thổ hình thành tâm lý cẩn trọng của con người trước mỗi tác động lên đất đai, và ở chiều ngược lại, tạo nên sự an tâm và hứng khởi sau khi thực hiện các hình thức nghi lễ nhằm xin phép và mong nhận sự bảo trợ từ thần linh cai quản vùng đất.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Minh Đường - Minh Lâm (biên soạn), Phong tục dân gian: Nghi lễ động thổ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2021.
- Bùi Xuân Mỹ, Tục thờ cúng của người Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011.
- Przyluski, M.J., “Lễ động thổ: Góp phần nghiên cứu tục thờ Thổ công ở Bắc Bộ”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2, 1999, tr. 19 - 22.
- Lê Tương Ứng, “Lễ động thổ ngày xuân”, Tạp chí Xưa và Nay, số 157 + 158, 2004, tr. 12.
- Hoàng Thế Xương, “Làng Đa Sĩ với lễ động thổ đầu năm”, in trong: Nhiều tác giả, Thông báo văn hóa dân gian 2006, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.