Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Động cơ thành đạt

Động cơ thành đạt là động lực quan trọng quyết định sự khát vọng, nỗ lực và sự bền bỉ khi một cá nhân mong đợi rằng thành tích của mình sẽ được đánh giá theo một tiêu chuẩn xuất sắc nào đó.

Động cơ thành đạt được nảy sinh khi một cá nhân biết rằng anh ta phải chịu trách nhiệm về kết quả của một số liên kết, hợp tác, khi cá nhân dự đoán rõ ràng về kết quả sẽ xác định thành công hay thất bại của bản thân và khi có một mức độ rủi ro nào đó. Tức là, một số khả năng không chắc chắn về kết quả của nỗ lực của mình.

Mục tiêu của động cơ thành đạt là cá nhân đạt được thành công, hoạt động tốt liên quan đến tiêu chuẩn xuất sắc hoặc so với những người khác là đối thủ cạnh tranh (McClelland 1961; Atkinson, 1964).

Động cơ thành đạt có tầm quan trọng thiết thực trong giáo dục và công nghiệp. Nó là một yếu tố quyết định trong hoạt động kinh doanh. Nó trở thành vấn đề được các nhà kinh tế và những nhà quản lý quan tâm trong phát triển kinh tế.

Những cá nhân khác nhau có động cơ thành đạt khác nhau. Cùng một cá nhân, ở những thời điểm khác nhau và tình huống khác nhau có những Động cơ thành đạt khác nhau.

Lịch sử nghiên cứu[sửa]

Vấn đề Động cơ thành đạt đã được nghiên cứu khá sớm. Khái niệm động cơ thành đạt đã được tìm hiểu từ những thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Sears (1942) đã nói đến động cơ thành đạt trong các nghiên cứu về “thành công và thất bại”. Lewin và đồng nghiệp (1944) đã bàn đến động cơ thành đạt trong vấn đề “mức độ khát vọng”. Vào thời điểm đó các nghiên cứu chưa xác định được một phương pháp chung về nghiên cứu động cơ thành đạt. Sau đó, phương pháp đo động cơ thành đạt đã được xác định và thực nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm phương pháp đo động cơ thành đạt, tiếp theo là sử dụng hệ thống công cụ mới này trong các nghiên cứu hành vi và xã hội (McClelland và đồng nghiệp, 1953). McClelland và các đồng nghiệp đã sử dụng giả định lâm sàng truyền thống để nghiên cứu động cơ thành đạt và cho rằng động cơ thành đạt của con người được thể hiện một cách tự do trong trí tưởng tượng với các quy trình được phát triển trong thực nghiệm tâm lý học.

Hình ảnh về thành tích trong tưởng tượng được thể hiện dưới dạng những suy nghĩ về việc thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cá nhân cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để đạt được thành tích mong muốn. Có nhân trải qua niềm vui hay nỗi buồn phụ thuộc vào kết quả của sự nỗ lực.

Động lực trong động cơ thành đạt[sửa]

Hành vi hướng tới thành tích được quan niệm là hành vi luôn bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của xu hướng đạt được thành công của một cá nhân và ngoài ra nó còn bị tác động bởi xu hướng tránh thất bại. Người ta cũng chú ý đến vai trò quyết định của các khuynh hướng động lực bên ngoài đối với các hoạt động hướng đến thành tích. Xu hướng bên ngoài là xu hướng được tạo ra bởi một số động cơ hoặc khuyến khích khác đối với thành tích (ví dụ: tiền, sự chấp thuận của xã hội, tuân thủ quyền hạn) và điều đó không phải là bất di, bất dịch trong một tình huống liên quan đến thành tích.

Xu hướng để đạt được thành công trong một hoạt động cụ thể (Ts ) được hình thành bởi sức mạnh của một động cơ chung để đạt được thành công (Ms ). Đây được coi là một đặc điểm tương đối ổn định cá tính của một cá nhân. Hai yếu tố để xác định là những thách thức của nhiệm vụ và tình huống hiện tại. Cụ thể là xác suất thành công chủ quan trong hoạt động (Ps) và giá trị hấp dẫn hoặc khuyến khích tương đối của thành công trong hoạt động cụ thể (Is). Giả thiết rằng ba biến số kết hợp nhân với nhau để xác định độ mạnh của xu hướng đạt được thành tích và được biểu thị qua công thức sau: Ts = Ms × Ps × Is

Quan niệm trước đây cho rằng sức hấp dẫn của thành công tỷ lệ thuận với độ khó của một nhiệm vụ (Lewin và cộng sự, 1944) thì bây giờ được xác định chính xác hơn qua công thức: I8 = 1 - Ps.

Những người đạt điểm cao trong n thành tích thường có xu hướng thích mức độ rủi ro (hoặc khó khăn) trung bình hoặc có mức độ cao vừa phải (Atkinson, 1964; Atkinson & Feather, 1966; McClelland, 1961).

Một giả thuyết nữa là thành công tăng và suy giảm mức trung bình của thành công (Ps) tại các hoạt động tương tự. Điều này giúp cho các nhà nghiên cứu tính toán được ảnh hưởng của thành công và thất bại đối với những thay đổi trong động lực được thể hiện trong khát vọng và sự kiên trì tiếp theo. Thông thường, những cá nhân có động lực mạnh mẽ để đạt được thành tích sẽ đặt ra mức độ khát vọng vừa phải (hoặc thích rủi ro trung bình), nâng cao mức độ khát vọng sau khi thành công và hạ thấp mức độ khát vọng sau khi thất bại. Vì thành công làm tăng Ps ở các hoạt động giống nhau và tương tự, thể hiện qua công thức: Is = 1 - Ps.

Bậc thang nghề nghiệp cung cấp một thước đo cho sự thành công trong cuộc sống của một người, là một hệ thống phân cấp các hoạt động hướng đến thành tích đại diện cho các mục tiêu tiềm năng cho hầu hết mọi người, được sắp xếp theo mức độ khó đạt được. Nguyên tắc Is = 1 - Ps áp dụng cho những người trong các ngành nghề khác nhau. Khát vọng nghề nghiệp, nỗ lực và sự bền bỉ được thể hiện trong các hoạt động cụ thể để được học hành và làm việc là những biểu hiện của động cơ thành đạt.

Tránh thất bại trong động cơ thành đạt[sửa]

Việc phân tích các yếu tố quyết định của hoạt động hướng đến thành tích sẽ hoàn thiện hơn khi các tác động của khuynh hướng tránh thất bại và vai trò của các nguồn động lực bên ngoài cũng được tính đến. Động cơ để tránh thất bại (Maf ) được coi là thái độ lo lắng về thất bại, đã được đánh giá một cách đáng tin cậy bằng các bài kiểm tra khi yêu cầu một người báo cáo các triệu chứng lo lắng mà anh ta thường gặp trong các tình huống thử nghiệm.

Động cơ tránh thất bại kết hợp nhân với xác suất chủ quan của thất bại ( P∫ ) và giá trị khuyến khích âm của thất bại (I ). Nhiệm vụ càng dễ dàng thì nỗi đau của một thất bại dự kiến càng lớn, tức là, I = - Ps.

Xu hướng trốn tránh thất bại tạo ra một lực cản đối với hoạt động hướng đến thành tích cần phải vượt qua, nếu không phải là một xu hướng đạt được mạnh mẽ hơn thì bằng một xu hướng động lực bên ngoài nào đó. Khi động cơ đạt được của một cá nhân vượt quá động cơ tránh thất bại (Ms > Maf ), thì khuynh hướng đạt được thành tích sẽ chiếm ưu thế trong tổng đại số giả định của các khuynh hướng xung đột và các mô hình hoạt động hướng đến thành tích đã được mô tả sẽ xảy ra. Khi động cơ để tránh thất bại càng mạnh (Maf > Ms), càng có nhiều khả năng xảy ra khi n thành tích yếu, cá nhân sẽ hạn chế tất cả sự quan tâm đến hoạt động hướng đến thành tích.

Hình thành động cơ thành đạt[sửa]

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng động cơ thành đạt của con người được phát hiện ngay từ khi trẻ 5 tuổi và nó tương đối ổn định từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Các nghiên cứu về cách cha mẹ nuôi dạy con cái dựa trên báo cáo của cha mẹ, dữ liệu dân tộc học, nghiên cứu quan sát về tương tác giữa cha mẹ và con cái, cũng như các nghiên cứu dọc đã bắt đầu xác định một số yếu tố chính trong việc phát triển động cơ thành đạt. Việc nuôi dạy trẻ sớm, việc cha mẹ chú trọng đến khả năng tự lực làm chủ có xu hướng thúc đẩy sự phát triển của n thành tích của trẻ. Nếu trẻ được tiếp xúc với các tiêu chuẩn xuất sắc cao, kèm theo sự hào hứng của trẻ và khuyến khích nỗ lực độc lập của cha mẹ, thầy cô và người lớn nói chung đối với trẻ sẽ góp phần hình thành động cơ thành đạt của trẻ. Trong hoạt động giáo dục cần tạo cơ hội cho một đứa trẻ thực hành hành vi tự chủ và thể hiện tài năng của mình mà không bị cha mẹ chi phối sẽ là một điều kiện quan trọng hình thành động cơ thành đạt của trẻ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lewin, Kurt et.al., Level of Aspiration, Vol. 1, In Joseph McV. Hunt (editor), Personality and the Behavior Disorders, New York: Ronald Press, 1944, pp. 333 - 378.
  2. McClelland, David C., The Achieving Society, Princeton. N.J.: Van Nostrand, 1961.
  3. Atkinson, John W., An Introduction to Motivation, Princeton, N.J.: Van Nostrand → See especially, “A Theory of Achievement Motivation”, 1964, pp. 240 - 268.
  4. McClelland, David C., Toward a Theory of Motive Acquisition, American Psychologist, 20, 1965, pp. 321 - 333.
  5. Atkinson, John W.; and Feather, N. T. (Editors), A Theory of Achievement Motivation, New York: Wiley, 1966.