Đỗ Xuân Hợp (1906-1985) là Giáo sư, Bác sĩ Việt Nam. Ông sinh ngày 08 tháng 7 năm 1906 tại phố Hàng Đào, phường Đại Lợi, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước, thừa hưởng đức tính cương trực, trung thực của cha; chăm chỉ, cần cù của mẹ.
Quá trình học tập và làm việc[sửa]
Thưở ấy, ở Bắc kỳ chỉ có hai trường trung học. Trường Lycée Albert Sarraut dành riêng cho con em người Pháp và một số ít con em các quan lại, công chức cao cấp bản xứ. Còn Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) dành cho hầu hết con em quan lại, công chức Việt Nam và một số ít học sinh giỏi xuất sắc. Thời nhỏ, ông học giỏi và được vào Trường Bưởi, tốt nghiệp thành chung rồi theo học Trường Cao đẳng Y khoa. Năm 1929, ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (médecin indochinois) hạng ưu rồi nhận việc tại Bệnh viện Bắc Hà (Lào Cai). Làm việc ở Lào Cai được 3 năm, vào năm 1932, ông dự thi và đỗ đầu trong kỳ thi tuyển trợ lý giải phẫu (aide d’anatomie) ở Viện Giải phẫu Hà Nội và làm việc dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Viện trưởng (người Pháp) Pierre Huard. Trong thời gian hơn 10 năm (1932-1944), ông đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giải phẫu và nhân học có giá trị, là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín bằng tiếng Pháp như: Travaux de l’Institut Anatomique de la Faculté de Médecine, Revue Médicale Francaise d’Extrême-Orient., Bulletin de l’Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme, Bulletin de Société Medico-Chirurgicale de l’Indochine, Société Anatomique de Paris.… Năm 1944, cùng với giáo sư Pierre Huard, ông đã biên soạn hai tập sách “Morphologie humaine ét anatomie artistique” (Hình thái học người và giải phẫu mỹ thuật học). Sau này (năm 1949), bộ sách đó được Viện Hàn lâm Y học Pháp trao tặng Giải thưởng Testut. Cùng năm 1944, ông bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa “Recherches sur le système osseux des Annamites” (Nghiên cứu bộ xương của người Việt Nam), trở thành bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu học đầu tiên của nước ta.
Cuối năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông đã hăng say đem khả năng chuyên môn cống hiến cho cách mạng, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội: Chủ tịch Hội Cứu đói toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến khu phố Chợ Hôm, Chủ tịch Hội Hồng thập tự…Đầu năm 1946, ông cùng với một số trí thức yêu nước đứng ra thành lập Đảng Xã hội Việt Nam và liên tục được bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Đảng Xã hội và từ năm 1982 kiêm chức Bí thư Đảng bộ Đảng Xã hội Việt Nam Thành phố Hà Nội.
Tháng 11 năm 1946, trước ngày Toàn quốc Kháng chiến, ông gia nhập quân đội. Trong 3 năm đầu (1947-1949) của cuộc kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được giao giữ chức vụ Viện trưởng Viện Quân y liên khu X, đóng ở Quế Trạo, thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Trên cương vị Viện trưởng với gần 20 nhân viên và được tăng cường 6 sinh viên y khoa thực tập, ông đã tổ chức bệnh viện khá nền nếp, tiếp nhân và điều trị thương binh từ mặt trân gửi về và mở các lớp đào tạo y tá, học viên được lựa chọn từ số chị em đã qua các lớp Hồng thập tự trước đây, Ngoài ra, bệnh viện còn làm công tác vệ sinh, phòng dịch và khám chữa bệnh cho người dân quanh vùng.
Năm 1948, Trường Quân y sĩ Việt Nam được thành lập, đóng ở thôn Tuần Lũng, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên do bác sĩ Đinh Văn Thắng làm Hiệu trưởng đầu tiên. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được mời sang trường tham gia giảng dạy, đồng thời ông cũng được mời giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa do giáo sư Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng, đóng ở Đầm Hồng, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trong thời gian này, ngoài việc đảm nhiệm ở Viện Quân y liên khu, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp còn tham gia giảng dạy ở cả hai trường: Trường Đại học Y khoa kháng chiến và Trường Quân y sĩ Việt Nam. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc và để lại những dấu ấn sâu đậm, những tình cảm tốt đẹp trong lòng bộ đội, chiến sĩ và nhân dân trên chiến khu Việt Bắc trong suốt cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Đầu năm 1950, ông thôi giữ chức Viện trưởng Viện Quân y liên khu X và được cử làm Trưởng phòng Huấn luyện Cục Quân y. Ông cho thành lập Ban Tu thư và Ấn loát tài liệu, giáo trình của Cục.
Năm 1951, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ lúc bấy giờ đang là Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ được cử sang Liên Xô học bổ túc chuyên môn, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được cử làm Hiệu trưởng nhà trường. Bắt đầu từ đây cho tới lúc nghỉ hưu (năm 1978) gần 30 năm, ông gắn bó với sự nghiệp đào tạo của trường Quân y sĩ, rồi Trường Sĩ quan quân y, Viện Nghiên cứu Y học quân sự, Trường Đại học Quân y và sau nhiều lần đổi tên, ngày nay là Học viện Quân y.
Trong những năm kháng chiên gian khổ trên núi rừng Việt Bắc, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã trăn trở, tâm huyết và là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để giảng dạy y khoa trong trường đại học. Để thuyết phục và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của đồng nghiệp, trong chuyến thăm và giảng dạy ở Trường Đại học Y khoa, ông đề nghị được giảng bài “Giải phẫu tai giữa”. Đây là bài có nhiều danh từ nước ngoài khó dịch sang tiếng Việt và khó diễn đạt nhất. Sau gần 2 giờ giảng hoàn toàn bằng tiếng Việt, trước sự tán thưởng của sinh viên, ông đã được các đồng nghiệp bắt tay chúc mừng. Giữa năm 1951, Cục Quân y đã cho xuất bản tập sách “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa” bằng tiếng Việt của ông. Ông đã được Hồ Chủ tịch trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba (năm 1953). Hòa bình lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp trở về làm việc với cương vị Hiệu trưởng Quân y sĩ Việt Nam, sau đổi tên thành Trường Sĩ quan Quân y (năm 1957), rồi Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (năm 1962) và Trường Đại học Quân y (năm 1967). Năm 1955, cùng với 10 nhà y dược học xuất sắc, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được phong hàm Giáo sư đợt đầu tiên của Việt Nam. Ông say sưa thực hiện những ước mơ khoa học hằng ấp ủ. Bên cạnh những công việc nặng nề là bắt tay xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật đầu tiên cho nhà trường, ông dành thời gian thích đáng cho việc củng cố, xây dựng và phát triển Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y khoa Hà Nội trên cương vị Chủ nhiệm bộ môn.
Mùa thu năm 1968, ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt chống trả lại những đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, tại Hà Nội, Hội Hình thái học Việt Nam đã được thành lập, tập hợp đông đảo các nhà nghiên cứu và giảng dạy giải phẫu, mô phôi, nhân trắc, nhân chủng, khảo cổ, di truyền sinh học, y học lao động, thể dục thể thao….ở nhiều cơ quan khoa học khác nhau do giáo sư Đỗ Xuân Hợp là người sáng lập và vị Chủ tịch Hội đầu tiên. Cho tới ngày nay, trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Hình thái học Việt Nam ngày các phát triển và hoạt động mạnh mẽ trong mái nhà chung của Tổng hội Y học Việt Nam (mà ông đã có nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch), đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển của y học nước nhà.
Cuối năm 1971, gần 20 năm sau ngày hòa bình lập lại, ông mới hoàn thành nốt tập cuối của Bộ sách Giải phẫu người đã khởi đầu từ những năm trường kỳ kháng chiến “Giải phẫu đại cương. Giải phẫu đầu mặt cổ”. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ khi tập cuối cùng của bộ sách giáo khoa về giải phẫu học đó ra đời và tái bản nhiều lần, nhưng bộ sách vẫn còn nguyên giá trị đối với các thầy thuốc và sinh viên y khoa ở nước ta. Tác giả của bộ sách sau này đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật đợt đầu tiên (năm 1996).
Với lòng nhiệt thành yêu nước, giáo sư Đỗ Xuân Hợp cũng rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế xã hội của Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, IV; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam, Bí thư Đảng bộ ĐảngXã hội Việt Nam Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội.
Sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch, giáo sư Đỗ Xuân Hợp khi bước sang tuổi 80 vẫn còn say mê làm việc. Mùa đông năm 1985, ông lâm bệnh nặng và buổi chiều 17 tháng 12 năm ấy, giáo sư đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm đau đớn, xót thương của gia đình, bạn bè, học trò và đồng nghiệp.
Các cống hiến chính, các tác phẩm chính[sửa]
- Hơn 100 bài báo khoa học bằng tiếng Pháp, tiếng Ngavà tiếng Việt in trong các tạp chí (từ 1936 đến 1985): Travaux de l’Institut Anatomique de la Faculté de Médecine, Revue Médicale Francaise d’Extrême-Orient., Bulletin de l’Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme, Bulletin de Société Medico-Chirurgicale de l’Indochine, Société Anatomique de Paris, Anthropologie, Travaux scientifiques, Revue Médicale, Archiv Anatomii Histologii i Embryologii, Y học Việt Nam, Y học thực hành, Hình thái học, Sinh lý học, Ngoại khoa, Khảo cổ học, Dân tộc học, Ngôn ngữ…
- Morphologie humaine ét anatomie artistique (cộng tác với P. Huard), 1944
- Recherches sur le système osseux des Annamites (Thèse de Doctorat en Médecine), 1944.
- Thực hành bệnh viện, 1947.
- Sổ tay dùng thuốc và chữa bệnh (cộng tác với Đỗ Tất Lợi), 1949.
- Danh từ Giải phẫu học, 1949
- Cốt học, 1950.
- Giải phẫu và thực dụng ngoại khoa chi trên, 1951.
- Giải phẫu và thực dụng ngoại khoa chi dưới, 1951.
- Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa, 1951 (tái bản nhiều lần).
- Giải phẫu và thực dụng ngoại khoa bụng, 1954 (tái bản nhiều lần).
- Giải phẫu đầu mặt, thần kinh và ngũ quan, 1960
- Từ điển Y học Pháp Việt, 1965 (cùng tập thể tác giả)
- Một số chuyên đề y học, tập III, 1966 (cùng tập thể tác giả)
- Giải phẫu ngực, 1968 (tái bản nhiều lần).
- Giải phẫu đại cương-Giải phẫu đầu mặt cổ. 1971 (tái bản nhiều lần).
- Nhìn tổng quát các xương, khớp, cơ, mạch máu, thần kinh của tứ chi và so sánh giữa chi trên và chi dưới, 1971.
- Hằng số sinh học người Việt Nam, 1975 (cùng tập thể tác giả)
- Một số thuyết cơ bản về y học cổ truyền của các dân tộc qua các thời đại, 1980.
- Giải phẫu chức năng và ứng dụng chi trên, chi dưới, 1981.
- Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong tuổi lao động, 1986 (là Chủ tịch Hội đồng biên tập cùng Nguyễn Tấn Gi Trọng).
Các phần thưởng, danh hiệu, giải thưởng[sửa]
- Giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp, 1949
- Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 1953
- Huân chương Quân công hạng Ba, 1979
- Huân chương Quân công hạng Nhất, 1984
- Huân chương Hồ Chí Minh, 1985
- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1985
- Giải thưởng Hồ Chí Minh, 1996 (truy tặng)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lê Gia Vinh: Tài danh Y học Việt Nam và Thế giới, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr 75-84.
- Nguyễn Quốc Triệu (Chủ biên): Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội, 2009, tr. 319-326.
- Nguyễn Thị Thịnh (Phu nhân GS. Đỗ Xuân Hợp): Hồi ký (Bản viết tay của tác giả)
- Phạm Gia Khánh (Chủ biên): Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp - Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Y học, Hà Nội, 2000.
- Trần Phương Hạnh: Từ điển danh nhân y học. NXB Y học, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr 112-113.
- Các tác phẩm, công trình khao học của GS. Đỗ Xuân Hợp từ 1940 đến nay