Đồng tiền chung Châu Âu sự hợp nhất về tiền tệ trong quá trình hình thành Liên minh châu Âu (EU), ra đời chính thức vào ngày 1.1.1999 (tiếng Anh: EURO), đơn vị tiền tệ hiện đang được 19 quốc gia thành viên EU và 6 nước và lãnh thổ không thuộc EU sử dụng chính thức, tạo thành Khu vực đồng euro (Eurozone).
Ý tưởng xây dựng Đồng tiền chung Châu Âu ra đời ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành EU, từ những tính toán chính trị và kinh tế mà nhân tố ảnh hưởng lớn nhất chính là hệ thống tiền tệ Bretton Woods (1944 -1971) do Mỹ thành lập và chi phối. Sự sụp đổ của trật tự tiền tệ Bretton Woods vào năm 1971 đã làm cho nền kinh tế của các nước châu Âu bị tác động mạnh mẽ mà trước hết là những cản trở thương mại. Nhằm giải quyết vấn đề trên, ý tưởng hình thành một đồng tiền chung được thúc đẩy nhanh chóng với sự ra đời của Hệ thống tiền tệ châu Âu và Đơn vị tiền tệ châu Âu (European Currency Unit –ECU) năm 1979.
Trên cơ sở của Đơn vị tiền tệ châu Âu, quá trình hình thành một đồng tiền chung được triển khai nhanh chóng với sự ra đời của Viện tiền tệ châu Âu vào năm 1994 - tiền thân của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Dấu mốc EU có 15 thành viên năm 1995 là một cột mốc có tính chất quan trọng thúc đẩy quá trình hình thành đồng EU một cách nhanh chóng hơn. EU 15 với các nền kinh tế hàng đầu châu Âu bao gồm: Anh, Ailen, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Italy, Lucxambourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, và Thụy Điển tạo ra tỉ trọng mậu dịch đáng kể trong tương quan với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ở thời điểm đó là Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, việc EU 15 tạo ra một thị trường thống nhất và mở rộng cũng đưa ra đòi hỏi về việc sử dụng một đồng tiền chung để có thể mang lại giá trị thương mại tương xứng với một thị trường thống nhất.
Ngày 16.12.1995, sau nhiều lần thảo luận, Hội đồng châu Âu quyết định lấy tên Đồng tiền chung Châu Âu là EURO theo ý kiến đề nghị của Đức. Đồng thời, quá trình thảo luận để xây dựng những quy định cho các nước thành viên về cam kết tuân thủ quy định về ngân sách nhằm đảm bảo giá trị cho đồng EURO cũng đạt được kết quả bằng việc các Bộ trưởng Tài chính của EU ký Hiệp ước ổn định và tăng trưởng vào ngày 13.12.1996. Năm 1998 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được thành lập và đặt trụ sở tại Frankfurt (Đức). Đức là một trong hai quốc gia (Pháp và Đức) sử dụng đồng tiền của mình làm trụ cột cho đồng EURO, do đó ECB được xây dựng theo mô hình Ngân hàng trung ương Đức có mục đích duy trì sự ổn định của đồng EURO. Ngày 1.1.1999 đồng EURO chính thức được đưa vào sử dụng ở 11 quốc gia EU đầu tiên được đánh giá là đủ tiêu chuẩn.
Sau ba năm chuẩn bị, ngày 1.1.2002 đồng EURO chính thức được lưu hành ở các nước thành viên, bao gồm hai loại là tiền giấy và tiền kim loại. Trong giai đoạn chuyển đổi, EURO được sử dụng song song với tiền nội tệ của các quốc gia thành viên. Ngày 1.3.2002, đồng EURO trở thành đồng tiền hợp pháp duy nhất trong Eurozone.
Sự ra đời của Đồng tiền chung Châu Âu không chỉ là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu, mà còn là dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển hệ thống tài chính quốc tế. Đồng EURO đã trở thành đồng tiền quan trọng thứ hai thế giới (sau USD), chiếm khoảng 40% trong các giao dịch thương mại trên toàn cầu và là một trong 5 đồng tiền có mặt trong rổ tiền tệ dự trữ quốc tế.
Quá trình hình thành và phát triển của Đồng tiền chung Châu Âu là chưa hề có tiền lệ, do vậy cũng phải trải qua nhiều bước đi thăng trầm từ ý tưởng hình thành cho đến hiện thực hóa. Eurozone cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích cho rằng mô hình hợp nhất tiền tệ châu Âu bộc lộ quá nhiều bất cập, gây nên khủng hoảng tiền tệ và nợ công trầm trọng ở các nước thành viên. Bên cạnh đó, đối với những ý kiến ủng hộ, đồng tiền chung được coi là điển hình cho sự thành công trong nhất thể hóa châu Âu, là biểu tượng của liên minh và là trụ cột cho tiến trình nhất thể hóa đi tới thành công.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jacques Sapir, La fin de l'euro-libéralisme (Kết cục của chủ nghĩa tự do châu âu), Seuil, Paris, 2006.
- Christian Saint-Étienne, La Fin de l'euro (Kết cục của đồng euro), Bourin Éditeur, 2009
- Eurozone recession fears fade as growth picks up (Lo ngại suy thoái khu vực đồng euro giảm dần cùng với tăng trưởng kinh tế), https://www.washingtonpost.com/business/ eurozone-economy-picks-up-in-q1-growth-doubles-to-04percent/