Đồng minh Tứ cường liên minh bốn nước (Quadruple Alliance) gồm Anh, Nga, Áo, Phổ, được được thành vào ngày 20.11.1815 theo đề xuất của Anh với mục đích tập hợp lực lượng để ngăn chặn sự phục hồi của triều đại Bônapac ở Pháp, đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân và thực thi những điều khoản đã ký kết ở Hội nghị Viên (1815).
Đồng minh Tứ cường ra đời trong bối cảnh cuộc chiến tranh Napoleon (1803-1815) ở châu Âu bước sang giai đoạn kết thúc với sự thất bại của quân Pháp. Ngay trước khi đưa quân vào Pari (Pháp), các nước chủ yếu tham gia cuộc chiến tranh chống Napoleon Bônapac đã triệu tập Hội nghị ngoại giao tại thủ đô Viên của nước Áo với ba mục đích chính là: Trấn áp phong trào đấu tranh của các dân tộc ở các nước châu Âu và khôi phục trật tự của các nước bị Napoleon chiếm đóng; Củng cố chiến thắng và ngăn chặn sự phát triển của Pháp, lập thành luỹ phòng thủ ở châu Âu; Phân chia đất đai ở châu Âu. Tuy nhiên, hội nghị này kéo dài vì sự tranh chấp quyền lợi giữa các nước. Chỉ đến khi Pháp bại trận sau trận chiến Waterloo (13.6.1815) bởi liên quân Anh-Phổ, cuộc chiến tranh ở châu Âu mới kết thúc.
Tháng 6.1815, Hiệp ước Viên được ký kết với các nội dung chính liên quan đến bồi thường chiến phí, thành lập liên minh để ngăn chặn sự phục hồi của vương triều Bônapac, phân chia lại đất đai ở châu Âu trên cơ sở yêu cầu của các nước lớn thắng trận. Tại đây, Nga đề xuất thành lập Liên minh thần thánh bao gồm các nước theo đạo Thiên chúa tham gia vào cuộc chiến tranh chống Napoleon. Thực chất, đây là một liên minh gồm hầu hết nước quân chủ phản động ở châu Âu nhằm chống lại phong trào cách mạng của quần chúng. Nước Anh không tham gia vào tổ chức trên mà đề xuất thành lập Đồng minh Tứ cường gồm 4 nước Anh, Nga, Áo, Phổ.
Ngày 20.11.1815, sau khi buộc Pháp phải ký Hoà ước Paris thứ hai với các điều khoản bồi thường chiến tranh rất khắt khe, các nước Anh, Nga, Áo, Phổ chính thức ký kết thành lập Đồng minh Tứ cường. Bốn cường quốc cam kết ủng hộ thực thi Hiệp ước Pari thứ hai; cam kết mỗi nước sẽ đóng góp 6 vạn quân trong trường hợp một trong bốn nước bị tấn công hoặc Hoà ước Paris bị vi phạm. Đồng minh Tứ cường xác định rõ bốn nước sẽ dùng sức mạnh để duy trì quyết định của Hội nghị Viên đồng thời thiết lập hệ thống nghị viện, quản lý thông qua hội nghị. Những người đứng đầu 4 cường quốc sẽ họp hội nghị thường xuyên để bàn về các vấn đề trọng đại, duy trì lợi ích chung và những vấn đề liên quan đến việc duy trì hoà bình ở châu Âu. Cả bốn nước đều thống nhất là liên minh của họ vẫn sẽ duy trì lực lượng ngay cả khi quân đội của họ rút khỏi Pháp và sẽ triệu tập các hội nghị để bảo vệ sự cân bằng chính trị ở khu vực. Sau 3 năm, năm 1818, Pháp được chấp nhận gia nhập vào Liên minh tạo nên Liên minh ngũ cường (Quintuple Alliance).
Mặc dù thay đổi tên, Liên minh ngũ cường vẫn tiếp tục duy trì các nguyên tắc bảo vệ quyết định của Hội nghị Viên. Năm 1820, Liên minh đã phép quân đội Áo tiến hành các hoạt động quân sự ở Italy và năm 1823 cho phép sự can thiệp của Pháp vào Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do khác nhau về quan điểm chính trị, đặc biệt là sự xa rời của Anh khỏi các vấn đề nội bộ của châu Âu đại lục, Đồng minh ngũ cường dần suy yếu. Sau cái chết của Sa hoàng Nga Alexander I năm 1825, Đồng minh ngũ cường cùng với Đồng minh thần thánh hầu như không còn hoạt động.
Như vậy, cùng với Đồng minh thần thánh, Đồng minh Tứ cường là một tổ chức phản động ở châu Âu hồi đầu thế kỷ XIX nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng tư sản đối với các nước, nhất là những nước còn duy trì chế độ phong kiến quân chủ ở khu vực này. Tuy nhiên, tổ chức này cũng giúp duy trì trật tự và cân bằng quyền lực ở châu Âu cho đến khi hoàn toàn bị phá vỡ bởi Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Anh Thái, Từ điển tri thức lịch sử thế giới tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1992.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương lịch sử thế giới cận đại, tập một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
- Bộ thông sử thế giới vạn năm tập I, Hà Nội, 2000.
- Trần Nguyễn Du Sa, Trần Thế San, Nguyễn Anh Dũng, Tăng Văn Mùi, Nguyễn Hiếu Nghĩa, Bách khoa lịch sử thế giới, Hà Nội, 2004.
- Wolfgang Mochael, England under George I: The Quadruple Alliance (Nước Anh dưới thời vua George I: Đồng minh Tứ cường), Macmillan and Company, 1939.