Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đồng bằng
Đồng bằng châu Âu
Bản đồ đồng bằng Ấn-Hằng

Đồng bằng là phần bề mặt lục địa, đáy biển và đại dương tương đối rộng và bằng phẳng, có độ dốc dưới 5o, ít có biến động về độ cao.

Trên lục địa, Đồng bằng chiếm 20% diện tích, hình thành do sự biến đổi dần dần và tác động tương hỗ giữa lớp vỏ Trái Đất với các yếu tố bên ngoài. Theo độ cao, có: Đồng bằng trũng, độ cao tuyệt đối thấp hơn mực nước biển (Đồng bằng Prikaspie có độ cao tuyệt đối âm 26 m); Đồng bằng thấp, độ cao tuyệt đối dưới 200 m (Đồng bằng Tây Sibiri, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long…); Đồng bằng cao, độ cao tuyệt đối từ 200 m đến dưới 500 m (trong đó bao gồm cả cao nguyên; vd: Đồng bằng trung tâm nước Pháp); Đồng bằng cao trên núi, độ cao tuyệt đối từ 500 - 2.500 m, khác với cao nguyên ở chỗ nó bị các thung lũng chia cắt ở mức độ yếu hơn và rìa của chúng thường chuyển tiếp từ từ sang các sườn núi bao quanh. Theo đặc điểm bề mặt, có: Đồng bằng nghiêng thoải, có độ nghiêng chung về một hướng, nhưng góc nghiêng rất nhỏ; Đồng bằng nghiêng, có độ dốc chung về một hướng, nhưng góc nghiêng lớn hơn (thường là Đồng bằng nghiêng trước núi); Đồng bằng lõm, có phần trung tâm thấp hơn xung quanh, thường nằm sâu trong lục địa và không có dòng thoát nước ra đại dương; Đồng bằng ven biển, có bề mặt san bằng và nghiêng chung về hướng biển; Đồng bằng gợn sóng, có độ cao dao động rõ rệt, là loại chuyển tiếp vào vùng đồi; Đồng bằng thung lũng, hình thành ở những đoạn thung lũng sông, đặc biệt ở những đoạn sông mở rộng.

Theo nguồn gốc phát sinh, có: Đồng bằng kiến tạo, Đồng bằng xâm thực, Đồng bằng bồi tích. Đồng bằng kiến tạo hình thành do sự vận động nâng lên của lớp vỏ Trái Đất hoặc sự hạ thấp mực nước biển làm bộc lộ phần bề mặt vốn ngập chìm trong nước. Đồng bằng xâm thực (bóc mòn) hình thành do tác động ngoại lực của các hiện tượng tự nhiên lên bề mặt lồi lõm của Trái Đất làm cho bề mặt trở nên bằng phẳng, trừ một số điểm cao nhỏ còn lại; thường có nền đất cứng. Đồng bằng bồi tích (dạng phổ biến nhất) hình thành do sự vận chuyển phù sa của các sông, biển bồi tích lại; phần lớn thấp dưới 100 m, phân bố tại các lòng chảo thấp, ven các biển, hồ, vùng hạ lưu của các hệ thống sông, tạo thành các vùng châu thổ, thường có nền đất yếu, nhiều hồ ao, sông ngòi, mùa mưa dễ bị ngập lụt.

Dưới đáy biển có Đồng bằng biển thẳm, Đồng bằng trũng các biển ven bờ và Đồng bằng thềm lục địa.

Ở Việt Nam, địa hình Đồng bằng chiếm gần 1/4 diện tích trên lục địa. Phần lớn Đồng bằng ở Việt Nam là dạng Đồng bằng châu thổ và Đồng bằng bồi tích ven biển được mở rộng ra phía biển. Bề mặt các Đồng bằng khá bằng phẳng, độ cao trung bình dưới 25 m, bị mạng lưới sông ngòi chia cắt mạnh, ngoài ra còn có một số nơi thấp trũng, lầy thụt (U Minh Thượng, U Minh Hạ). Một số Đồng bằng lớn, như Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ, Đồng bằng Thanh Hóa. Đồng bằng thềm lục địa của Việt Nam tương đối bằng phẳng, kéo dài, có diện tích khoảng 1 triệu kilomet vuông, được xác định theo Điều 17, Luật Biển Việt Nam 2012 và tuân thủ Điều 76, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Về góc độ quân sự, nhìn chung việc cơ động bằng cơ giới ở Đồng bằng là rất khó khăn, chủ yếu theo trục đường, bị yếu tố thủy văn chi phối; từ những đồi sót trong khu vực Đồng bằng chúng ta có thể quan sát rộng rãi mặt biển và các khu vực xung quanh hoặc khống chế một số cửa sông, bảo vệ, kiểm soát một số trục đường giao thông và ngã ba đường. Đối với Đồng bằng rộng lớn, địch có khả năng lợi dụng để đổ bộ đường không kết hợp với tiến công đường biển, nhưng khó thực hành với tốc độ lớn, sông ngòi, đê điều là những địa vật quan trọng trong tác chiến. Tính chất chiến thuật của địa hình Đồng bằng phụ thuộc chủ yếu vào thảm thực vật, nền đất và mức độ chia cắt của nó. Địa hình Đồng bằng chia cắt yếu thường cho phép thực hiện chuyển quân một cách nhanh chóng. Nền đất sét, bán đất sét của địa hình Đồng bằng cho phép vận chuyển binh khí kĩ thuật thuận lợi vào mùa khô. Nói chung, địa hình Đồng bằng thuận tiện cho việc sử dụng binh khí kĩ thuật. Địa hình Đồng bằng trống trải là địa hình không có các địa vật làm hạn chế tầm quan sát. Địa hình Đồng bằng bị che khuất nếu có nhiều cây cối, bụi rậm, điểm dân cư. Địa hình Đồng bằng cũng có thể có các khe, hồ và rừng, khi đó sẽ hạn chế khả năng cơ động của bộ đội và giảm tốc độ tiến công. Với địa thế bằng phẳng, mạng lưới giao thông phát triển, địa hình Đồng bằng thuận lợi cho hoạt động tiến công của các binh đoàn lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng trên chính diện rộng, chiều sâu lớn... nhưng tính chất bảo vệ của địa hình kém, khó thực hiện việc ngụy trang, nghi binh, tổ chức tác chiến phòng ngự.Đồng bằng là nơi tập trung nguồn nhân lực, vật lực lớn nhất của đất nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng và huy động nguồn lực cho chiến tranh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Trường Sĩ quan Lục quân 1, Giáo trình Địa lí quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương, Nxb Đại học Quốc gia hà Nội, 2008.
  4. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự - tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2009.
  5. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa lí quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2009.
  6. Bộ Tư lệnh Pháo binh - Trường Sĩ quan Pháo binh, Địa hình quân sự trong chiến đấu Pháo binh, Hà nội, 2014.
  7. Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (phiên bản điện tử).
  8. Đại Bách khoa toàn thư Nga, bản điện tử Bigenc.ru