Mục từ này cần được bình duyệt
Đồ mã

một loại lễ vật dâng cúng, được làm từ khung tre, dán giấy, hoặc chỉ làm từ giấy được coi như là một đồ lễ không thể thiếu trong quy trình của một số nghi lễ của người Việt tại các chùa, điện thờ và tại các gia đình. Dâng cúng ĐM là một hành động nghi lễ quan trọng trong diễn xướng Lên đồng - một thực hành chính của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, trong ngày giỗ ông bà, tổ tiên, trong một số nghi lễ Phật giáo, trong các điện thờ như nghi lễ cắt giải tiền duyên, giải hạn, các đàn tràng,... ĐM cũng là một phần của các nghi lễ của cộng đồng làng dâng cúng thành hoàng vào dịp hội làng, trong lễ nghi của các gia đình vào ngày 23 tháng chạp tiễn Ông Công Ông Táo về trời, lễ Trừ tịch vào đêm giao thừa cầu tài lộc, may mắn đến cho gia đình vào dịp năm mới.

ĐM bình thường là những hiện vật, về khía cạnh vật chất không có nhiều giá trị bằng khía cạnh tôn giáo, tinh thần. Trong nghi lễ, ĐM hàm chứa những đức tin, ước vọng, thể hiện trách nhiệm tinh thần, đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và sự tôn thờ đối với thần thánh. ĐM được dâng cúng, và sau đó được hóa (đốt) với ý nghĩa chuyển từ thế giới này sang thế giới bên kia cho tổ tiên, thần thánh. ĐM được dùng trong các nghi lễ với số lượng và kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào người làm lễ, loại nghi lễ, bối cảnh thực hành nghi lễ. Trong nghi lễ, các lễ vật là ĐM được gán cho các ý nghĩa tôn giáo khác nhau, thể hiện quan điểm, đức tin của người làm lễ, đồng thời phản ánh hệ thống tín ngưỡng của người Việt tin vào thế giới đa thần.

Tục dâng cúng ĐM là một phần không thể thiếu trong một số nghi lễ, nhưng thật khó để truy tìm cội nguồn hình thành, lịch sử và sự phát triển của ĐM ở Việt Nam. Về lịch sử của ĐM, chuyện kể rằng có một sứ giả người Việt đã đến Trung Quốc vào thế kỷ XIII, học được cách làm ĐM và tập tục dâng cúng ĐM cho tổ tiên và thần linh. Về nước, ông đã ra lệnh cho người dân của mình sản xuất các lễ vật bằng giấy dâng cúng vào ngày giỗ. Tập tục này được lan truyền, và từ đó trở đi, người Việt bắt đầu thực hành và sử dụng các ĐM dâng cúng trong các nghi lễ liên quan. Qua thời gian và năm tháng, các loại ĐM, mẫu mã, ý nghĩa và cách dùng ĐM trong nghi lễ đã được dân gian bồi đắp, phản ánh quan điểm nhân sinh quan, đức tin, và mang nhiều mục đích, sắc thái, ý nghĩa và tính biểu trưng khác nhau.

Việc dâng cúng ĐM cho người chết và các vị thần linh là một đặc trưng của nghi lễ, về mặt văn hóa xã hội, thể hiện người có hiếu, có đức. Mọi người thực hiện những lễ vật này như một phần trong nghĩa vụ đạo đức, trách nhiệm của họ đối với người quá cố, với các vị thần thánh. Theo nghĩa rộng, các lễ vật ĐM phục vụ như một phần của hành động nghi lễ, thể hiện hệ thống tín ngưỡng, phản ánh văn hóa và quan hệ xã hội. Những lễ vật như vậy thể hiện sự hiến dâng cho các thần linh và phục vụ các mục đích tâm linh quan trọng: xua đuổi tà ma, xoa dịu các vị thần, đạt được sự hiệp thông, thiết lập mối quan hệ qua lại giữa thế giới trần gian và thế giới siêu nhiên. Việc dâng cúng đồ lễ nói chung và ĐM là một cơ chế nghi lễ phổ biến để đảm bảo sự thịnh vượng của cộng đồng và ước vọng của cá nhân. Trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt, dâng cúng ĐM như là một “nghĩa vụ đạo đức” của người sống đối với người quá cố và các vị thần linh. ĐM được sử dụng trong nghi lễ làm rõ hơn những mục đích của nghi lễ mà người làm lễ và thụ lễ mong mỏi, hướng tới đáp ứng những nguyện vọng và mong muốn của họ. ĐM còn là công cụ để người dâng lễ “thỏa thuận với thần thánh”, rằng “tán lộc” thì sẽ nhận được lộc.

Người ta có thể cho rằng việc dâng cúng ĐM là kết quả của những suy nghĩ tương tự và hợp lý của con người. Mọi người mong đợi rằng thế giới thần linh tương tự như thế giới của chúng ta. Người trần cung cấp cho người quá cố và các vị thần linh những gì họ nghĩ rằng trong thế giới vô hình, thần linh cũng cần như như đồ ăn, đồ uống, tiền, quần áo, v.v. Trong một số xã hội cổ đại, người Hy Lạp tin rằng một vị thần không khác gì con người về tính cách, tư duy, cuộc sống, vì vậy người thờ phụng thần sẽ hài lòng với việc được người thờ phụng dâng cúng các đồ lễ. Trong xã hội hiện đại, người Việt dâng cúng cho người quá cố và các vị thần những đồ dùng hàng ngày như xe cộ (xe hơi, xe đạp, xe máy, ngựa, hoặc phà), nhà ở và điện thoại di động phù hợp với nhu cầu, nghề nghiệp của người quá cố ở thế giới bên kia.

ĐM rất khác nhau đối với các loại nghi lễ, có thể chỉ là một ít vàng mã, tiền vàng, tiền giả, đô la dâng cúng vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, có thể là quần áo, khăn mũ dâng cúng cho người đã khuất vào ngày giỗ, nhưng cũng có thể là một đàn tràng, nhiều bộ ĐM khác nhau trong các nghi lễ cúng giải hạn, ra đồng mở phủ. Dù nhiều hay ít, và với những mục đích nghi lễ khác nhau, thì ĐM đều là một loại hiện vật dâng cúng chuyển tải nhiều ý nghĩa văn hóa, xã hội, mang tính biểu tượng, tôn giáo phụ thuộc vào người làm lễ và thụ lễ. Đối với những “lễ mỏng lòng thành” của con cháu với cha mẹ, ông bà đã mất, họ dâng đồ lễ chỉ mong sao ở thế giới bên kia những người đã khuất được đầy đủ, không bị lạnh lẽo, có cuộc sống tốt đẹp sau khi chết. Việc dâng lễ này cũng thể hiện sự quan tâm, lòng hiếu thảo như là một nghĩa vụ, trách nhiệm mang tính đạo đức của người sống đối với người chết. Còn đối với một nghi lễ với nhiều đồ lễ cho các vị thần thánh bao gồm voi, ngựa, bè, mảng, hình nhân thế mạng, trang phục, người hầu, v.v, người làm lễ dâng cho vị thánh với cái tâm và lòng thành, trông chờ vào sự che chở và ban tài phát lộc của vị thánh đó cho họ ở thế giới dương gian.

Như vậy, việc dâng cúng và đốt vàng mã được cho là sự chuyển đổi các hiện vật vật chất của thế giới trần gian tới những người đã khuất, thần thánh như là sợi dây kết nối giữa thế giới trần gian và thế giới siêu nhiên, sự thể hiện trách nhiệm đạo đức, tinh thần của người sống với người chết, sự tôn thờ của tín đồ đối với thần thánh.

Tài liệu tham khảo:

Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 1991.

Nguyễn Thị Hiền, “A bit of a Spirit Favor is equal to a Load of Mundane Gifts”: Votive Paper Offerings of Len Dong Rituals in Post-Renovation Vietnam (Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”: Đồ mã trong nghi lễ Lên đồng ở Việt Nam sau Đổi mới), trong Possessed by the Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities (Nhập đồng: Lên đồng trong cộng đồng người Việt Nam đương đại), Cornell South East Asia Program, Boston, 2006, tr.127-142.

Nguyễn Thị Hiền, Len dong Spirit Possession Ritual and Votive Offerings: Spiritual Meanings and Policies of Secularization (Nghi lễ Lên đồng và đồ mã: Ý nghĩa tâm linh và chính sách thế tục hóa). Bài trình bày tại Hội thảo lần thứ 13 của Hội nghiên cứu shaman giáo quốc tế (ISARS), Hà Nội, 2017.

Nguyễn Thị Hiền, The Religion of the Four Palaces: Mediumship and Therapy in Viet Culture (Tứ phủ: Lên đồng và trị liệu trong văn hóa Việt Nam), Nxb. Thế giới, 2019.

Bell, Catherine, Ritual: Perspectives and Dimensions (Nghi lễ: Cách tiếp cận và các thể loại), Oxford University Press, New York, 1997.

Malarney, Shaun, Culture, Ritual, and Revolution in Vietnam (Văn hóa, nghi lễ và cách mạng ở Việt Nam), Routledge Curzon, London, 2002.