Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đối tượng tác chiến

Đối tượng tác chiến là lực lượng vũ trang đối địch của một quốc gia hoặc liên minh các quốc gia đang hoặc sẽ tiến hành chiến tranh xâm lược, lực lượng phản động trong và ngoài nước gây bạo loạn vũ trang.

Đối tượng tác chiến của quân và nhân dân các nước chống xâm lược là quân đội các nước đế quốc và đồng minh của chúng. Trong lịch sử, điển hình là quân đội nhà nước phong kiến Mông - Nguyên đã nhiều lần xâm lược Việt Nam; quân đội đế quốc Mông Cổ thế kỷ XIII đã chinh phục từ Á sang Âu; quân đội Anh trong thế kỷ XVIII đã đi xâm chiếm nhiều nước làm thuộc. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, là cuộc đối đầu của quân đội các nước đế quốc, nhằm phân chia lại thế giới. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, là cuộc chiến tranh lớn nhất trong thế kỷ XX do quân đội phát xít Đức, Ý, Nhật tiến hành nhằm tiến công chinh phục Liên Xô và phân chia lại thế giới. Gần đây là quân đội Mĩ và đồng minh của Mĩ (liên quân) trong các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991), Nam Tư (1999), Irắc (2003)… Với Việt Nam, trong thế kỷ XX phải đương đầu với quân đội hai nước đế quốc to nhất của thời đại là quân đội thực dân Pháp và quân đội đế quốc Mĩ và quân đội các nước đồng minh chư hầu cùng đội quân đội của chính quyền tay sai bản địa; ngoài ra sau chiến tranh giải phóng, vào cuối thập kỉ 70 chúng ta còn phải tiến hành 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc chống lại quân đội nước ngoài xâm lược.

Căn cứ vào tính chất, quy mô lực lượng tác chiến có Đối tượng tác chiến: chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đối tượng tác chiến chiến lược là các cụm lực lượng tác chiến liên hợp của lục quân, hải quân đánh bộ, đổ bộ đường không và các quân chủng, binh chủng, lực lượng bảo đảm của nước đối địch và đồng minh, tay sai, cùng lực lượng phản động gây bạo loạn vũ trang từ bên trong. Đối tượng tác chiến chiến dịch thường là các liên binh đoàn tác chiến liên hợp hoặc quân đoàn; trên các hướng thường sử dụng lữ đoàn, sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới, hải quân đánh bộ, đổ bộ đường không làm đơn vị cơ bản được sự chi viện của không quân, pháo binh (pháo hạm), tên lửa đánh phá mãnh liệt ngày, đêm trên toàn bộ địa bàn tác chiến, nhưng tập trung có trọng điểm kết hợp chặt chẽ với lực lượng gây bạo loạn vũ trang từ bên trong. Đối tượng tác chiến chiến thuật thường là các lữ đoàn, tiểu đoàn (trong đội hình lữ đoàn) bộ binh, bộ binh cơ giới, lực lượng đổ bộ đường không chiến thuật và lực lượng yểm trợ, trong đội hình cấp trên hoặc độc lập tác chiến, kết hợp với lực lượng bạo loạn vũ trang bên trong.

Theo môi trường tác chiến, có Đối tượng tác chiến: trên không (vũ trụ), trên biển, trên bộ, trên không gian mạng. Đối tượng tác chiếntrên không là các loại máy bay (ném bom, tiêm kích, cường kích, vận tải, chở quân, trực thăng, trinh sát cấp chiến lược và chiến thuật), tên lửa hành trình các loại. Đối tượng tác chiến trên biển là lực lượng hải quân đánh bộ, các loại tàu chiến, tàu chi viện hỏa lực, tàu hộ tống, tàu vận tải, tàu ngầm, lực lượng không quân hải quân và lực lượng trinh sát, người nhái. Đối tượng tác chiến trên bộ là lực lượng lục quân, gồm: bộ binh, bộ binh cơ giới, xe tăng thiết giáp; lực lượng các quân chủng, binh chủng: pháo binh, công binh, phòng không, thông tin, hóa học…; lực lượng đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, lực lượng đặc nhiệm và lực lượng vũ trang phản động trong và ngoài nước. Đối tượng tác chiến của lực lượng tác chiến không gian mạng là các thế lực có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Theo loại hình tác chiến, có Đối tượng tác chiến của: phòng ngự, phòng thủ; phản công; tiến công. Đối tượng tác chiến của phòng thủ, phòng ngự là lực lượng địch tiến công hỏa lực, lực lượng tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không ở các quy mô tiến công từ ngoài vào, lực lượng phản động có vũ trang ở trong và ngoài nước. Đối tượng tác chiến của phản công, tiến công là các cụm lực lượng địch ở trạng thái tiến công nhưng đã bị tác chiến phòng thủ, phòng ngự của ta chặn đánh, gây thiệt hại, sức mạnh và tốc độ tiến công suy giảm, có bộ phận đang tiến công, có bộ phận tạm dừng, có bộ phận phải lâm thời phòng ngự hoặc quá trình tiến công, địch bị đánh thiệt hại nặng phải chuyển vào phòng ngự hoặc đã chiếm được mục tiêu, tổ chức phòng ngự khu vực để giữ địa bàn, củng cố lực lượng tiếp tục tiến công, các trường hợp trên đều có kết hợp với lực lượng vũ trang phản động trong và ngoài nước.

Ngày nay, với chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, Việt nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kì thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam, lực lượng vũ trang của các đối tượng trên là Đối tượng tác chiến của ta. Vấn đề đối tác và đối tượng luôn có những diễn biến phức tạp, nhạy cảm, cần phải quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, giữ vững nguyên tắc chiến lược, vận dụng mềm dẻo sách lược; đặc biệt chú trọng phân tích, đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu của Đối tượng tác chiến để vận dụng sáng tạo phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân, đánh thắng các hình thái chiến tranh mới của địch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Quốc phòng, từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  3. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
  4. Bộ Tỏng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phản công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  5. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch tiến công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
  6. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  7. Bộ tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  8. Bộ tổng tham mưu, tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2018.
  9. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019 ( Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2019) Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.