Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Định kiến văn hoá tộc người

Định kiến văn hoá tộc người là quan điểm hay niềm tin sai lệch mang tính rập khuôn về đặc tính văn hoá của một tộc người hay nhóm tộc người dựa trên sự khác biệt về văn hoá và lối sống giữa nhóm định kiến và nhóm bị định kiến.

Là một xu hướng tâm lý được hình thành trong bối cảnh của sự tiếp xúc, giao lưu giữa các truyền thống văn hoá khác nhau, định kiến văn hoá tộc người xuất hiện sớm trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, định kiến văn hoá tộc người trở nên rõ nét hơn vào thế kỉ XVII khi quá trình thuộc địa hoá của da trắng châu Âu được mở rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới như châu Phi, châu Á và Mỹ La Tinh. Trong quá trình tiếp xúc với văn hoá của người bản địa, những người thực dân da trắng, dựa trên quan điểm vị chủng lấy hệ giá trị của văn hoá và lối sống châu Âu làm trung tâm, đã so sánh và khái quát hoá những đặc điểm mang tính tiêu cực về các truyền thống văn hoá này. Sự khác biệt giữa văn hoá và của người châu Âu da trắng và các truyền thống văn hoá của các tộc người bản địa ở các châu lục mà họ xâm chiếm được đánh giá, nhìn nhận thông qua các phạm trù đối lập như văn minh – lạc hậu, tiến bộ - thấp kém, vv… Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, sự hình thành các quốc gia - dân tộc (nation – state) ở các nước hậu thuộc địa đã tạo cơ sở cho việc hình thành định kiến văn hoá tộc người ở các dạng thức mới và bối cảnh mới. định kiến văn hoá tộc người, trong bối cảnh này, không còn chỉ là hiện tượng diễn ra trong mối quan hệ giữa người châu Âu và các tộc người bản địa mà là giữa các tộc người đã từng là nạn nhân của định kiến văn hoá của người châu Âu da trắng với nhau. Tuy nhiên, giống như định kiến văn hoá tộc người tồn tại ở thời thực dân, trong bối cảnh của các quốc gia - dân tộc, các tộc người có dân số đông hơn và có ưu thế về quyền lực thường có định kiến đối với văn hoá của các tộc người yếu thế hơn.

Giống như các loại định kiến khác, chẳng hạn như định kiến trên cơ sở của sự khác biệt về giới, giai cấp, hay chủng tộc, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, định kiến văn hoá tộc người mang tính xã hội. Các quan điểm hay diễn ngôn mang tính rập khuôn, khái quát hoá và mang tính tiêu cực đối với truyền thống văn hoá của một tộc người, thông qua các diễn ngôn thường ngày và những diễn ngôn mang tính thể chế (trường học, truyền thông, chính sách, vv…), trở thành “sự thật” và được số đông tin tưởng, đặc biệt là những người không có những trải nghiệm trực tiếp với truyền thống văn hoá bị định kiến. Kiến tạo xã hội với những đặc điểm tiêu cực áp đặt từ bên ngoài tạo ra sự tự định kiến trong bản thân những nhóm tự định kiến. Nhập tâm hóa các đặc tính và hình ảnh tiêu cực do người bên ngoài gắn cho mình, các nhóm bị định kiến thường tự đánh giá các thực hành văn hoá của họ dưới con mắt tiêu cực, dẫn đến tự ngoài lề hoá văn hoá.

Định kiến văn hoá tộc người là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Nó không chỉ diễn ra trong diễn ngôn đời thường mà còn được thể hiện trong các diễn ngôn chính thống (trên truyền thông, trong chính sách và đặc biệt là trong các công trình nghiên cứu về văn hoá các tộc người). định kiến văn hoá tộc người ở trong tương tác xã hội hàng ngày thường mang tính đa chiều, tức tộc người này định kiến về văn hoá tộc người kia và ngược lại. Tuy nhiên, định kiến văn hoá tộc người trong diễn ngôn chính thống thường diễn ra một chiều, trong đó văn hoá các tộc người thiểu số thường được khái quát hoá và dán nhãn các đặc tính tiêu cực như cổ hủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, vv… trong so sánh với văn hoá của người Kinh đa số. Tuy sự định kiến này đã tồn tại lâu đời trong lịch sử, từ khi có sự tiếp xúc giữa người Kinh với các tộc người thiểu số khác, song trong bối cảnh hiện đại, định kiến trong các diễn ngôn chính thống, đặc biệt là trong các công trình nghiên cứu, về văn hoá các tộc người thiểu số được hình thành và củng cố bởi góc nhìn Tiến hoá luận đơn tuyến về sự khác biệt văn hoá. Là một lý thuyết về đa dạng và khác biệt văn hoá ra đời từ cuối thể kỉ 19 châu Âu, học thuyết này giả định rằng, lịch sử văn hoá loài người đều trải qua một con đường phát triển duy nhất từ thấp đến cao. Sự khác đa dạng và khác biệt văn hoá cũng như lối sống là sản phẩm của sự tiến hoá không đều và văn hoá của các tộc người ở nấc thang tiến hoá cao hơn được coi là tiến bộ và văn minh hơn. Do ảnh hưởng từ góc nhìn lý thuyết này cùng với quan điểm vị chủng của các nhà nghiên cứu là người Kinh, sự khác biệt và đa dạng văn hoá của các tộc người thiểu số so với văn hoá của người Kinh đa số được coi là hệ quả của sự tiền hoá không đều, trong đó các tộc người thiểu số được tin là đang ở nấc thang tiên hoá thấp hơn và do đó văn hoá của họ lạc hậu và thấp kém hơn. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, góc nhìn lý thuyết này không chỉ làm cho các thực hành văn hoá và văn hoá dân gian đơn lẻ, chẳng hạn như canh tác nương rẫy, sở hữu cộng đồng, cúng chữa bệnh, hay nhiều nghi thức cúng lễ truyền thống bị diễn giải sai lệch, mà toàn bộ truyền thống văn hoá của nhiều tộc người thiểu số được khái hoá thành các đặc tính có tính điểm tiêu cực.

Từ đổi mới 1986 đến nay, do sự thay đổi về nhận thức và sự phát triển của quan hệ trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, định kiến văn hoá tộc người, đặc biệt là hình ảnh về văn hoá các tộc người thiểu số trong diễn ngôn đời thường và diễn ngôn chính thống đã đã từng bước được thay đổi. Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá và văn hoá dân gian, diễn giải mang tính định kiến về văn hoá các tộc người thiểu số vẫn xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu, song đây không còn là quan điểm nghiên cứu chủ đạo trong giới nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Allport, Gordon, The Nature of Prejudice. Addison-Wesley, Massachusetts, 1954.
  2. McElwee, Pamela, Policies of prejudice: ethnicity and shifting cultivation in Vietnam, Watershed, 5(2):30-38, 1999.
  3. Link BG, Phelan JC, Conceptualizing stigma, Annual Review of Sociology, Vol. 27 363-85, 2001.
  4. Scott, Plous (Ed.), Understanding prejudice and discrimination, McGraw-Hill, New York, 2003.
  5. Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương, Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hoá – sinh kế tộc người, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2013.
  6. Phạm Quỳnh Phương và các cộng sự, “Miền núi cần tiến kịp miền xuôi”: Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2015.