Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Định hướng trên thực địa

Định hướng trên thực địa xác định vị trí đứng, các địa vật và yếu tố địa hình theo đúng phương hướng trên thực địa, từ đó nhận đúng các mục tiêu và hướng vận động cần thiết.

Thời kỳ cổ đại cách đây hàng nghìn năm, con người đã biết định hướng bằng nhận dạng các địa vật rõ nét trên bờ, Mặt trời, sao Bắc cực, hướng gió chính kết hợp với các phương tiện điều khiển bằng tay để dẫn tàu thuyền đi biển. Khoảng 2.000 năm trước công nguyên, người Trung Quốc chế tạo ra la bàn dạng sơ khai sử dụng trong ngành hàng hải. Với sự ra đời của la bàn từ (ở các nước Arập thế kỷ VII-VIII, ở Châu Âu thế kỷ XII), bản đồ biển theo phép chiếu Mercator (thế kỷ XVI), dẫn đường bằng các thiết bị vô tuyến, thủy âm (thế kỷ XX), vệ tinh nhân tạo… đã giúp cho con người Định hướng trên thực địa thuận lợi hơn.

Trong quân sự, Định hướng trên thực địa là công tác được thực hiện thường xuyên trong quá trình huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị Lực lượng vũ trang, có vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động tác chiến. Khi thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, hành quân và chiến đấu, bộ đội phải thường xuyên làm công tác định hướng. Người chỉ huy phải biết định hướng nhanh chóng và chính xác trên mọi địa hình nhằm đưa ra các mệnh lệnh chiến đấu chính xác và kịp thời. Định hướng trên thực địa nhằm giải quyết ba nhiệm vụ: nhận dạng địa hình xung quanh theo địa vật, dáng đất, nhất là các vật định hướng; xác định vị trí đứng và vị trí các mục tiêu quân sự; xác định và giữ đúng hướng hành quân. Trong ba nhiệm vụ trên, việc xác định và giữ đúng hướng hành quân trong mọi tình huống là nhiệm vụ quan trọng nhất. Có ba phương pháp chính: định hướng đơn giản, định hướng bằng la bàn (địa bàn) và định hướng bằng bản đồ.

Định hướng đơn giản là dựa vào vị trí của các thiên thể hoặc các địa vật để xác định phương hướng; có các phương pháp: định hướng theo Mặt Trời và đồng hồ (xác định phương nam bằng cách xoay đồng hồ sao cho kim giờ hướng về mặt trời, đường phân giác của góc giữa cạnh kim giờ và cạnh hướng qua số 12 chính là phương nam), định hướng theo sao bắc cực (sao Bắc cực luôn ở phương bắc, độ lệch của sao so với hướng bắc thực không quá 30), định hướng theo Mặt Trăng (vận dụng lúc đêm nhiều mây không thấy sao bắc cực, xác định phương địa cầu dựa vào hình dạng của mặt trăng tại các thời điểm khác nhau), định hướng theo đặc điểm địa vật (đây là phương pháp đơn giản nhưng kém tin cậy, chỉ sử dụng nó khi cần thiết, dựa vào một số đặc điểm tự nhiên như: cành lá phía nam xanh tốt hơn cành lá phía bắc, Vỏ cây phía bắc thô và dày hơn phía nam, Vòng tuổi (lõi) thân cây lệch về phía bắc, Kiến thường làm tổ ở phía nam cây nhiều hơn phía bắc, Trái cây khi chín ngả màu vàng từ phía nam…).

Bảng xác định phương hướng dựa vào hình dạng và thời điểm quan sát Mặt trăng
Hình dạng mặt trăng Chiều, lúc 18 giờ Đêm, lúc 24 giờ Sáng, lúc 6 giờ
Thấy nửa phải Phía nam Phía tây
Thấy toàn bộ(tròn) Phía đông Phía nam Phía tây
Thấy nửa trái Phía đông Phía nam

Định hướng bằng la bàn là quá trình sử dụng la bàn xác định hướng trên thực địa theo phương vị nam châm, phương pháp này được sử dụng chủ yếu trong quá trình hành quân theo góc phương vị và khi tìm địa vật theo phương vị và khoảng cách cho trước.

Định hướng theo bản đồ là quá trình sử dụng bản đồ kết hợp với các yếu tố khác để xác định hướng và vị trí các mục tiêu trên thực địa; có ba phương pháp định hướng bản đồ: định hướng bản đồ theo la bàn, định hướng bản đồ theo địa vật dài thẳng, định hướng bản đồ theo phương hướng giữa hai địa vật; định hướng theo bản đồ là phương pháp thường xuyên được người chỉ huy bộ đội thực hiện. Ngoài ra có thể sử dụng ảnh hàng không để định hướng, phương pháp này phù hợp với những khu vực trống trải, ít có vật định hướng hoặc khu vực địa hình có nhiều thay đổi; trong trường hợp thiếu vật định hướng và tầm nhìn bị hạn chế (đêm tối, sương mù,...) người ta sử dụng xe đo nối địa hình để định hướng. Ngày nay, máy định vị vệ tinh được trang bị phổ biến trong toàn quân, đã trở thành người bạn đồng hành của người chiến sĩ trong hành quân. Các máy định vị vệ tinh cầm tay hoặc được gắn trên các phương tiện quân sự cho phép xác định vị trí trên mặt đất, trên không, trên biển, v.v… trong mọi điều kiện khí tượng, thời tiết; xác định phương hướng tại thực địa, cho phép tìm kiếm và dẫn đường trong mọi hoạt động. (917 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng Tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 1987.
  2. Trường Sĩ quan Pháo binh, Địa hình Pháo binh, Hà Nội, 2001.
  3. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
  5. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  6. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Từ điển Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, 2018.