Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa lý quân sự

Địa lý quân sự là chuyên ngành địa lý, nghiên cứu những điều kiện chính trị - quân sự, kinh tế - quân sự, khả năng quân sự của các nước (liên minh các nước), điều kiện tự nhiên và thiết bị tác chiến của các chiến trường, các nước, các khu vực, hướng chiến lược và ảnh hưởng của những điều kiện đó đối với việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.

Khái niệm Địa lý quân sự xuất hiện trong lĩnh vực khoa học địa lý Nga từ thế kỷ XVIII, được công nhận chính thức vào những năm 30 của thế kỷ XIX. Ở Việt Nam, khái niệm Địa lý quân sự xuất hiện muộn hơn so với thế giới, năm 1959 công tác Binh yếu địa chí được triển khai. Tuy nhiên, đến năm 1974 công tác Địa lý quân sự bắt đầu được hình thành và nghiên cứu có hệ thống. Năm 1978, công tác Binh yếu địa chí được thống nhất với công tác Địa lý quân sự thành Địa lý quân sự. Từ những năm 80 thế kỷ XX, công tác Địa lý quân sự trong toàn quân do Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu là trung tâm hiệp đồng tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) thực hiện.

Địa lý quân sự gồm có ba bộ phận, đó là: lý luận chung về Địa lý quân sự, Địa lý quân sự các nước và Địa lý quân sự các chiến trường. Lý luận chung về Địa lý quân sự nghiên cứu và xác định nội dung, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu của Địa lý quân sự; nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố Địa lý quân sự đến việc tiến hành chiến tranh vũ trang và sử dụng các lực lượng, các quân chủng, binh chủng. Địa lý quân sự các nước nghiên cứu vị trí địa lý, vị trí chiến lược của nước mình với các nước khác, giữa các nước có liên quan với nhau; các điều kiện địa lý tự nhiên; chế độ xã hội và nhà nước; cơ cấu và trình độ phát triển sản xuất, thành phần và sự phân bố dân cư; việc xây dựng thế trận chiến tranh của quốc gia, tình hình phòng thủ dân sự, đánh giá tiềm lực quân sự của đất nước, trình độ sẵn sàng chuyển sang kinh tế thời chiến. Địa lý quân sự chiến trường nghiên cứu các nhân tố có ảnh hưởng đến tác chiến của lực lượng vũ trang, thành phần và vai trò của mỗi chiến trường, trình độ thiết bị và không gian chiến trường. Nghiên cứu điều kiện chính trị xã hội, tập trung vào phân tích chế độ xã hội, thể chế nhà nước, trật tự xã hội, các bộ phận cấu thành giai cấp, dân tộc, tôn giáo, sự phân bố dân cư. Nghiên cứu chế độ xã hội để có thể đánh giá được khả năng huy động về tiềm lực chính trị quân sự và đưa ra các định hướng phát triển Địa lý quân sự trong điều kiện thời bình và thời chiến.

Nghiên cứu điều kiện kinh tế là nghiên cứu toàn diện trên các lĩnh vực: công nghiệp (cả công nghiệp quốc phòng), nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch…, đặc biệt phải xác định được các trung tâm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, đến việc xây dựng lực lượng vũ trang, việc huy động cho chiến tranh trong phạm vi một nước (liên minh các nước). Nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tập trung vào phân tích, đánh giá tổng quan các yếu tố địa lý tự nhiên (địa hình, thổ nhưỡng, các yếu tố khí tượng, thủy văn, thảm thực vật...), tính chất chiến thuật của địa hình các khu vực (chiến trường), khả năng ngụy trang, che dấu lực lượng… trên đất liền và trên biển (đại dương); từ đó rút ra những thuận lợi, khó khăn cho các hoạt động quân sự.

Thông tin Địa lý quân sự cung cấp cho người chỉ huy, cơ quan tham mưu, đơn vị các tài liệu địa lý quân sự để lập các phương án tổ chức phòng thủ, chuẩn bị chiến trường, tổ chức huấn luyện, bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch động viên và các nhiệm vụ quân sự khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Học viện quân sự cấp cao (Học viện quốc phòng), Địa lý quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.
  2. Bộ Quốc phòng - Trường Sĩ quan Lục quân 1, Giáo trình Địa lý quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.
  3. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  5. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa lý quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  6. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Từ điển địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.