Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa hình

Địa hình (tiếng Anh Relief, Terrain, Topography) là toàn bộ các hình dạng của bề mặt Trái đất khác nhau theo hình thái kích thước, nguồn gốc, tuổi và lịch sử phát triển.

Sự gồ ghề của bề mặt thạch quyển tạo ra Địa hình. Các lục địa chiếm gần 1/3 diện tích Trái đất là dạng Địa hình có độ cao dương; đáy biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích Trái đất là Địa hình có độ cao âm; bề mặt có độ cao là 0 gọi là bề mặt thủy chuẩn gốc - bề mặt nước biển trung bình nhiều năm ở trạng thái yên tĩnh được tưởng tượng kéo dài cắt ngang các lục địa và hải đảo tạo thành một bề mặt khép kín (mặt Geoid) sao cho tại mọi điểm đều có bề mặt nằm ngang vuông góc với phương của trọng lực (phương dây dọi). Địa hình dương trên lục địa được các nhà khoa học nghiên cứu khá tường tận, ngược lại Địa hình âm dưới đáy các đại dương được nghiên cứu ít hơn.

Địa hình được tạo thành do tác động tổng hợp của quá trình nội sinh (chuyển động kiến tạo của Trái Đất) và quá trình ngoại sinh (sự tác động của các lực bên ngoài gây ra bởi năng lượng Mặt Trời và sự quay của Trái Đất, trong đó trọng lực đóng vai trò quan trọng). Theo quy mô, Địa hình được chia ra: Địa hình cỡ hành tinh trải dài hàng vạn kilomet (Châu Á, Đại Tây Dương), vĩ Địa hình cỡ hàng nghìn kilomet (sa mạc Sahara), đại Địa hình cỡ hàng chục, hàng trăm kilomet (đồng bằng Sông Hồng), trung Địa hình cỡ hàng kilomet, tiểu Địa hình cỡ chục mét và vi Địa hình cỡ hàng mét. Đê điều, đường sá ở đồng bằng là những Địa hình nhân tạo. Việc nghiên cứu địa hình có tầm quan trọng lớn trong dân sinh, kinh tế và quân sự.

Trong quân sự, Địa hình được đánh giá theo đặc trưng của dáng đất, khả năng cơ động, điều kiện quan sát, ngụy trang và theo điều kiện tự nhiên khác. Trên lục địa, theo dáng đất Địa hình được chia ra: Địa hình đồng bằng, Địa hình đồi và Địa hình núi. Địa hình đồng bằng có bề mặt tương đối rộng và bằng phẳng, theo độ cao, có đồng bằng trũng, thấp, cao, trên núi; độ dốc không đáng kể (dưới 5o); đặc trưng của Địa hình đồng bằng là đồng ruộng và đồi thấp. Đồng bằng trũng có độ cao tuyệt đối thấp hơn mặt nước biển; đồng bằng thấp có độ cao tuyệt đối dưới 200 m; đồng bằng cao có độ cao tuyệt đối từ 200-500 m, đồng bằng trên núi có độ cao tuyệt đối trên 500 m. Địa hình đồi là dạng địa hình dương (lồi), kích thước không lớn, độ cao tương đối từ 25 m đến 300 m, độ cao tuyệt đối không quá 500 m; Địa hình đồi thường gồm những ngọn đồi riêng biệt phân bố không theo trật tự nào, giữa chúng là những khu vực trũng, dáng đất bằng phẳng, hoặc một nhóm các quả đồi kế tiếp nhau. Địa hình núi, nơi bề mặt Trái Đất có độ lồi lõm rất lớn và phức tạp, có độ cao trung bình trên 500 m. Dáng đất cơ bản của Địa hình núi là quả núi, khối núi và dãy núi với độ dốc tới 45o, nhiều dốc dựng đứng, nhiều vực, khe, suối sâu; lớp phủ bề mặt của Địa hình núi là đất, đất lẫn đá hoặc đá; thực phủ là rừng các loại hoặc cỏ lau và bụi cây. Theo đặc trưng của lớp phủ thực vật trên nền đất, có Địa hình sa mạc, Địa hình đồng cỏ, Địa hình rừng, Địa hình đầm lầy và Địa hình rừng đầm lầy, Địa hình sông nước.

Theo khả năng cơ động, có Địa hình có khả năng cơ động tốt, cơ động khó khăn và không thể cơ động. Theo điều kiện quan sát và ngụy trang, có Địa hình quang đãng, bán che khuất và che khuất; theo mức độ chia cắt có Địa hình chia cắt yếu, chia cắt trung bình và chia cắt mạnh.

Dưới đáy đại dương (biển), Địa hình bao gồm tất cả các dạng bề mặt đáy, như Địa hình thềm lục địa, vùng chuyển tiếp, đáy đại dương, vùng trũng giữa các dãy núi ngầm. Nghiên cứu Địa hình đáy đại dương (biển) nhằm đánh giá ảnh hưởng của Địa hình đáy biển đến hoạt động tác chiến của hải quân và hiệu quả sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự (việc đi lại của tàu thuyền, thiết bị trinh sát, bố trí vật cản...), xây dựng các công trình ngầm...

Đặc điểm Địa hình ảnh hưởng lớn đến hoạt động tác chiến, việc nghiên cứu toàn diện và đánh giá đúng về Địa hình có ý nghĩa xuyên suốt nhiệm vụ chiến đấu. Người chỉ huy cần phải nắm chắc Địa hình, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Địa hình sát với từng tình huống chiến đấu nâng cao hiệu quả của trận chiến đấu. (853 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2004.
  2. Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.
  3. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự - tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  4. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Tổ chức tham mưu địa hình trong Lực lượng vũ trang, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  5. Bộ tư lệnh Pháo binh, Từ điển pháo binh, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà nội, 2010.
  6. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Từ điển địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  7. . Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển bách khoa toàn thư việt nam, bản điện tử.
  8. Nguyễn Đức Tuấn, Địa lý kinh tế học, Nxb Đồng Nai.
  9. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Địa lý 6, Nxb Giáo dục Việt Nam.