Địa chất khu vực là những lĩnh vực khoa học địa chất nghiên cứu địa chất trên quy mô khu vực rộng lớn. Địa chất khu vực nghiên cứu cấu trúc địa chất (phân bố các loại đá, nguồn gốc, tuổi, đặc điểm thế nằm) và lịch sử phát triển địa chất của những khu vực của một quốc gia, các lục địa hoặc đại dương và Trái đất, nói chung. Nó có nhiệm vụ cơ bản là thành lập bản đồ địa chất và các bản đồ chuyên môn về cấu trúc, kiến tạo, thạch học và trầm tích Đệ tứ,... dựa vào đo vẽ và khảo sát địa chất.
Địa chất khu vực tạo thành kết nối quan trọng giữa địa chất địa phương, đại lục và toàn cầu, góp phần làm sáng tỏ lịch sử địa chất Trái đất. Theo phân cấp lãnh thổ, dựa vào các khung kiến tạo và địa tầng chung, nghiên cứu địa chất khu vực cho phép so sánh các đặc trưng địa chất quan trọng giữa các vùng, hoặc giữa các khu vực rộng lớn trên thế giới để tìm ra sự tương đồng và khác biệt, từ đó có thể có các phát hiện mới. Địa chất khu vực góp phần làm rõ các khái niệm và kiểm chứng các mô hình vĩ mô và các lý thuyết toàn cầu như kiến tạo mảng, cổ đại dương, biến đổi khí hậu và thay đổi mực nước biển toàn cầu ...
Quy mô và ranh giới của mỗi khu vực được xác định theo các ranh giới địa chất có ý nghĩa và sự xuất hiện của các quá trình địa chất quan trọng, ví dụ ranh giới thay đổi tướng liên quan đến các bể trầm tích, hoặc biên trường lực nâng của một vùng tạo núi.
Ở tầm vĩ mô, địa chất khu vực được phân theo các châu lục: đại lục Á - Âu, Châu Phi; Châu Úc, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Nam Cực. Đại lục địa Á - Âu rộng lớn có diện tích khoảng 55.000.000 km2, chiếm khoảng 36,2% tổng diện tích lục địa Trái đất, được hình thành từ 375 đến 325 triệu năm trước do sự hợp nhất của các địa mảng Siberi, Kazakhstan và Baltic. Địa chất khu vực có thể phân theo các theo dãy núi lớn: Địa chất dãy An-pơ, Địa chất dãy Andes, Địa chất các dãy Appalachians và Rocky (Bắc Mĩ) và Địa chất dãy Himalaya,...
Địa chất châu lục thường được phân thành các đơn vị địa chất khu vực theo quốc gia. Ví dụ, trong khung địa chất châu Á, có địa chất khu vực các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam,...
Trong một quốc gia, địa chất khu vực được phân chia theo vùng cấu trúc hoặc theo địa phương. Lãnh thổ Việt Nam được chia thành 8 khu vực (miền) địa chất: Đông Bắc Bộ, Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Kon Tum, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cực Tây Nam Bộ và Trường Sa - Hoàng Sa. Đến nay, Bản đồ Địa chất Việt Nam đã được thành lập trên toàn quốc ở phần đất liền với các tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000 và 1:200.000.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- George H. Davis, Stephen J. Reynolds., Charles F. Kluth., Structural geology of rocks and regions (2rd ed.). John Wiley and Sons, INC., 776p, 2012.
- Roberts D. G., A. W. Bally (Eds.)., Regional Geology and Tectonics: Principles of Geologic Analysis, Elsevier, 900p, 2012.
- Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao (đồng chủ biên), Địa chất Việt Nam, tập I - Địa tầng, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2006.