Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa chất động lực công trình

Địa chất động lực công trình là hướng khoa học chuyên sâu của Địa chất công trình, nghiên cứu sự hình thành, bản chất, cơ chế, động lực phát triển và quy luật biến đổi không gian - thời gian của các quá trình địa chất tự nhiên và địa chất nhân sinh trong các tầng trên cùng của vỏ Trái đất, liên quan đến hoạt động kinh tế - xây dựng đang diễn ra hoặc theo quy hoạch của con người, cũng như nghiên cứu các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do các quá trình này gây ra.

Đối tượng nghiên cứu của Địa chất động lực công trình là các quá trình địa chất động lực công trình (xem mục từ quá trình Địa chất động lực công trình) bao gồm: quá trình địa chất tự nhiên và quá trình địa chất công trình, liên quan đến hoạt động kinh tế - xây dựng của con người, diễn ra trong các tầng trên cùng của vỏ Trái đất (môi trường địa chất).

Cấu trúc của Địa chất động lực công trình gồm 3 bộ phận:

  1. Địa chất động lực công trình chung, nghiên cứu sự hình thành, bản chất, cơ chế, động lực phát triển và quy luật biến đổi của các quá trình Địa chất động lực công trình
  2. Địa chất động lực công trình khu vực, nghiên cứu quy luật biến đổi không gian của các quá trình địa chất ngoại sinh
  3. Thạch luận động (đất xây dựng động), nghiên cứu sự biến đổi tính chất của môi trường địa chất theo thời gian.

Cơ sở lý thuyết nghiên cứu quá trình Địa chất động lực công trình là:

  1. Quá trình Địa chất động lực công trình là quá trình thay đổi liên tục trạng thái của môi trường địa chất do kết quả biến đổi tính chất và cấu trúc của nó theo thời gian trong quá trình tương tác giữa môi trường địa chất và môi trường xung quanh (bao gồm cả hệ thống kỹ thuật), hoặc giữa các hợp phần của môi trường địa chất
  2. Nguồn gốc hình thành và phát triển các quá trình Địa chất động lực công trình là kết quả tương tác giữa môi trường địa chất và môi trường xung quanh làm thay đổi hình dạng, gây chuyển dịch và thay đổi bản chất của môi trường địa chất
  3. Mức năng lượng và hình thức tương tác quyết định bản chất, cơ chế, quy luật biến đổi của quá trình Địa chất động lực công trình
  4. Các yếu tố chính quyết định sự phát sinh quá trình Địa chất động lực công trình gọi là nguyên nhân. Nếu chúng thuộc môi trường ngoài là nguyên nhân ngoài nếu thuộc môi trường địa chất là nguyên nhân trong. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến phát sinh quá trình Địa chất động lực công trình gọi là yếu tố điều kiện hỗ trợ
  5. Phân loại quá trình Địa chất động lực công trình phổ biến nhất được nhiều người thừa nhận là phân loại chung theo nguồn gốc hình thành của F.P. Xavarenski.

Phân loại chung các QTĐCĐLCT của F.P. Xavarenski được thể hiện như bảng sau:

Môi trường tác động Các quá trình Địa chất động lực công trình
Hoạt động của nước mặt Xói lở và phá hủy bờ biển, bờ hồ, xâm thực và phá hủy bờ sông, xói mòn, tạo khe rãnh, mương xói, lũ bùn đá
Hoạt động của nước ngầm Kart,xói mòn, đất chảy, cát chảy
Hoạt động của nước mặt và nước ngầm Lầy hóa, lún sập hoàng thổ, trương nở, ngót khô,...
Hoạt động của trọng lực Trượt lở, đá đổ, sụt đất
Đóng băng và tan băng Kart nhiệt, đông nở, băng cháy
Hoạt động của gió Thổi mòn, thổi tích, bão cát
Hoạt động của lực bên trong Trái đất Địa chấn, động đất
Hoạt động kỹ thuật của con người Tổ hợp nhiều quá trình khác nhau

Phương pháp nghiên cứu đánh giá và dự báo các quá trình Địa chất động lực công trình bao gồm:

  1. Phương pháp chung: triết học duy vật biện chứng và lý thuyết hệ thống
  2. Phương pháp địa chất: tổ hợp các phương pháp địa chất và phương pháp so sánh địa chất
  3. Phương pháp cơ bản: vật lý, hóa học, cơ học, toán học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Richard C, Selley, Encyclopedia of Geology, Elsevier Academic Press, vol.1, 2, 2005.
  2. Бондарик Г.К, Общая теория инженерной (физической) геологии, Недра, Москва, 1981.
  3. Бондарик Г.К, Пендин В.В, Инженерная Геодинамика, Москва, Унверкитет, 2007.
  4. Осипов В.И, Экзо геодинамические процессы, Москва, GEOC, 1999.