Mục từ này cần được bình duyệt
Địa chí

(地 誌)

tư liệu ghi chép, khảo cứu về địa lý đất nước và các địa phương trong lịch sử phát triển của Việt Nam. ĐC ghi chép về những nội dung, như: ranh giới, diên cách, hình thế, tên núi, tên sông, hay đường bộ và đường thủy, v.v... Mỗi đơn vị tư liệu ĐC còn ghi chép nhiều nội dung khác, như: khí hậu, phong tục, thành trì, trường học, hộ khẩu, khe đầm, cổ tích, đền chùa, đê điều, chợ, nhân vật, v.v...

Thư mục học Trung Quốc xếp các tác phẩm ĐC thuộc Sử bộ trong Tứ khố toàn thư. Thư mục học Việt Nam, xếp theo từng quan điểm của người biên soạn thư mục. Lê triều thông sử 黎朝通史mục Nghệ văn chí 藝文志, Lê Quý Đôn xếp ĐC vào phần Phương kỹ 方技. Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類志, mục Văn tịch chí 文籍 志, Phan Huy Chú xếp ĐC vào phần Hiến chương憲章. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Trần Văn Giáp xếp ĐC vào phần Địa lý, bao gồm 3 mục: Địa lý chí (địa lý toàn quốc), Sơn xuyên lý lộ (phong thủy), Địa phương chí (địa lý địa phương).

Tư liệu Hán Nôm ĐC sớm nhất ở nước ta do người Việt Nam biên soạn hiện còn lưu giữ là tác phẩm Nam Việt dư địa chí南越輿地誌 (thường gọi là Dư địa chí 與地志) của Nguyễn Trãi (1380-1442), ghi về địa lý triều Lê sơ.

Các thế kỷ sau, ĐC Việt Nam tiếp tục phát triển. Thời Mạc Cảnh Lịch (1548-1553) có cuốn Ô châu cận lục烏州近錄 do Dương Văn An biên soạn viết về địa lý Ô châu (miền đất Quảng Bình và Thừa Thiên Huế hiện nay). Thời Lê Trung hưng có Phủ biên tạp lục撫邊雜錄 do Lê Quý Đôn soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776) ghi chép về địa lý, lịch sử xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Thời Nguyễn, thư tịch ĐC ở nước ta rất phát triển, nhiều tác phẩm ĐC ra đời, ví dụ một số tác phẩm như: Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi địa lý các tỉnh Việt Nam; Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編 do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872) biên tập, khảo về địa lý Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Tự Đức thứ 8 (1855); Đồng Khánh địa dư chí 同慶地與志, ghi địa lý các tỉnh trong cả nước thời Đồng Khánh (1886 - 1888); v.v...

ĐC chia làm 2 loại chính: một là, quốc chí (tổng chí); hai là, địa phương chí (phương chí). Quốc chí ghi chép ĐC của cả nước, như: Dư địa chí 與地志, Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, v.v... Địa phương chí, ghi chép địa lý các địa phương, chia ra mấy loại nhỏ theo phan cấp hành chính, như: Khu vực chí ghi chép lịch sử, địa lý của vùng nào đó, hoặc miền nào đó, như Bắc kỳ địa chí 北圻地誌, Nam kỳ địa dư chí 南圻地輿誌, v.v... Tỉnh chí, ghi chép lịch sử, địa lý của tỉnh, như: Bắc Ninh tỉnh chí 北寧省誌, Nghệ An ký乂安記, v.v... Huyện chí (hoặc phủ chí), ghi chép lịch sử, địa lý của huyện hoặc phủ, như Đông Triều huyện chí 東潮縣志, Thanh Chương huyện chí 清章縣志, v.v... Xã chí, ghi chép lịch sử, địa lý của xã, như: Đông Ngạc xã chí 東鄂社誌, Trà Lũ xã chí 茶縷社誌, v.v... Thôn chí, ghi chép lịch sử, địa lý của thôn, như: An Hội thôn chí 安會村誌, v.v...

Về thể văn, ĐC chủ yếu sáng tác theo thể văn xuôi, nhưng cũng có một số tác phẩm sáng tác theo thể thơ (song thất lục bát, lục bát, ngũ ngôn,... chữ Nôm) và văn vần (phú,... chữ Hán). Văn tự viết các tư liệu dư ĐC Hán Nôm chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng được sử dụng nhưng rất ít. Từ thế kỷ XX, ĐC viết bằng chữ Quốc ngữ và ngôn ngữ khác.

ĐC truyền thống thường viết theo một khuôn mẫu nhất định, bao gồm các mục theo từng nội dung. Kết cấu ĐC của tỉnh Hải Dương trong Đại Nam nhất thống chí được trình bày theo thứ tự các mục như sau: 1/ Giới thiệu địa lý và vùng sao: ghi địa giới và vùng thuộc sao thiên văn; 2/ Thành lập và diên cách: ghi quá trình hình thành, phát triển và các phủ huyện trực thuộc theo từng thời kỳ lịch sử; 3/ Hình thế: mô tả hình thế núi, sông, đất đai, v.v… 4/ Khí hậu: ghi thời tiết và con nước; 5/ Phong tục: ghi về phong tục tập quán và làng nghề; 6/ Thành trì: ghi về vị trí, diện tích và quá trình hình thành, thay đổi, v.v…7/ Trường học: các trường học thuộc tỉnh; 8/ Hộ khẩu: ghi về số đinh; 9/ Thuế ruộng đất: ghi ngạch thuế, thu thóc hoặc thu tiền; 10/ Núi, sông: mô tả vị trí núi, sông và những bài văn mô tả hoặc bài thơ đề vịnh về núi, sông thuộc tỉnh; 11/ Cổ tích; 12/ Quan ải và cửa biển; 13/ Dịch trạm; 14/ Chợ quán; 15/ Cầu đò; 16/ Đê điều; 17/ Lăng mộ; 18/ Đền miếu; 19/ Chùa quán; 20/ Nhân vật; 20/ Hiếu tử; 21/ Liệt nữ; 22/ Đạo sĩ và nhà sư; 23/ Thổ sản.

ĐC đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác để biên khảo các công trình khoa học về Việt Nam học, văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, danh nhân, v.v... Nhiều tác phẩm ĐC được sử dụng như là những căn cứ pháp lí về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở biển Đông, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; góp phần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quí Đôn 黎貴惇, Đại Việt thông sử大越通史, ký hiệu A. 1389, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Phan Huy Chú 潘輝注, Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌, ký hiệu A.1551, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

3. Đại Nam nhất thống chí大南一統志, ký hiệu A.69/9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Nxb. Văn hóa, 1984.

5. Tạ Ngọc Liễn: “Tìm hiểu thể loại địa chí”, Nghiên cứu Lịch sử, số 6/1986.

6. Trần Nghĩa: “Dư địa chí, truyền bản và thể loại”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986.

7. Trịnh Khắc Mạnh, “Khảo sát tư liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/2009.