Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa đạo
Du khách trong lòng địa đạo

Địa đạo là công trình quân sự ngầm trong lòng đất, có hệ thống hầm hào nhiều nhánh, ngách, tầng và hệ thống lỗ thông hơi, chiếu sáng, nguồn nước để làm căn cứ tác chiến hoặc trú quân, sinh sống hay làm kho tàng.

Địa đạo thường được xây dựng ở những nơi đất cứng và ổn định, mực nước ngầm thấp; trong vùng địch tạm chiếm hoặc ở vùng sát địch.

Trên thế giớinhiều quốc gia đã xây dựng Địa đạo để phòng thủ đất nước. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-53), quân và dân Bắc Triều Tiên đã xây dựng nhiều Địa đạo để phòng thủ, nuôi giấu thương binh, bệnh binh, cất giấu hàng hóa... ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bước vào giai đoạn 4 của cuộc chiến tranh (7.1951-27.7.1953), giai đoạn vừa đánh vừa đàm, với những trận đánh quyết liệt giằng co diễn ra dọc vĩ tuyến 38. Quân đội Trung - Triều dựa vào các Địa đạo đã tổ chức phòng ngự kiên cường, ngăn chặn hiệu quả các cuộc tiến công của đối phương. Đặc biệt, trong chiến dịch phòng ngự ở Thượng Cam Lĩnh (10-11.1952), chí nguyện quân Trung Quốc chống lại cuộc tiến công của quân Mỹ ở Ngũ Thánh Sơn (h. Kim Hóa, Triều Tiên) giành thắng lợi lớn; 40.000 quân Trung Quốc trên diện tích phòng ngự 4 km2, dựa vào hệ thống đường hầm kiên cố, chịu đựng hơn 10.000 quả bom, 2.900.000 viên đạn pháo, đánh lui hơn 900 đợt xung phong, tiêu diệt hơn 25.000 quân Mỹ, giữ vững trận địa (là chiến dịch nổi tiếng để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tác chiến phòng ngự trong hầm ngầm, Địa đạo).

Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp (1945-54) và Kháng chiến chống Mỹ (1954-75), quân và dân Việt Nam đã xây dựng nhiều Địa đạo, điển hình là các Địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc, chiến khu Đ, Tân Phú Trung, Bời Lời...

Địa đạo Củ Chi ở h. Củ Chi, cách Sài Gòn 30 km, được xây dựng từ năm 1946 ở các xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, lúc đầu là những đoạn đường hầm ngắn để trú ẩn, cất giấu tài liệu và đường liên lạc dưới đất nối các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, sau trở thành Địa đạo chiến đấu, dài 17 km. Trong Kháng chiến chống Mỹ, được phát triển thành hệ thống với tổng chiều dài 200 km, gồm một tuyến chính rộng 0,6-0,7 m, cao 0,8-0,9 m, nóc hầm dày 3-4 m (chịu được xe tăng 50 t và đạn pháo). Nhiều nơi Địa đạo có cấu trúc ba tầng, có nhiều trục phụ nối với trục chính bằng cửa đóng kín và nhiều đường nhánh đi đến từng hầm bí mật, phòng làm việc của cơ quan, hội trường, bệnh viện; có nhiều lỗ thông hơi, chiếu sáng, giếng nước và các ngõ cụt dẫn đến bãi mìn... Quân đội Mỹ và Sài Gòn nhiều lần càn quét, sử dụng nhiều biện pháp như bơm nước, xả hơi độc xuống Địa đạo, dùng máy ủi, xe tăng hạng nặng, chó nghiệp vụ, đánh phá nhưng đều thất bại. Trong đợt càn 12 ngày đêm (8-19.1.1966) vào 6 xã thuộc h. Củ Chi, Quân đội Mỹ và Sài Gòn đã sử dụng 8.000 quân, 200 máy bay, 600 xe quân sự , 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn xe tăng..., đã bị quân và dân Củ Chi dựa vào hệ thống Địa đạo, bám trụ, đánh tiêu diệt 1.600 địch, bắn rơi 84 máy bay, phá hủy 77 xe tăng, xe thiết giáp... Từ năm 1966, bộ đội địa phương và dân quân du kích h. Củ Chi tổ chức xây dựng vành đai diệt Mỹ quanh căn cứ Sư đoàn bộ binh 1 Mỹ (sau đổi tên thành Sư đoàn bộ binh 25) ở Đồng Dù, gồm hệ thống Địa đạo dài 200 km, sâu 5-20 m, cùng 500 km đường hào lộ thiên trên địa bàn 40.000 ha. Dựa vào Địa đạo, quân và dân trên vành đai bám trụ, vận dụng nhiều hình thức tác chiến thích hợp, đánh bại nhiều cuộc hành quân lớn của địch. Đầu năm 1967, trong cuộc hành quân Xiđa Phôn, Mỹ sử dụng 600 lính công binh, 500 xe ủi đất, cùng xe tăng, súng phun lửa, vũ khí hóa học..., nhưng chỉ phá được 9 km Địa đạo.

Địa đạo Vịnh Mốc ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, h. Vĩnh Linh, t. Quảng Trị (bắc sông Bến Hải), được đào từ năm 1966 đến 1967; gồm ba tầng trong lòng đất sâu dưới mặt đất 20-28 m, có bậc thang lên xuống lượn xoắn ốc. Các tầng 1 và 2 đều có giếng nước, nhà vệ sinh. Trục chính dài 2.034 m, cao 1,5-4,1 m, rộng 1-1,2 m, nằm sâu dưới mặt đất 20-28 m, trần khoét vòm hình bán nguyệt, trong khu vực có dt 1 km2. Từ trục chính có các nhánh ngang thông ra 11 cửa (lên mặt đất hoặc ra biển). Hai bên vách, cứ cách 3 m được khoét một hầm làm chỗ ở cho một hộ gia đình và bố trí gần nhau theo đơn vị sản xuất, chiến đấu. Khu trung tâm có hội trường 150 chỗ ngồi, nhà hộ sinh (có 17 em bé được sinh ra dưới Địa đạo), giếng nước, lớp học, trạm xá, nhà tắm... Dựa vào Địa đạo, nhân dân Vịnh Mốc (lúc đông nhất có 1.200 người) tổ chức sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu và cất chứa hàng hóa tiếp tế cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ. Từ 1966 đến 1972, Quân Mỹ đã ném xuống Địa đạo hơn 9.000 t bom, đạn nhưng không làm thay đổi cuộc sống nơi đây.

Căn cứ Bời Lời cách Sài Gòn 80 km được xây dựng trong Kháng chiến chống Pháp (giữa năm 1946), nằm ở phía tây t. Tây Ninh, tây giáp vùng dân cư của h. Gò Dầu và Trảng Bàng, đông giáp sông Sài Gòn (ranh giới của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương), đông nam giáp căn cứ Lộc Thuận (Tây Ninh). Năm 1959-60, căn cứ Bời Lời được củng cố, xây dựng vững chắc, có hệ thống hầm bí mật và Địa đạo tỏa rộng trong lòng đất, là nơi dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh... Trong chiến tranh, Địa đạo vừa có tác dụng phòng tránh, che giấu lực lượng, cất giấu phương tiện vật chất, vừa giữ được yếu tố bất ngờ, bí mật cơ động lực lượng đánh địch, nên nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương thường dùng để bám trụ lâu dài và hoạt động chiến đấu. Khi hòa bình lập lại, hầu hết các Địa đạo trên thế giới và ở Việt Nam đã trở thành các điểm du lịch cho du khách đến thăm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2011