Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đền tháp Sanchi
Đại Bảo tháp Sanchi, cổng phía Đông.

Đền tháp Sanchi cụm đền tháp ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, một trong những quần thể di tích Phật giáo nổi tiếng với các ngôi tháp, chùa và tu viện lớn.

Công trình kiến trúc này do vua Ashoka (? - 232 TCN) cho xây dựng từ thế kỷ III TCN. Vương triều Maurya dưới thời kỳ cai trị của vua Ashoka đã tôn Phật giáo làm quốc giáo, vì thế rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đã được xây dựng vào thời thời gian này như các chùa chiền, tháp Phật, trường đại học Phật giáo…Trong đó, có cụm ĐTS.

Vua Ashoka đã cho xây dựng hơn 84.000 ngôi tháp ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Tháp Phật (stupa) là một loại mộ táng, chứa đựng các “xá lị” (tức di cốt sau khi hỏa thiêu) của Đức Phật, các vị Bồ tát, cao tăng và các nhà vua sùng đạo Phật. Các ngôi bảo tháp thường được xây dựng trên một bệ vuông, và được bố trí cẩn trọng để các góc cạnh của ngôi tháp trùng khớp với bốn phương hướng của la bàn. Tháp Phật gồm 3 bộ phận chính: một bán cầu khổng lồ, trên có một vọng lâu, xung quanh có hàng rào và 4 cổng. Trong số các tháp Phật còn tồn tại đến ngày nay, nổi tiếng nhất và tinh tế nhất là tháp Sanchi I (hay đại tháp Sanchi). Đây cũng được xem là một trong những di tích nghệ thuật Phật giáo vĩ đại và lâu đời nhất ở Ấn Độ.

Ngôi đại tháp Sanchi lúc đầu được xây bằng gạch, cổng và hàng rào bằng gỗ. Từ thế kỷ II đến I TCN, tháp đã được xây ốp thêm những phiến đá bên ngoài, bốn cổng và hàng rào đều bằng đá, được trang hoàng tỉ mỉ và điêu khắc công phu. Kết cấu của tháp rất vững chắc, với cấu trúc những viên gạch cổ và nhỏ xây ở bên trong. Bao bọc lớp gạch cổ ấy là một lớp gạch khác và bề mặt của ngôi tháp được gắn hoàn toàn bằng đá. Ngay trên đỉnh tháp là những phiến đá được gắn thành hình một cái tàng lớn có ba tầng.

Bán cầu tượng trưng cho “quả trứng vũ trụ” là một khối đặc khổng lồ bằng gạch, bên ngoài ốp đá, cao 12,8m, đường kính lớn tới 32m, đặt trên một bệ tròn cao 4,3m. Trên chỏm bán cầu có xây một vọng lâu hình vuông, là nơi chứa di cốt của Đức Phật. Di cốt này đặt trong một chiếc hộp bằng pha lê. Bên trên vọng lâu là một cái lọng lớn gồm một cột đá có gắn ba phiến đá hình đĩa, vừa là một biểu tượng của sự tôn nghiêm, vừa để che mưa nắng. Xung quanh bán cầu là một hàng rào bằng đá bao bọc gồm 120 thanh cột chống và 4 cổng mở ra bốn hướng Đông – Tây – Nam - Bắc. 4 cái cổng được coi là những tuyệt phẩm của nghệ thuật điêu khắc trên đá. Mỗi cổng bao gồm 2 cột đá thẳng đứng, đỡ 3 cái xà bằng đá bắc ngang, mà người ta cho là biểu tượng của Tam thế (quá khứ, hiện tại và tương lai) trong đạo Phật. Các cột và thanh đá đó được chạm trổ những hình ảnh có liên quan đến đạo Phật và tín ngưỡng dân gian: các bánh xe pháp luân, cây Bồ đề, chim thần Garuđa, rắn thần Naga, chim trĩ, voi, khỉ, sư tử…và những hình ảnh về cuộc đời của Đức Phật như Marat, các tiền kiếp của Đức Phật (như con voi trắng sáu ngà…). Ở cổng phía tây có tạc những tượng bán thân (Yaksha) là những thần linh trấn giữ cổng và ở cổng phía đông có tạc những tượng nổi hình tiên nữ (Yakshi) như một phụ nữ đầy sức sống, có dáng đứng uyển chuyển. Tháp Sanchi tiếp tục được mở rộng dưới thời trị vì của các vị vua kế vị thuộc triều đại Maurya.

Đến thời Sunga (180 - 150 TCN), đại tháp Sanchi không chỉ được làm lớn hơn mà còn được bổ sung thêm một số chi tiết: làm thêm con đường chạy đàn (Pradaksina) quanh chân tháp, lối rào gỗ bao quanh và bốn cổng gỗ được thay thế là hàng rào làm bằng đá (vedika) và các cổng đá (Torana), chân của cán ô được thay bằng khối đá vuông (Harmika).

Ngoài ngôi đại tháp do vua Asôka xây dựng, ở Sanchi hiện nay còn có một vài ngôi tháp Phật giáo được xây dựng ở thế kỷ II và thế kỷ I TCN (tháp Sanchi II và tháp Sanchi III). Trong hai ngôi tháp này, có giá trị hơn là tháp Sanchi III với các cổng đá được tạc công phu. Trong lòng ngôi tháp Sanchi III, người ta đã tìm thấy hai viên xá lị có ghi tên hai môn đồ của Đức Phật là Sariputra và Mahamogalana. Hai ngôi tháp này đều có hình dáng và cấu trúc giống ngôi đại tháp nhưng kích thước nhỏ hơn.

Tiếp theo đó, các tu viện và các điện thờ Phật cũng đã được xây dựng thêm trong khu vực. Trải qua thời gian, nhiều công trình kiến trúc đã bị hư hại và hoang phế. Các di tích ở Sanchi bị lãng quên cho đến khi được ông Tyler (người Anh) phát hiện vào năm 1818.

Lý do mà Sanchi được chọn để xây dựng thành một trung tâm Phật giáo lớn vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có người cho rằng có thể là vì nó nằm gần Vidisha, một trung tâm thương mại phát triển mạnh vào thời kỳ Maurya. Các thương gia giàu có và những tín đồ Phật giáo từ Vidisha đã hỗ trợ cho sinh hoạt tôn giáo và quá trình xây dựng ở Sanchi. Cũng có ý kiến khác nói rằng, vùng Vidisha là quê hương của hoàng hậu Devi, vợ của hoàng đế Ashoka, cho nên vua muốn vinh danh địa phương này bằng cách biến nó thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Cũng từ Sanchi mà thái tử Mahendra, con trai của vua Ashoka, đã dẫn đầu đoàn truyền bá Phật giáo, mang thông điệp của Đức Phật đến Sri Lanka.

Ngôi đại tháp trên đỉnh đồi ở Sanchi đã đứng vững như một ngọn hải đăng của Phật giáo qua nhiều thế kỷ và được đánh giá là một kho tàng vô giá về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Ấn Độ và nhân loại. Vào năm 1989, UNESCO đã chính thức công nhận quần thể di tích ở Sanchi là di sản văn hóa của thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Fisher E.R., Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, Thích Thiện Minh & Trần Văn Huân biên dịch, Nxb.TP. Hồ Chí Minh, 2000.
  2. Đặng Đức An (chủ biên), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1, Nxb.Giáo dục, 2002.
  3. N.C. Panda, Asoka – History and Inscriptions (Asoka – Lịch sử và các văn bia), Bharatiya Kala Prakashan, Delhi, India, 2013.
  4. Sanchi – Di chỉ cổ nhất của nghệ thuật Phật giáo, nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/2001/65056/sanchixrilanca-di-san-co-nhat-cua-nghe-thuat-phat-giao.html, truy cập ngày 11/9/2021