Đền Parthenon đền thờ thần Athena, được xây dựng vào thế kỷ V TCN, công trình kiến trúc nổi tiếng nhất trong số những di tích còn lại của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được xem như một trong những di sản kiến trúc bậc nhất của thế giới.
Công trình được xây dựng trên đỉnh đồi Accropolis ở thành phố Athens để tôn vinh và thờ nữ thần Athena – nữ thần của sự thông thái và là vị thần bảo hộ của thành phố Athens. Tên của Đền Parthenon bắt nguồn từ tượng đài thần Athena Parthenos cao lớn và uy nghiêm ở phía đông, có nghĩa là vị chúa vẫn còn trinh nguyên.
Vào năm 477 TCN, khoảng 33 năm sau cuộc xâm lược của người Ba Tư, chấp chính Pericles bắt đầu cho xây dựng Đền Parthenon để thay thế cho ngôi đền trước đó bị tàn phá. Đền Parthenon do hai nhà kiến trúc sư kiệt xuất của Hy Lạp cổ đại là Ichtinos và Callicrates thiết kế và chỉ đạo thi công trong khoảng năm 447- 438 TCN. Phần điêu khắc và trang trí do nhà điêu khắc Phidias tiếp tục hoàn thiện đến năm 432 TCN. Người ta ước tính có khoảng 13.400 viên đá đã được sử dụng để xây dựng ngôi đền, với tổng chi phí khoảng 470 lạng bạc (giá trị khoảng 7 triệu đô la Mỹ ngày nay).
Đền Parthenon xây trên nền đất của ngôi đền Athena cũ. Công trình có mặt bằng hình chữ nhật 31 x 70 m chia làm 4 phần chính: tiền sảnh, gian thờ tế, chỗ để châu báu và hậu sảnh. Công trình được xây theo lối kiến trúc cột Doris với đặc trưng là hành lang cột xung quanh và hành lang cột bên ngoài quây lấy nội điện với 46 cột lớn, mặt chính gồm 8 cột, mặt bên 17 cột. Mỗi cột có đường kính 1,9 m và cao trung bình 10,4 m. Toàn bộ hệ thống cột được xây bằng đá cẩm thạch trắng có tỉ lệ và đường nét rất thanh thoát, mỗi cây cột có rãnh lõm do rất nhiều đá tròn xếp thành lớp. Các khối đá được đẽo tỉ mỉ và chính xác để ghép với nhau thành một thể thống nhất. Các trụ cột vững vàng, mạnh mẽ với những hình ảnh chạm khắc uy nghi trên đầu cột và được coi là biểu tượng cho con người Hy Lạp. Ngoài ra, trên các trụ cột và vách tường, còn có nhiều hình chạm nổi diễn tả những sự tích từ trong thần thoại hay cuộc sống sinh hoạt của cư dân Athens lúc đó.
Không gian bên trong ngôi đền gồm có một phòng lớn đặt tượng thờ nữ thần Athena. Bức tượng nữ thần cao 12 m, được nhà điêu khắc Phidias chạm bằng gỗ và phủ bên ngoài bằng vàng và ngà voi. Bức tượng này thể hiện hình ảnh thần Athena được trang bị đầy đủ vũ khí, đeo một chiếc khiên bằng da dê (gọi là aegis). Tay phải thần Athena đang cầm bức tượng nữ thần Nike của Hy Lạp và tay trái là một chiếc khiên lớn thể hiện cho việc thần đã bảo vệ Athens qua nhiều cuộc chiến khác nhau. Trên vương miện của nữ thần chạm khắc hình 2 con quái vật và một con nhân sư, phía sau tấm khiên cũng được chạm nổi hình một con rắn lớn. Người Hy Lạp xưa không được phép vào phía trong đền để chiêm ngưỡng bức tượng mà chỉ có thể nhìn từ ngoài vào. Ngày nay bức tượng này không còn nữa sau khi bị quân đội đế quốc Ottoman phá bỏ để lấy nguyên liệu đúc tiền.
Điểm đặc biệt của kiến trúc đền nằm ở vật liệu xây dựng, đó là đá hoa cương của vùng Pentelique. Đây là loại đá màu trắng có điểm những hạt sắc, khi ghép các tảng đá lại với nhau, người ta không cần phải dùng vữa. Các khối đá được đẽo thật chính xác sao cho mỗi viên được gắn nối thật khít với viên khác như thể là một. Đặc điểm của loại đá này là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì nó sẽ sáng hơn. Trên mái diềm của ngôi đền lần lượt khắc họa lại sự ra đời của thần Athena, cuộc tranh chấp giữa thần Athena và Posiedon để giành quyền bảo hộ cho Athens, cuộc hành hương của nhân dân Athens để dâng cho thần Athena chiếc cẩm y và vành lá vàng. Tay nghề điêu luyện các nhà điêu khắc thời đó đã khiến cho những nhân vật dù được khắc trên nền đá nhưng lại rất sinh động và linh hoạt như cuộc sống thật ngoài đời từ phục trang, tư thế, người cưỡi ngựa, xe bò, đàn cừu, các vị thần, các thiếu nữ thướt… Toàn bộ tác phẩm là một tuyệt tác về bố cục và độ rõ nét, cân đối, được tạo thêm điểm nhấn bởi màu sắc và các phụ kiện bằng kim loại.
Đền Parthenon về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn cho đến thế kỷ thứ V, khi bức tượng khổng lồ bị dỡ bỏ và ngôi đền được chuyển thành nhà thờ Thiên chúa giáo. Vào thế kỷ thứ VII, một số thay đổi về cấu trúc phần bên trong ngôi đền cũng đã được thực hiện. Người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ Acropolis vào năm 1458, thì 2 năm sau, Parthenon được chuyển đổi thành một nhà thờ Hồi giáo, tuy kiến trúc hầu như không thay đổi gì ngoại trừ việc nâng cao một ngọn tháp ở góc phía tây nam. Trong cuộc chiến giữa người Venice và người Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1687, Acropolis đã bị bắn phá. Khi đó, một khối thuốc nổ nằm trong ngôi đền đã bị nổ tung, phá hủy phần trung tâm của ngôi đền. Vào năm 1801–1803, với sự cho phép của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, một phần lớn tác phẩm điêu khắc còn lại đã bị các nhà quý tộc Anh Thomas Bruce, Lord Elgin dỡ bỏ và bán cho Bảo tàng Anh ở London vào năm 1816. Các tác phẩm điêu khắc khác của Đền Parthenon hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Louvre - Paris, ở Copenhagen và những nơi khác, nhưng nhiều tác phẩm vẫn còn ở Athens.
Tuy không phải là ngôi đền lớn nhất Hy lạp nhưng Parthenon xứng đáng là một kiệt tác nghệ thuật của kiến trúc Hy Lạp. Ngày nay, công trình không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu, bức tường thành đã bị tàn phá, hầu hết các tác phẩm điêu khắc bị mất, chỉ còn lại cấu trúc cơ bản của nó nhưng ngôi Đền Parthenon vẫn là một minh chứng của nền dân chủ Athens, đồng thời là một biểu tượng vĩ đại của nền văn minh phương Tây cổ đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 2, Nxb.Đại học Quốc gia, 2000.
- Mortimer Chambers – Barbara Hanawalt – David Herlihy – Theodore K.Rabb – Isser Woloch – Raymond Grew, Lịch sử văn minh phương Tây, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2004.
- Mary Bread, The Parthenon (Đền Parthenom), Profile Books, 2010
- https://www.britannica.com/topic/Parthenon
- https://www.history.com/topics/ancient-greece/parthenon