Đền Hùng là quần thể di tích thờ các vị vua Hùng, tướng lĩnh và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, nơi được xem là kinh đô của nhà nước Văn Lang trong lịch sử. đền Hùng là không gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tổ tiên của dân tộc Việt Nam, với lễ chính hội (Giỗ Tổ Hùng Vương) diễn ra hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (các tên gọi khác như núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn) từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Quần thể di tích này hiện gồm các ngôi đền Hạ và chùa Thiền Quang, đền Trung, đền Thượng và lăng Hùng Vương, đền Giếng trên núi Nghĩa Lĩnh, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim (Chu Hóa, Việt Trì) và đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn (Hy Cương, Việt Trì).
Vị trí và kiến trúc của các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh gắn liền với câu chuyện truyền thuyết về thời kì Hùng Vương dựng nước Văn Lang và thủy tổ của người Việt là cha Lạc Long Quân (giống Rồng) và mẹ Âu Cơ (giống Tiên). Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo, ba đỉnh "tam sơn cấm địa" được dân gian thờ phụng từ lâu đời. Tại núi Hùng, từ chân núi đi lên, qua 225 bậc đá là ngôi đền Hạ, tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Giếng cổ sau đền có tên "Mắt Rồng" được xem là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng. Từ đền Hạ, tiếp lên 168 bậc đá là ngôi đền Trung (tên chữ là Hùng Vương tổ miếu), tương truyền là nơi các vua Hùng xưa ngồi bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Tiếp lên 102 bậc đá cuối cùng dẫn tới đỉnh núi với ngôi đền Thượng nguyên là ngôi miếu do vua Hùng đời thứ 6 dựng lên tế trời để cầu thiên tướng xuống giúp nhà vua đánh giặc Ân. Gần đền Thượng có lăng thờ vua Hùng thứ 6 và cột đá cổ, được truyền do Thục Phán An Dương Vương dựng lên với lời thề với vua Hùng thứ 18: "Đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom đền miếu các vua Hùng". Từ đền Hạ đi xuống chân núi phía Đông Nam 44 bậc đá là tới đền Giếng thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của Hùng Vương thứ 18. Trong đền có giếng Ngọc, nước trong vắt bốn mùa, tương truyền là nơi hai cô công chúa thường chải tóc, soi gương.
Việc xác định niên đại của các mảnh gốm, ngói mũi hài tìm thấy trên núi Hùng trong các cuộc khai quật khảo cổ năm 1997, 1999, 2002 cho thấy, ít nhất, vào thế kỉ thứ XV đã xuất hiện kiến trúc thờ cúng Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh. Thế kỉ XV cũng là thời điểm xuất hiện cuốn Ngọc phả Hùng Vương (biên soạn năm Hồng Đức nguyên niên, 1470), trong đó nhắc tới điện Kính Thiên và chùa Thiền Quang trên đỉnh núi Hùng. Thông tin về sự tồn tại sớm hơn của đền Hùng còn được nói tới trong Hùng Vương thánh tổ ngọc phả , cho rằng từ thời Thục An Dương Vương đã giao chức "trưởng tạo lệ" cho thôn Cổ Tích chuyên lo việc hương hỏa phụng sự cho đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh. Sự tồn tại của đền Hùng còn được gián tiếp nói tới trong những mô tả về lễ giỗ Hùng Vương diễn ra vào thời Lê (thế kỉ XV-XVII). Theo đó, trong ba ngày lễ hội, từ mùng 9 đến 11 tháng 3 âm lịch diễn ra chu trình mở cửa đình Cả làng Cổ Tích, rước kiệu, rước sắc, làm lễ mở cửa đền, lễ cáo tế, lễ đóng cửa đền Thượng trên đỉnh núi Hùng.
Các ngôi đền trong khu di tích đền Hùng được xây dựng, trùng tu qua nhiều thời kì lịch sử. Đền Hạ được xác định xây dựng vào cuối thời Hậu Lê (trong tầm khoảng thế kỉ XVII-XVIII), trùng tu, tôn tạo vào thời nhà Nguyễn (thế kỉ XIX) và lần gần nhất vào năm 2010. Đền Trung được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỉ XIII), đến thời nhà Nguyễn, đền được tu bổ, tôn tạo lại. Đền Thượng với tên chữ Kính Thiên Lĩnh Điện được dựng vào thế kỉ XV, trải qua nhiều lần tôn tạo vào thời Lê, Nguyễn. Riêng với đền Giếng, ngôi đền được dựng vào thế kỉ XIX, trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1922, 1925, 1999 và lần đại trùng tu năm 2010.
Đền Hùng gắn với câu chuyện lịch sử về quá trình tìm kiếm và khẳng định nguồn gốc của người Việt, cũng đồng thời cho thấy quá trình chính thống hóa, lịch sử hóa các vị thần núi địa phương trong dân gian thành tổ tiên chung của người Việt. Nguồn gốc người Việt với "Truyện họ Hồng Bàng" được nhắc tới đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái, và sau đó là trong bộ chính sử Đại Việt sử kí toàn thư (phần Ngoại kỷ, "Kỷ Hồng Bàng thị") của Ngô Sĩ Liên (1479) có liên quan chặt chẽ với nhu cầu xác lập vị thế và quyền tự chủ của nhà nước Đại Việt triều Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) trong lễ tế Giao thờ cúng các vị vua lập nước. Nghi lễ tế Giao của một nhà nước độc lập đặt ra vấn đề về nguồn gốc và tên hiệu của các triều vua dựng nước (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương) để có thể dùng chính thức trong việc tế tự.
Sự tích hợp giữa tín ngưỡng thờ thần núi (ba chòm Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn) với sự sùng bái các vua Hùng, quá trình lịch sử hóa, nhân thần hóa các vị nhiên thần thể hiện qua ba ngai vị thờ Đột ngột Cao sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương, Ất Sơn Thánh vương và Viễn Sơn Thánh vương tại cả ba đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền lưu tại đền Vân Luông cung cấp thêm thông tin rằng, đây chính là mỹ tự truy phong của các đời vua Hùng. Đột ngột Cao sơn là mỹ tự của Hùng Quốc Vương, người con trưởng trong số trăm con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Viễn Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương, Ất Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương - hai vị vua Hùng kế tiếp của Hùng Quốc Vương. Như thế, đền Hùng được xem là nơi thờ phụng ba vị vua đầu tiên của thời đại Hùng Vương, trong sự kết hợp với tín ngưỡng thờ thần núi lâu đời của cư dân vùng đất tổ.
Đền Hùng còn là khu vực trung tâm trong một vùng văn hóa cổ có ý nghĩa quan trọng với việc khẳng định, xác tín về giai đoạn bình minh trong lịch sử Việt Nam: thời Hùng Vương xây dựng nhà nước sơ khai đầu tiên mang tên Văn Lang. Những ghi chép về nguồn gốc của Hùng Vương của sử gia phong kiến từ đời Trần, thời Lê, Nguyễn trong Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử lược, Dư địa chí, Đại Việt sử kí toàn thư (phần "Ngoại kỷ"), Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn đậm màu sắc của truyền thuyết và huyền sử, khiến gây nên những sự hồ nghi về tính chân xác của sử liệu, về sự tồn tại của nhà nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng kéo dài từ năm 2879 truyện cười (thời điểm Lộc Tục làm vua phương Nam) đến năm 258 truyện cườiN (khi Thục Phán diệt Hùng Vương). Một số nhà sử học (cả người Pháp và người Việt) nửa đầu thế kỉ XX không chấp nhận những hiểu biết lịch sử dựa trên truyền thuyết và phủ nhận sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, cho rằng quốc gia Văn Lang ghi trong sử sách Trung Hoa là sự nhầm lẫn của các sử gia về sau. Theo đó, đền Hùng được xem là chỉ tồn tại như một chứng tích cho quá trình lịch sử hóa truyền thuyết về nguồn gốc và quá trình dựng nước của người Việt.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sử học từ nửa sau thế kỉ XX, với sự hỗ trợ của khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học lịch sử đã cung cấp các bằng chứng khoa học chứng minh sự tồn tại của nhà nước đầu tiên này. Những ghi chép trong sách Địa lý chí, phần về An Nam đô hộ phủ cung cấp thông tin về vùng đất Giao Chỉ màu mỡ với vị quân trưởng có tên Hùng Vương, người về sau bị tiêu diệt bởi Thục Vương. Những di chỉ, di vật phong phú thuộc thời kì tiền và sơ sử được tìm thấy nhiều nhất ở vùng đất Phú Thọ như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun…, mở rộng ra khắp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa hướng các nhà nghiên cứu tới việc khẳng định về sự hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang của Hùng Vương trong khoảng thời gian từ thế kỉ VII truyện cườiN đến khoảng năm 208-209 truyện cườiN, tức trong khoảng gần 500 năm. Thời kì văn hóa Đông Sơn với những thành tựu vượt bậc được xem là tiền đề cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang. Ở tuyến đồng bằng Bắc Bộ, các thời kì văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay khoảng 4.000 năm) - Đồng Đậu (cách nay khoảng 3.500 năm) - Gò Mun (cách nay khoảng 3.000 năm) là cơ sở trực tiếp cho sự xuất hiện của thời kỳ đồ đồng Đông Sơn rực rỡ. Hệ thống các di chỉ khảo cổ thuộc thời kì Hùng Vương ở Phú Thọ, Hà Tây tập trung khá dày đặc, có sự tương đồng với các tư liệu trong thư tịch cổ, đồng thời cũng phù hợp với khu vực phân bố của nhiều đình miếu thờ cúng các vị thần liên quan tới thời kì lịch sử này. Hàng vạn di vật bằng đá, đồng, gốm không chỉ giúp xác định niên đại và địa bàn cư trú của nhà nước Văn Lang trong thư tịch và truyền thuyết mà còn cung cấp thêm các dữ liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội thời bấy giờ. Hệ thống 63 truyền thuyết liên quan tới Lạc Long Quân, Âu Cơ, các vua Hùng, quan quân và tôn thất của nhà vua rải rác khắp các vùng ở Phú Thọ, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời kì Hùng Vương càng thêm khẳng định đền Hùng là trung tâm của không gian văn hóa thuộc thời đại này.
Trong các thời kì lịch sử, đền Hùng luôn được chính quyền trung ương các cấp tiến hành các hình thức sắc phong di tích và dành sự quan tâm đặc biệt nhằm khẳng định về nguồn gốc lâu đời của dân tộc Việt, tính liên tục lịch sử của nước Việt cũng như truyền thống thờ cúng tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Thời Lê, nhà nước có cơ chế, chính sách riêng, với việc chuẩn cho các làng đăng cai (thôn Trung Nghĩa, xã Hy Cương) tô thuế, binh dân và sưu sai, tạp dịch để phụng thờ các vua Hùng. Sách Bách thần thời Lê thống kê, có tới 1026 đình, đền ở 944 làng xã thờ Hùng Vương và các nhân thần, tướng lĩnh của vua Hùng. Đến nhà Nguyễn, các vua Hùng được tôn vinh, Hùng Vương được sắc phong Thượng đẳng thần và linh vị được rước vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương nơi kinh thành Huế. Đến năm 1917, Lễ hội Đền Hùng được xác định là Quốc lễ, ấn định tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (xem thêm mục Giỗ Tổ Hùng Vương). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đền Hùng được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 âm lịch được nhà nước dần chính thể hóa với các quy định cụ thể về việc tế lễ, dâng hương. Nghị quyết năm 1999, Nghị định năm 2001, 2004 ban hành quy định về việc tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ. Chính thức đến 2/4/2007, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng lương và thưởng trong ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) tại đền Hùng (theo Luật số 84/2007/QH11 của Quốc hội). Song song với đó là các quyết định công nhận di tích lịch sử cấp vùng, miền và quốc gia được cấp cho đền Hùng nhằm chính danh hóa và nhà nước hóa không gian tín ngưỡng này vào các năm 1962, 2009. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012 là một dấu mốc quan trọng dẫn tới nhiều đổi thay về diện mạo của khu vực di tích đền Hùng.
Hiện nay, trên cả nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đền thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan cùng thời kỳ được xây dựng và thờ phụng, trong nước có tới 1.417 di tích. Tuy nhiên, đền Hùng tại Phú Thọ vẫn luôn được xem là nơi đầu tiên thờ phụng các vua Hùng, là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam, là điểm hành hương thiêng liêng trong tâm thức của người Việt nhằm tri ân và tưởng nhớ về nguồn cội. đền Hùng và các thực hành tín ngưỡng liên quan được xem là bằng cớ xác thực có ý nghĩa biểu trưng cho nguồn gốc lâu đời của dân tộc Việt, cho thấy sự hình thành và phát triển của nước Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng, Thời đại Hùng Vương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
- Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1982.
- Taylor, Keith, The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.
- Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.
- Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, Nxb Nhã Nam& Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2014.
- Lê Thái Dũng, Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
- Trịnh Sinh, Sự hình thành nhà nước sơ khai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.
- Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Cầm, Đào Thế Đức, Điều tra thực trạng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh, Đề tài cấp Bộ, Hà Nội, 2017.
- Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân, Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2020.