Đế Quốc La Mã thần thánh một thể chế siêu quốc gia trên một lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc tồn tại ở khu vực Tây và Trung Âu từ năm 962 đến 1806, tiếng Anh gọi là Holy Roman Empire, tiếng Latinh là Sacrum Romanum Imperium, cg. Thánh chế La Mã.
Thuật ngữ Sacrum Romanum Imperium chỉ xuất hiện từ năm 1254, mặc dù thuật ngữ Holy Empire có từ năm 1157 và thuật ngữ Đế chế La Mã được sử dụng từ năm 1034 để chỉ các vùng đất dưới sự cai trị của Conrad II. Thuật ngữ “hoàng đế La Mã” thì có từ lâu đời hơn, từ thời Otto II (mất năm 983).
Trong thế kỷ thứ VIII và IX, người Frank đã tạo ra một vương quốc lớn ở Trung và Tây Âu. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 800, vua Frank, Charlemagne, đã tự mình lên ngôi hoàng đế ở Rome. Tuy nhiên, dưới thời các cháu trai của ông, vương quốc Frank nhanh chóng bị tan rã. Đế quốc bị chia thành ba phần: Tây Frank (tiền thân của Pháp thời trung cổ), Trung Frank (sau này bị chia cắt thành Vương quốc Burgundy và Vương quốc Italia) và Đông Frank (sau này phát triển thành vương quốc Đức vào cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X).
Đế quốc La Mã thần thánh được khai sinh vào năm 962 khi Otto I lên trị vì nước Đức, được nhận Đế miện từ Giáo hoàng. Otto I Đại Đế được biết đến là Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc. Là một trong những thể chế chính trị lớn nhất ở châu Âu thời trung cổ, nhưng cơ sở quyền lực của Đế quốc La Mã thần thánh không ổn định và liên tục thay đổi. Đế quốc La Mã thần thánh không phải là một nhà nước đơn nhất mà là một liên minh của các thực thể chính trị vừa và nhỏ. Mặc dù có quy mô ấn tượng nhưng Đế quốc La Mã thần thánh chỉ trở thành một đế chế dưới quyền những hoàng đế mạnh nhất. Những hoàng đế yếu hơn trên thực tế chỉ cai trị những vùng đất cha truyền con nối của gia đình họ. Lịch sử của Đế quốc La Mã thần thánh không được đồng nhất với lịch sử của các vương quốc cấu thành của nó, Đức và Italia, mặc dù rõ ràng chúng có mối quan hệ với nhau. Các lãnh thổ cấu thành vẫn giữ được bản sắc của họ; các hoàng đế, ngoài vương miện của hoàng gia, cũng đội vương miện của vương quốc họ.
Vương triều Staufer là một trong những Dòng họ Hoàng gia đáng chú ý nhất của Đế quốc La Mã thần thánh. Dưới thời trị vì của Dòng họ này, Đế quốc La Mã thần thánh đã đạt đến phạm vi lãnh thổ lớn nhất. Trên đỉnh cao quyền lực vào thế kỷ XIII, Staufers đã cai trị Đế quốc - trên lí thuyết – từ biên giới phía nam của Đan Mạch đến đảo Sicily của Địa Trung Hải, bao trùm một diện tích lên tới 300 vùng lãnh thổ khác nhau.
Từ năm 1415, gia tộc Habsburgs trị vì Đế quốc La Mã thần thánh cho đến ngày cuối cùng của nó. Dưới sự cai trị của Habsburgs, Đế quốc La Mã thần thánh đã trải qua một thời kỳ xung đột tôn giáo lớn giữa Cơ Đốc giáo và các tôn giáo cải cách. Trong khi gia đình Hoàng gia trung thành bảo vệ Cơ Đốc giáo thì ở phía bắc Đế chế, cuộc Cải cách Tin Lành bùng nổ vào năm 1517 khi Martin Luther chính thức đoạn tuyệt với Giáo hoàng và làm rạn nứt Cơ Đốc giáo phương Tây. Một số thành phố đã nhân cơ hội này để chống lại Habsburgs Công giáo, đứng về phía Cải cách. Những rạn nứt dần lớn, dẫn đến cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1618 – 1648). Đây là một trong những cuộc chiến gây tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử châu Âu, đồng thời cũng là cuộc chiến tôn giáo cuối cùng ở châu Âu khiến cho Đế quốc bị tàn phá nặng nề, nhiều thành thị và vùng nông thôn bị san phẳng, dân số suy giảm. Vào năm 1648, sau khi cuộc Chiến tranh Ba mươi năm kết thúc, Đế quốc La Mã thần thánh bị chia nhỏ, châm ngòi cho sự độc lập của các quốc gia sau này.
Sau Hòa ước Westphalia (1648), dòng họ Habsburgs vẫn giữ nguyên vị trí là Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh, nhưng quyền lực của họ ngày càng bị giới hạn ở Áo, Bohemia và Hungary. Họ tiếp tục cố gắng cản trở sự trỗi dậy của Pháp như một thế lực cường quốc mới ở châu Âu. Tuy nhiên, các Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh đã thất bại trong nỗ lực đó khi Louis XIV của Pháp (khoảng 1643 – 1715) tìm cách mở rộng biên giới phía đông của mình đến sông Rhine.
Sự xuất hiện của Napoleon Bonaparte (1769 – 1821) với đoàn quân hùng mạnh tiến về phía đông đã gây thêm những đe dọa mới với Đế quốc La Mã thần thánh. Năm 1805, Napoleon đã gây ra một thất bại nặng nề cho Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh. Năm tiếp theo, Đế quốc La Mã thần thánh chính thức bị giải thể, trong khi người Pháp tổ chức lại hầu hết các bang của Đức, thành lập Liên bang sông Rhine. Sau khi Napoleon bị đánh bại, ý tưởng liên minh vẫn được duy trì. Tất cả các bang của Đức, bao gồm Phổ và Áo, đã gia nhập Liên bang Đức mới. Từ liên minh các quốc gia thành viên này, nước Đức hiện đại cuối cùng đã xuất hiện. Tại Vienna, dòng họ Habsburgs bám lấy quyền lực với tư cách là Hoàng đế của Áo – Hungary và cai trị cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914 – 1918) bùng nổ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Edward Mcnall Burns, Văn minh phương Tây – Lịch sử và văn hóa, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Norman Davies, Lịch sử châu Âu, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
- Peter H.Wilson, The Holy Roman Empire: A Thousand Years of Europe’s History, Penguin UK, 2017
- Almanach – Những nền văn minh thế giới, Nxb. Hồng Đức, 2018. 5.https://www.britannica.com/place/Holy-Roman-Empire/Coronation-of-Charlemagne-as-emperor