Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đấu trường Colosseum
Đấu trường La Mã
Đấu trường La Mã

Đấu trường Colosseum công trình kiến trúc khổng lồ được xây dựng ở La Mã dưới thời các hoàng đế Flavian, còn được gọi là Flavian Amphitheatre, được sử dụng làm nơi đấu của các võ sĩ. Sau này, đấu trường được đổi thành Colosseum hay Colosseo.

Việc xây dựng Đấu trường Colosseum được bắt đầu vào khoảng giữa năm 70 và 72 dưới thời trị vì của Hoàng đế Vespasian. Công trình được hoàn thành vào năm 80 dưới thời Titus, tu sửa vào năm 82, dưới thời hoàng đế Domitian. Địa điểm được lựa chọn để xây dựng Đấu trường Colosseum là một khu đất bằng phẳng ở thung lũng giữa đồi Caeli và đồi Esquiline và đồi Palatine.

Trước khi xây dựng Colloseum, người ta đã phải đào và vận chuyển khoảng 30.000 tấn đất đá ra khỏi vị trí của đấu trường. Theo thiết kế, Đấu trường Colosseum có hình bầu dục, cao 48m, ước tính tương đương với một tòa nhà cao hơn 10 tầng, dài 189m, rộng 156m. Khi còn nguyên vẹn, chu vi bên ngoài của Đấu trường Colosseum là 545m. Khi xây dựng, người ta đã dùng tới 100.000m3 đá hoa cương được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Lượng đá này đủ để xây 40 bể bơi kích thước chuẩn Olympic. Người La Mã đã dùng hơn 25.000 m3 vữa và sỏi để trộn thành một loại bê tông, đồng thời dùng hơn 1 triệu viên gạch kích cỡ khác nhau trong công trình này. Số tiền dùng để xây Đấu trường Colosseum được lấy từ chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với người Do Thái từ năm 66 tới năm 73. Khoảng 50.000 cân bạc và vàng đã được thu về từ ngôi đền tại Jerudalem.

Lúc đầu, Đấu trường Colosseum có sức chứa tới 50.000 người, sau này thiết kế được mở rộng hơn với sức chứa lên đến 80.000 người. Đấu trường Colosseum được kết cấu kiểu mái vòm bên trên tầng trệt, có tổng cộng là 80 cửa, trong đó có 2 cửa dành cho hoàng đế, 2 cửa dành cho các đấu sĩ, 76 cửa còn lại dành cho khán giả. Tất cả các cửa đều được đánh số, giúp khách có thể dễ tìm thấy lối đi vào chỗ ngồi của họ. Các khán giả đến xem thi đấu cũng nhận được một phiếu giống như vé tới sân vận động ngày nay. Phiếu đó ghi rõ số cổng, số tầng, số khu và số hàng ghế mà họ được ngồi. Các chỗ ngồi trên khán đài được sắp xếp theo nguồn gốc và chức tước của người xem. Hàng ghế đầu tiên gần sân khấu nhất làm bằng đá hoa cương để dành cho hoàng đế và các vị senators. Kế tiếp là 14 hàng ghế làm bằng đá sa thạch dành cho các kỵ sĩ. Các hàng tiếp theo được chia làm ba khu. Khu dưới dành cho những người giàu có, khu trên cùng dành cho những người nghèo khó. Hạng bét nhất trong Colosseo là các hàng ghế gỗ dành cho phụ nữ ở trên cao và xa sân khấu nhất. Các lối ra vào ở đây được thiết kế rất hợp lý để khán giả dễ dàng đến chỗ ngồi của mình cũng như không cản trở nhau khi buổi đấu kết thúc và ồ ạt ra về. Hệ thống lối ra vào với hàng loạt các cầu thang cũng như các hành lang cũng vẫn được áp dụng để xây các sân vận động thể thao ngày nay. Với hệ thống ấy người ta có thể cho khán giả vào đầy ắp trong vòng 15 phút và chỉ cần 5 phút để tất cả khán giả ra khỏi Đấu trường Colosseum.

Công dụng chính của Đấu trường Colosseum là làm nơi đấu của các võ sĩ. Theo ước tính, hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở Đấu trường Colosseum nhằm mua vui cho mọi người trong thời gian công trình này hoạt động.

Trong khu trại của các đấu sĩ, nơi họ sinh sống và tập luyện, cũng có một đấu trường nhỏ với sức chứa 3.000 người. Đây là nơi diễn ra các trận đấu tập trước khi võ sĩ thi đấu ở Colloseum. Tấm vải lớn dùng để che nắng mưa cho các khán đài nặng tới 24 tấn được may từ vải lanh nhẹ và dùng dây thừng để buộc vào các cây cột và mối nối. Vào thời trung cổ, Đấu trường Colosseum đã có những sự thay đổi lớn. Một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở bên trong của Đấu trường Colosseum vào cuối thế kỷ VI, và sân đấu thì trở thành một nghĩa trang. Nhiều khoảng không bên dưới những bậc thang được sử dụng làm chỗ ở hoặc xưởng thủ công, và người ta tiếp tục thuê nhà ở đó cho tới tận thế kỷ XII.

Năm 1349, một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam. Một phần lớn tượng đá được sử dụng để xây dựng các cung điện, nhà thờ, trạm xá và các công trình khác, lớp đá cẩm thạch bọc bên ngoài được sử dụng cho các lò vôi, còn lõi sắt và đồng thì bị ăn cắp.

Theo thời gian, cùng với sự hủy hoại của thiên nhiên và con người, vào thế kỷ XVIII, một trận động đất mạnh làm sụp đổ 2/3 Đấu trường Colosseum. Việc bảo tồn Đấu trường Colosseum được bắt đầu một cách nghiêm túc vào thế kỷ XIX, với những nỗ lực đáng chú ý do Đức Pius VIII khởi xướng. Sau đó, một dự án trùng tu đã được thực hiện vào những năm 1990. Qua hơn 2000 năm, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Đấu trường Colosseum ngày nay chỉ giữ được chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng vẫn thu hút hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm, vẫn được coi là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Ngoài giá trị nghệ thuật sẵn có vốn thu hút sự chú ý của các nhà nghệ thuật, công trình này còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao – đánh dấu một thời kỳ hưng thịnh, huy hoàng của đế chế La Mã.

Cho đến nay, Đấu trường Colosseum vẫn luôn mang đến một cảm giác ngưỡng mộ đến sửng sốt cho bất cứ ai đã một lần được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tuyệt vời này của thời Đế chế La Mã – một kiệt tác kiến trúc trường tồn cùng thời gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Edward Mcnall Burns, Văn minh phương Tây – Lịch sử và văn hóa, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Almanach – Những nền văn minh thế giới, Nxb. Hồng Đức, 2018
  3. Robert Payne, Ancient Rome (Rome cổ đại), Ibooks, New York, 2007.
  4. Edward Gibbon, The history of the decline and fall of the Roman Empire (All 6 Volumes)(Lịch sử suy yếu và sụp đổ của Đế chế Rome (bộ 6 tập), E-artnow, tái bản lần thứ 2, 2016.
  5. https://www.britannica.com/topic/Colosseum (Last Updated: Jul 26, 2021)