Mục từ này cần được bình duyệt
Đất rừng khộp

Đất rừng khộp là các rừng rụng lá hoàn toàn vào mùa khô với ưu thế loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae).

Rừng phân bố tập trung ở vùng có mùa khô khắc nghiệt và thường xuyên bị tác động lửa rừng như ở Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ. Đất hình thành dưới rừng khộp bởi tác động của rừng và các nhân tố sinh thái khác như khô hạn, lửa rừng.

Đặc điểm hình thành đất rừng khộp gắn liền với quá trình hình thành rừng khộp. Hiện có hai quan điểm khác nhau về sự hình thành rừng khộp. Nhiều quan điểm cho rằng đó là rừng nguyên sinh khí hậu- thổ nhưỡng nghĩa là phát sinh trong điều kiện khô hạn, lửa rừng và đất bị thoái hóa mạnh. Quan điểm khác lại cho rằng đó là rừng thứ sinh thay thế rừng lá rộng thường xanh khi rừng bị đốt nương làm rẫy, chăn thả gia súc và dưới tác động thường xuyên của lửa rừng, đất bị khô hạn và thoái hóa mạnh sẽ xuất hiện rừng rụng lá cây bọ Dầu. Theo quan điểm này thì có thể trước đây ĐRK ở dưới rừng lá rộng thường xanh và sau đó trở thành đất thoái hóa dưới rừng khộp khi thay thế rừng thường xanh.

Đất rừng khộp phân bố dưới rừng khộp tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt ở Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận... Đất rừng khộp có các loại chủ yếu sau: đất xói mòn trơ sỏi đá (đất xương xẩu), đất xám trên granit, phù sa cổ, đất đỏ vàng trên granit, bột kết, sa thạch, sa phiến thạch, đất nâu đỏ trên ba zan, đất đen trên túp núi lửa, đất bị gờ lây. Đất dưới rừng khộp có nhiều đặc điểm khác với đất dưới các rừng tự nhiên khác. Trước hết là mức độ thoát nước khác nhau: có nơi thoát nước mạnh như đất rừng khộp trên đất xám granit có độ dốc trung bình và thoải; có nơi thoát nước tốt như trên đất ba zan và thoát nước yếu, rất yếu ở những địa hình bằng hay trũng, những nơi có đất sa phiến thạch với lớp trên là sa thạch, lớp dưới là phiến thạch sét bị chai cứng, thoát nước kém. Vì vậy dưới rừng khộp vào mùa mưa có thể bị úng nước ở địa hình bằng và trũng thấp. Đất rừng khộp đa số rất mỏng lớp, gặp kết von ngay trên bề mặt đất trừ đất nâu đỏ trên ba zan. Đất rất khô, cứng vào mùa khô và nhiệt độ mặt đất khá cao do mùa khô khăc nghiệt và tác động lửa rừng. Thành phần cơ giới đa số là nhẹ dạng cát pha, một số nơi trên là đất cát, dưới là đất sét. Đất nghèo dinh dưỡng, lượng hữu cơ thấp vì thảm mục thường bị cháy mạnh vào mùa khô. Mùa mưa đầu tháng tư khi tất cả rừng khộp xuất hiện lớp lá xanh nên đất ẩm hơn và có nơi úng nước.

Đất rừng khộp ở một số nơi vẫn là nương rẫy trồng đỗ xanh nhất là với đồng bào thiểu số. Sau năm 1975 do nhu cầu lương thực nên một số diện tích rừng khộp nơi thấp và trũng đã bị phá biến thành ruộng lúa nước. Tiếp theo thời kỳ cây ăn quả và cây công nghiệp phát triển thì nhiều diện tích rừng khộp bị phá đề trồng mía, sắn, điều; đặc biệt ở Easup (Đăk Lăk) đã chặt tới 500 ha để thử nghiệm trồng điều nhưng đều thất bại, điều không ra trái và sinh trưởng kém. Vào những năm 2006- 2008 khi phong trào trồng cao su phát triển ở Tây Nguyên thì nhiều diện tích rừng khộp được chuyển đổi sang trồng cao su nhưng cũng thất bại vì cao su không hợp đất nghèo dinh dưỡng, khô hạn nặng, đất có thành phấn cơ giới nhẹ và úng nước hay thoát nước kém. Về trồng rừng trên ĐRK cũng có thử nghiệm ở một số diện tích hẹp như đưa Xà cừ trồng thử hay trồng thử bạch đàn nâu hay keo lai. Tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế. Tóm lại do ĐRK bị thoái hóa mạnh, thoát nước kém nên trồng các loài cây công nghiệp hay trồng rừng đều bị hạn chế hay bị thất bại. Do vậy bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp là con đường tối ưu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Phùng Ngọc Lan, Phan Nguyên Hồng, Triệu Văn Hùng, Nguyễn Nghĩa Thìn, Lê Trần Chấn. Cẩm nang ngành lâm nghiệp, Chương Hệ sinh thái rừng tự nhiên ViệtNam, GTZ-REFAS, 2006, tr. 60-61.
  • Đỗ Đình Sâm. Cơ sở lâm học- thổ nhưỡng đánh giá độ phì đất rừng Việt Nam, Luận án Tiến sĩ khoa học, Học viện kỹ thuật Lâm nghiệp Lenỉngad, 1990 (tiếng Nga)
  • Thái Văn Trừng. Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, chi nhánh Hồ Chí Minh, 1999, tr.169-172.