Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đảo chính Ngô Đình Diệm
Tổng thống Diệm của Việt Nam Cộng hòa, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Đảo chính Ngô Đình Diệm (1963) đảo chính quân sự của nhóm sĩ quan cấp cao quân đội Sài Gòn do Mỹ chủ mưu và giúp sức, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1.11.1963.

Năm 1955, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhưng sau nhiều năm nắm quyền cai trị miền Nam, Ngô Đình Diệm đã không đáp ứng được những toan tính của Mỹ, ngược lại còn kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ trên nhiều vấn đề. Mặt khác, chế độ độc tài gia đình trị của gia đình họ Ngô bị các tầng lớp Nhân dân phản đối mạnh mẽ do thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp Phật giáo; từ đó, đẩy mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Sài Gòn ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của Mỹ ở miền Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ngày 11.11.1960 Nguyễn Chánh Thi, chỉ huy lính dù tiến hành đảo chính nhưng thất bại. Từ năm 1961 đến năm 1963, Mỹ gây sức ép quyết liệt về kinh tế, chính trị, ngoại giao hòng cô lập và làm suy yếu tối đa thế lực Ngô Đình Diệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực trung thành hơn với lợi ích của Mỹ lên nắm quyền thống trị. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chỉ đạo một số tướng lĩnh quân đội dự định đảo chính trong ngày 27.8.1963, nhưng cũng không thành do kế hoạch bị bại lộ.

Sau thất bại này, thế lực đảo chính với sự hậu thuẫn tích cực của Mỹ, tiếp tục nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, trong đó có việc bí mật vận động Tôn Thất Đính (Tư lệnh Quân đoàn 3), một trong những tướng lĩnh tin cậy của gia đình Ngô Đình Diệm cùng tham gia. Cuộc đảo chính bắt đầu lúc 13 giờ ngày 1.11.1963, diễn ra chủ yếu tại nội đô Sài Gòn. Lực lượng tham gia đảo chính gồm: Chiến đoàn Thiết giáp 24, Sư đoàn Bộ binh 5; Trung đoàn 10 và Thiết đoàn 2 (Sư đoàn Bộ binh 7); Tiểu đoàn Dù 6; 2 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến (1 và 4) và 1 đại đội truyền tin. Bằng cách tạo dựng Kế hoạch đảo chính giả nhằm phân tán các đơn vị trung thành với gia đình họ Ngô ra khỏi nội đô, lực lượng đảo chính đồng loạt nổ súng tiến công vào các vị trí trọng yếu trong thành phố, nhanh chóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh, Sở Cảnh sát, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, sân bay Tân Sơn Nhất, thành Cộng hoà; đồng thời, bao vây dinh tổng thống. Bị bất ngờ và không kịp điều động lực lượng đối phó, đêm 1.11, Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bí mật trốn vào nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn. Sáng ngày 2.11, cả hai chấp thuận đầu hàng để bảo toàn tính mạng nhưng bị giết trên đường áp giải từ Chợ Lớn về Sài Gòn.

Chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô bị lật đổ, anh em Diệm, Nhu cùng một số tướng lĩnh thân cận như: Lê Quang Tung (Tư lệnh lực lượng đặc biệt bảo vệ tổng thống), Hồ Tấn Quyền (Tư lệnh Hải quân), Cao Xuân Vĩ (lãnh đạo lực lượng Thanh niên Cộng hoà)... bị giết; khoảng 1.000 người chết và bị thương trong các cuộc giao tranh ở Sài Gòn. Ngày 2.11, nhóm đảo chính bãi bỏ chế độ tổng thống, giải tán Quốc hội, đưa quyền hành pháp về tay Hội đồng Quân nhân Cách mạng do tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính làm Phó Chủ tịch; ngày 4.11, chỉ định Nguyễn Ngọc Thơ (nguyên Phó Tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm) làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời và công bố Hiến ước tạm thời gồm 6 điểm, nhằm tập trung toàn bộ quyền lực vào tay Hội đồng Quân nhân Cách mạng; ủng hộ Mỹ, tiếp tục cuộc chiến tranh chống “Cộng sản”. Tuy cuộc đảo chính giành được thắng lợi, nhưng chính quyền quân sự do tướng Dương Văn Minh đứng đầu không giải quyết được tình trạng khủng hoảng của chế độ Sài Gòn và giúp Mỹ tháo gỡ những khó khăn mà ngược lại chế độ Sài Gòn tiếp tục khủng hoảng và Mỹ cũng ngày càng lún sâu hơn vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ tòa Bạch ốc đến dinh Độc Lập, tập 1, Nxb. Trẻ, 1990, tr.104-113.
  2. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 370-371.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 336-337.
  4. Giáo sư Trần Văn Giầu - Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 1243-1266.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.264-279.