Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đảng công nhân Mỹ (1876)

Đảng công nhân Mỹ (1876) là tên gọi đảng chính trị xã hội chủ nghĩa đầu tiên của giai cấp công nhân Mỹ được thành lập cuối thế kỷ XIX cùng với sự hình thành của một loạt các đảng công nhân khác ở châu Âu trong thập niên 1860 và 1870, tên tiếng Anh là Workingmen’s Party of the United States - WPUS.

Hoàn cảnh ra đời đảng là sự ra đời và tồn tại ngắn ngủi của chi nhánh Mỹ của Quốc tế thứ nhất (1872 – 1876) với bất hòa sâu sắc giữa nhóm Marxist và nhóm vô chính phủ đòi hỏi một chính đảng mới của công nhân. Hoạt động nghiệp đoàn suy yếu, số nghiệp đoàn quốc gia giảm từ 30 (năm 1870) xuống còn 9 (năm 1877).

Nền tảng ban đầu của tổ chức này là Đảng công nhân xã hội dân chủ Bắc Mỹ (Social Democratic Workingmen’s Party of North America) được thành lập năm 1874 với thiên hướng chính trị lớn hơn hẳn các tổ chức nghiệp đoàn. Tháng 4.1876, tổ chức đổi tên thành Đảng lao động xã hội.

Tháng 7.1876, Đảng lao động xã hội hợp nhất với một số tổ chức các thành viên còn lại của Quốc tế thứ nhất ở Philadelphia (635 người), Đảng công nhân dân chủ xã hội Bắc Mỹ (1.500 người), và hai nhóm nhỏ hơn là Đảng công nhân Illinois (593 người) và Đảng công nhân xã hội chính trị Cincinnati (250 người) để thành Đảng công nhân Mỹ. Sáng lập tổ chức là những nhà lãnh đạo quan trọng của phong trào công nhân Mỹ như Adolph Strasser, Peter McGuire, Albert Parsons. Thành phần chính của Đảng là người Đức, bên cạnh người Ireland, Behemian, Pháp, và người bản địa. WPUS có 4.500 thành viên ở 55 nhóm khác nhau. Năm 1878, số thành viên tăng lên là 7.000 người với 82 nhóm.

WPUS bị chia rẽ chính trị sâu sắc giữa nhóm theo tư tưởng Marxist và nhóm vô chính phủ Lassalle. Nhóm thiểu số rời bỏ WPUS, thành lập ra Liên đoàn lao động quốc tế (International Labor Union – ILU) và sau này tham gia trong Liên đoàn Lao động Mỹ (American Federation of Labor). Nhóm đa số đổi tên thành Đảng lao động xã hội chủ nghĩa (Socialistic Labor Party - SLP) tháng 12.1877 với khuynh hướng theo chủ nghĩa Marxist.

Năm 1881, SLP một lần nữa bị phân rẽ khi chi nhánh New York tách ra và thành lập Đảng lao động cách mạng xã hội chủ nghĩa (Revolutionary Socialist Labor Party) và nằm trong Hội Liên hiệp lao động quốc tế (International Workingmen’s Association – Black International) (của nhóm vô chính phủ đến từ Đức - tồn tại trong thập niên 1880). Năm 1899, Morris Hillquit dẫn đầu phe đối lập với một nửa số thành viên tách khỏi SLP đang chịu ảnh hưởng của nhà Marxist De Leon và thành lập Đảng xã hội dân chủ (Social Democratic Party). Năm 1901, nhóm này hợp nhất với Đảng xã hội dân chủ Mỹ để thành lập Đảng xã hội chủ nghĩa Mỹ (Socialistic Party of America), dẫn đến số lượng thành viên và uy thế của SLP suy giảm nghiêm trọng.

WPUS có 2 tạp chí chính thức bằng tiếng Đức, xuất bản hàng tuần tên là Chicago Verbote và tờ New York Arbeiter-Stimme; 1 tờ báo tiếng Anh là Labor Standard. Ngoài ra, còn có 12 tờ báo tiếng Đức khác, 7 tờ tiếng Anh và 1 tờ tiếng Bohemian, 1 tờ tiếng Thụy Điển. Thập niên 1890, Weekly People trở thành tạp chí chính thức của đảng. Năm 1877, WPUS tổ chức một loạt các cuộc mít tinh, đình công ở nhiều thành phố khác nhau trong phong trào tổng bãi công của công nhân Mỹ nhưng không để lại ảnh hưởng gì lớn. Đảng tham gia vào hoạt động bầu cử và nhận được số phiếu bầu tương đối ở các khu vực như Louisville, Chicago, Cincinnati, Buffalo. Sang thập niên 1880, đảng thiên về đấu tranh đòi ngày làm tám giờ. Năm 1887, kết hợp với các nhà hoạt động công đoàn và cải cách xã hội để thực hiện các chiến dịch hợp nhất đảng Lao động ở nhiều thành phố. Giai đoạn 1890 - 1914, thiên hoàn toàn theo xu hướng Marxist dưới ảnh hưởng của De Leon. Đây là thời điểm đảng gần với mô hình chủ nghĩa xã hội Marxist nhất. Leon kỳ vọng đưa nước Mỹ tiến hành cách mạng và xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. S. Cronin, “The rise and fall of the Socialist Labor Party of North America” (Những thăng trầm của Đảng lao động xã hội chủ nghĩa Bắc Mỹ), Saothar, vol. 3, 1977, pp. 21-33.
  2. J. Callahan, Unlawfully and riotously assembled in the City of St. Louis: The Workingmen’s Party’s Role during the Great Strike of 1877 in St. Louis (Những nhóm ngoài vòng pháp luật và hỗn loạn tại thành phố St. Louis: Vai trò của Đảng công nhân trong cuộc Đại đình công năm 1877 tại St. Louis), Western Oregon University, 2014.
  3. Jack Ross, The Socialist Party of America, A complete History (Đảng lao động xã hội chủ nghĩa Mỹ - Một lịch sử trọn vẹn), University of Nebraska Press, 2015.